721

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 30

Chọn lựa đầu thai đến nhà quốc vương, dùng thân phận của thái tử để xuất hiện, dụng ý của Ngài rất sâu. Người thế gian cầu phú quý là việc thường thấy nhất, có người nào mà không mong cầu phú quý? Vào thời xưa, có câu nói cho người làm hoàng đế là “quí như thiên tử, giàu như bốn biển”, phú quí đạt đến đỉnh cao nhất. Bồ Tát thị hiện “cái mà người thế gian mong cầu, ta đã có được rồi”, sau khi được rồi thì không có gì đáng tự hào, rất bình thường, vì hoàng đế cũng phải chết, hoàng đế tạo tác tội nghiệp vẫn phải đọa ba đường. Việc tốt thì bạn phải nên làm, nếu bạn làm việc xấu thì phải đọa ba đường. Điều này ý nói, con người không phải vì phú quý mà đến thế gian này, vì phú quý mà đến thì sai rồi, cho nên Ngài dùng phương thức này thị hiện làm một tấm gương tốt cho chúng ta, để chúng ta ở nơi đó mà phản tỉnh, giác ngộ.

  • Tướng thứ ba là “Khí vị xuất gia, khổ hạnh học đạo”.

“Vị” là vương vị. Xả bỏ vương vị cũng là xả bỏ quyền lực . Quốc vương của một quốc gia có quyền lực lớn nhất . Người tranh quyền đoạt lợi xem thấy Bồ Tát biểu diễn như vậy thì phải nên sanh tâm hổ thẹn. Danh, vị, quyền, tiền của, mọi thứ đều có, nhưng mọi thứ họ đều có thể xả, vì biết được thứ này không phải là thứ tốt. Trên Kinh Phật nói: “Tài, sắc, danh, thực, thùy là năm điều của địa ngục”. Chỉ cần có một điều thì bạn không thể thoát khỏi sáu cõi luân hồi, nếu có đầy đủ năm điều thì phiền não của bạn sẽ to, cho nên chúng ta quyết định phải xả.

Người niệm Phật chúng ta mỗi tâm mỗi niệm phải cầu sanh Tịnh Độ. Tịnh Độ ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc, không ở Thế giới Ta Bà của chúng ta. Chúng ta có thể đi hay không? Có thể đi. Bằng cách nào mới có thể đi được? Phải đem danh vọng lợi dưỡng trong Thế giới Ta Bà này xả bỏ. Năm dục,  sáu trần, danh vọng lợi dưỡng không thể mang đi, cho nên phải xả bỏ thì chúng ta niệm Phật mới có thể vãng sanh. Việc này người xưa đã nói nhiều vô kể, chúng ta phải cố gắng nghĩ xem, ở nơi đây cho dù bạn có được nhiều hơn, như phần trên tôi đã nói, không gian đời sống của bạn rất là có hạn lượng, vậy thì làm gì có an vui? Đem thế gian này thảy đều xả bỏ hết, sanh đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc thì mới được tự tại chân thật. Ở nơi đây chúng ta nói dân chủ tự do mở rộng, đây toàn bộ là giả, không phải là thật. Đến Thế giới Tây Phương Cực Lạc mới thật là dân chủ tự do mở rộng. Chúng ta không hề nghe nói ở Thế giới Tây Phương Cực Lạc có quốc vương, có tổng thống, cũng không có nghe nói Thế Giới Tây Phương Cực Lạc có bộ trưởng, thị trưởng. Vì sao không có? Vì dân chủ, mỗi người đều là chủ, không có người khác làm chủ cho ta. Đó mới thật là dân chủ, thật là tự do. Tùy lúc tùy nơi, chúng ta muốn đến một quốc gia nào, muốn thấy một vị Phật nào thì liền đi, đó mới là chân thật mở rộng, một chút khó khăn cũng không có. Tỉ mỉ nghĩ lại, Thế giới Cực Lạc là nơi mà chúng ta đáng phải đi, cho dù thế gian này có tốt hơn thì cũng không nên lưu luyến. Vì sao vậy? Thời gian quá ngắn, bạn có thể hưởng thụ bao lâu? Cho dù thọ mạng của bạn dài được hơn 100 tuổi cũng chẳng qua là hưởng thụ được hơn 100 năm mà thôi. Thực tế mà nói, bạn không thể sống đến 100 tuổi, vậy thì bạn có thể hưởng thụ được bao nhiêu? Thật không đáng kể! Nghĩ lại, bạn vẫn phải vãng sanh Thế giới Cực Lạc thì mới xứng đáng. Cho nên, tất cả thọ dụng, danh vọng lợi dưỡng, tất cả oai thế, quyền lực thảy đều phải xả bỏ, phải xuất gia. Nói như vậy có phải bảo mọi người chúng ta đều xuất gia không? Nếu như bạn nhìn văn mà giải nghĩa thì ba đời chư Phật đều hàm oan. Phật thị hiện hình dáng xuất gia này là khải thị cho chúng ta, để chúng ta ở nơi đây giác ngộ phải “xuất gia”. Ý nghĩa của xuất gia là đối với gia nghiệp không có chút lưu luyến nào, đó gọi là xuất gia. Sự thì không chướng ngại, ý niệm chướng ngại; vọng tưởng, phân biệt, chấp trước là đại chướng ngại. Nếu như bạn không có phân biệt, chấp trước thì cái nhà đó có hay không có không hề khác nhau, vậy thì không có chướng ngại. Cho nên khi nói đến xuất gia, Phật nói có bốn loại. Bốn loại này đều là đối với người học Phật mà nói, không nói đối với người không học Phật.

