PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 31
Kinh văn: “Dĩ định huệ lực, hàng phục ma oán”.
Đây là tướng thứ năm trong tám tướng thành đạo mà Bồ Tát thành Phật thị hiện. “Ma” là giày vò. Nếu như chúng ta xem thấy quyển kinh viết tay vào thời rất xa xưa, vào thời nhà Đường, chữ “ma” vẫn dùng chữ ma của “chiết ma”, phía dưới là chữ “thạch”. Đem bộ “thạch” này đổi thành một chữ ma, tương truyền là do Lương Võ Đế thay đổi. Lương Võ Đế nói giày vò quá đáng sợ, cho nên đem chữ “thạch” đổi thành chữ “quỷ”. Trong Phật pháp nói ma đều là nói phiền não.
BỐN LOẠI MA
Trong “Kinh Bát Đại Nhân Giác”, Phật nói cho chúng ta nghe bốn loại ma.
● Loại thứ nhất, “Ngũ ấm ma”
Ngũ ấm chính là thân thể này của chúng ta. Phật nói không hề sai, bạn có cái thân này thì bạn phải chịu rất nhiều sự giày vò. Có thân thể thì đương nhiên có tâm lý. Thân và tâm, Phật nói cho chúng ta nghe, thân có khổ vui, tâm có lo buồn. Mọi người đều biết thân khổ là sự giày vò, lo buồn trong tâm cũng là sự giày vò, nhưng không biết được cái ưa thích trong tâm, cái vui của thân này cũng là sự giày vò. Vì sao vậy? Hưởng thụ tâm lý bình thường là thanh tịnh, là bình lặng; hỉ, nộ, ai, lạc đều làm cho bạn không có được bình lặng, trong lòng khởi lên sóng động, đó chính là sự giày vò. Ngũ ấm ma là sắc, thọ, tưởng, hành, thức, bất cứ chúng sanh nào cũng đều không thể tránh khỏi. Thân của chúng ta là thân ngũ ấm. Cho nên phàm phu cao cấp thông minh, như Phu Tử đã từng nói: “Ta có đại hoạn vì ta có thân”. Ông nói, ta có mối lo rất lớn, bởi vì ta có cái thân này. Đó chính là một người rất thông minh. Thế nên, người thông minh nhất đẳng không muốn mình có thân. Điều này có thể làm được hay không? Người tu học có công phu tương đối thì có thể. Trong Phật Kinh nói ba cõi sáu đường, có Dục Giới, có Sắc Giới, có Vô Sắc Giới. Người cõi Trời Dục Giới và Sắc Giới đều có thân thể, hay nói cách khác, không thể nào tránh khỏi được cái khổ. Thiên nhân của Vô Sắc Giới không có thân, họ biết được thân là gốc khổ, thân là tích chứa, thân là đại hoạn, cho nên họ không cần thân. Thiên nhân tầng trời thứ tư là Vô Sắc Giới không có thân tướng, chúng ta gọi họ là “linh giới”, đó là phàm phu cao cấp nhất trong phàm phu. Họ có được xem là giác ngộ không? Được! Không thể nói họ không giác ngộ, thế nhưng các vị phải nên biết, họ không phải chánh giác. Trong Phật pháp chúng ta, giác ngộ là chánh giác. Chữ “chánh” này chỉ riêng nhà Phật có. Người thế gian tuy giác nhưng không chánh, chúng ta nhìn từ người Trời Tứ Không thì có thể thấy được rất rõ ràng. Không cần cái thân này có thể giải quyết được vấn đề hay không? Vẫn là không thể giải quyết được vấn đề, cho dù sanh đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Thiên, tuổi thọ tám vạn đại kiếp, nhưng tám vạn đại kiếp vẫn là có kỳ hạn, tám vạn đại kiếp đến rồi thì họ liền phải đọa lạc. Trong ngạn ngữ thường nói: “Leo càng cao, té càng nặng”, họ vừa đọa thì liền đọa vào trong địa ngục, hơn nữa tuyệt đại đa số đọa lạc trong Vô Gián Địa ngục. Ở đây có nguyên nhân, không phải vô cớ. Những người này đều là người tu hành (người không tu hành không đến được cảnh giới cao đến như vậy), tu đến được cảnh giới này thì cho rằng chính mình đã thành Phật, cho rằng chính mình chứng được Đại Niết Bàn. Niết Bàn là không sanh không diệt, đó là thật không phải là giả. Họ đem Trời Tứ Thiền, Trời Vô Tưởng, Tứ Không Thiên cho rằng là Niết Bàn, đó là sai lầm, ngộ nhận. Lỗi lầm là ở chính họ, quyết không phải là do Phật Bồ Tát. Phật Bồ Tát ở trong Kinh điển nói rất tường tận, rất rõ ràng, chúng ta không thể hiểu lầm ý này.
Sự giày vò của ngũ ấm, mỗi người chúng ta đều không thể tránh khỏi, cho dù là Phật Bồ Tát ứng hóa ở trong sáu cõi. Chư Phật Bồ Tát ứng hóa mà đến, hiện ra cái thân tướng cũng là thân ngũ ấm. Loại thị hiện này chính là trong “Hoa Nghiêm” đã nói “thay chúng sanh chịu khổ”. Chúng ta muốn hỏi, những vị Phật Bồ Tát này thị hiện có phải chịu khổ hay không? Trên hình tướng mà nói thì họ cũng phải chịu khổ, thế nhưng trên thực tế các Ngài không hề có khổ. Đó là chư Phật Bồ Tát ứng hóa ở thế gian này của chúng ta, hoàn toàn khác với chúng ta khi chúng ta đến. Chúng ta thấy trên hình tướng, ăn mặc, đi đứng, đời sống của các Ngài không hề khác với chúng ta. Phàm phu chúng ta có khổ có vui, các Ngài cũng có khổ có vui, biểu diễn ở bên ngoài nhưng trên thực tế tâm của các Ngài vĩnh viễn là thanh tịnh, quyết định không có khổ. Không có khổ nhưng phải làm ra dáng vẻ khổ để cho phàm phu chúng ta xem, để phàm phu chúng ta xem thấy hình tượng của các Ngài mà có được sự giác ngộ. Mục đích của Ngài là để hóa độ chúng sanh, là đến thị hiện, không phải chân thật đang chịu khổ. Việc này chúng ta phải nên biết.