  • Loại thứ nhất là “thân xuất, tâm không xuất”. Người xuất gia hiện tại như chúng ta, thân xuất gia rồi, thế nhưng trong lòng vẫn có danh vọng lợi dưỡng, vẫn có tham-sân-si-mạn, như vậy là chưa xuất; tâm của tại gia, tướng của xuất gia; những việc đã làm vẫn là sự nghiệp của người tại gia làm. Vốn dĩ cái nhà đó không lớn, cha mẹ anh chị em không nhiều, phòng ốc cũng không lớn, nhưng vừa xuất gia rồi thì làm chùa to; ra khỏi nhà nhỏ thì bước vào nhà lớn, nên phiền não liền lớn. Nhà nhỏ tạo nghiệp nhỏ, nhà lớn tạo nghiệp lớn, cho nên người xưa mới nói “trước cửa địa ngục tăng đạo nhiều”. Ai đọa địa ngục vậy? Thân xuất gia mà tâm không xuất gia thì gần như không thể vượt qua được địa ngục, rất khó vượt qua! Việc này chúng ta phải hiểu. Xuất gia thì phải thật giống như Thích Ca Mâu Ni Phật vậy, thân tâm thế giới tất cả buông bỏ, toàn tâm toàn lực vì Phật pháp, vì chúng sanh, đó là công đức vô lượng. Báo của tội và phước ở ngay khoảng một niệm, chúng ta không thể không đề cao cảnh giác.
  • Loại thứ hai là “thân không xuất gia, tâm xuất gia”. Thân ở tại nhà, như cư sĩ tại gia ở nhà học Phật, thế nhưng tâm xuất gia. Cư sĩ Lý Mộc Nguyên là tâm xuất gia, thân không xuất gia. Như vậy mà tốt, họ không tạo nghiệp. Cho nên, người tại gia học Phật thành tựu nhiều. Bạn xem, họ vãng sanh có tướng lạ hy hữu. Trong những năm gần đây, chúng ta đã được thấy hay được nghe người đứng mà ra đi, ngồi mà đi đều là đồng tu tại gia; chưa hề nghe nói có một người xuất gia nào, hơn nữa, đó đều là nữ chúng tại gia. Nam chúng tại gia đứng mà ra đi, ngồi mà ra đi, biết trước giờ ra đi thì ít hơn. Chúng ta nghe thấy, xem thấy nữ chúng tại gia đứng mà đi, ngồi mà đi, không bị bệnh, nói đi thì đi. Lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ rất cảm khái, nói: “Vào thời xưa, chúng ta tu hành thành tựu được xếp theo thứ tự sau: Thứ nhất là nam chúng xuất gia thành tựu được nhiều nhiều nhất, thứ hai là nữ chúng xuất gia, thứ ba là nam chúng tại gia, thứ tư là nữ chúng tại gia. Hiện tại thảy đều điên đảo hết, số người có thành tựu nhiều nhất là nữ chúng tại gia, kế đến là nam chúng tại gia, kế tiếp là nữ chúng xuất gia, rất e ngại là nam chúng xuất gia”. Hiện tại đã đảo ngược, chúng ta không thể không cảnh giác. Thế nhưng đích thực đó là sự thật, chân tướng sự thật như vậy không thể phủ nhận. Cho nên ý nghĩa của xuất gia chúng ta phải hiểu.
  • Loại thứ ba là “thân và tâm đều xuất”. Đó là người xuất gia chân thật tốt. Thân xuất gia, tâm cũng xuất gia, trong Phật pháp nói đó chính là “đệ tử chân thật của Phật”, có thể gánh vác việc hoằng pháp lợi sanh, kế tục huệ mạng của Phật, nối tiếp gia nghiệp của Như Lai.
  • Loại thứ tư là “thân, tâm đều không xuất”. Đó là chỉ cư sĩ tại gia. Cư sĩ tại gia thân không xuất, tâm cũng không xuất; tuy là học Phật, nhưng học Phật chỉ là việc phụ, lo danh vọng lợi dưỡng thế gian là chủ yếu, đại khái chín mươi chín phần trăm vẫn là mãi lo thế gian pháp, Phật pháp chỉ lo một phần trăm thì cho là rất tốt rồi, là không tệ rồi. Đó chính là “thân, tâm đều không xuất”.

Xuất gia có bốn loại trên. Phật ở ngay chỗ này thị hiện để nhắc nhở chúng ta. Các đồng tu tại gia tâm phải xuất, thân không xuất, cho nên các bạn ở trong bất cứ nghề nghiệp nào, bất cứ công việc nào đều thị hiện thành chánh giác. Trong nghề nghiệp của bạn, bạn là mô phạm tốt nhất, ở nơi đó bạn biểu diễn nghề nghiệp của Bồ Tát, trải qua đời sống của Bồ Tát. Bạn làm nghề buôn bán, phàm hễ nếu bạn có tâm xuất gia thì bạn nhất định phải thông minh hơn người khác, nhất định có trí tuệ hơn người khác, bạn đi buôn bán thì nhất định sẽ kiếm rất nhiều tiền. Thế nhưng Bồ Tát kiếm được tiền không phải để chính mình dùng, mà để giúp đỡ chúng sanh khổ nạn trong xã hội. Đó là làm tấm gương tốt nhất cho người có tiền trong xã hội và những người có tiền của không chịu làm việc phúc lợi xã hội. Đó là người tại gia tâm xuất nhưng thân không xuất. Họ kiếm được tiền có thể giúp đỡ người khổ nạn trong xã hội, đó là làm một tấm gương tốt cho người có tiền, có thế lực xem, để ảnh hưởng họ, giáo hóa họ, hy vọng người phú quý đều có thể quan tâm đến lợi ích của cả xã hội thì xã hội này liền an lành, không có người làm loạn. Chúng ta trải qua ngày tháng được tốt thì chúng ta hy vọng người người cũng trải qua ngày tháng được tốt, khác biệt không nên quá lớn, xã hội sẽ vĩnh viễn an định hòa thuận, hợp tác lẫn nhau. Đó là Phật dạy bảo, công đức không gì bằng. Cho nên, chúng ta hiểu được ý nghĩa của xuất gia thì sẽ biết được chúng ta nên làm thế nào để tu học. Thực tế mà nói, chân thật phát tâm cạo tóc xuất gia không phải dễ, mà rất là khó khăn. Bạn có phải chân thật hiểu được Phật pháp không? Bạn có nghĩ là bạn có thể gánh vác công việc hoằng pháp lợi sanh, kế tục huệ mạng Phật hay không? Trách nhiệm này rất lớn. Nếu bạn nói “tôi chỉ muốn niệm Phật cầu vãng sanh”, vậy thì bạn không cần phải cạo đầu, bạn ở tại gia niệm Phật cũng được vãng sanh thượng thượng phẩm. Nếu như bạn thị hiện dáng vẻ người xuất gia, nhưng làm không đúng pháp, làm bại hoại Phật môn thì tội nghiệp của bạn sẽ rất nặng. Vì sao vậy? Bạn phá hoại đi hình tượng của Phật. Cái tội này thật không nhỏ! Phật là thầy của trời người, khởi tâm động niệm của Phật, lời nói việc làm đều là tấm gương tốt nhất cho chúng sanh chín pháp giới. Bạn làm tấm gương xấu cho người thì bạn đang làm công việc diệt Phật pháp, không phải là bạn đang hưng Phật pháp. Trong tâm còn có tâm tham, còn có sân hận, còn ngu si, không giữ giới luật, không giữ pháp, còn phóng túng thì sao được chứ? Cho nên khi mặc vào tấm y này thì mỗi giờ mỗi lúc phải nghĩ đến Phật; ngày ngày nhìn Phật tượng, mỗi ngày mở quyển Kinh ra đọc, nghĩ lại xem ta có giống Phật hay không? Nếu không giống Phật thì trong địa ngục đã đánh dấu rồi, đã ghi tên bạn vào sổ, vậy bạn còn có thể trốn được hay sao? Chúng ta cầu sanh Tịnh Độ thì hãy đem tâm của ta đối chiếu cùng với tâm của A Di Đà Phật ở trên Kinh này. Tâm của A Di Đà Phật là bốn mươi tám nguyện, nguyện nào cùng với tâm của chính chúng ta tương ưng? Chúng ta đã đọc bốn mươi tám nguyện nguyện rồi, tâm của A Di Đà Phật cùng tâm của chúng ta, một điều cũng không tương ưng, vậy chúng ta còn có thể vãng sanh sao? Đó chính là người xưa nói: “Đau mồm, rát họng cũng chỉ uổng công”.