/ 374
1.257

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 32

Vi diệu pháp này chúng ta đặc biệt phải lưu ý, phải xem trọng. Chúng ta đọc “Kinh Địa Tạng” thì biết được Đại Trưởng Giả, Bà La Môn nữ, Quang Mục nữ đều chọn lấy pháp môn niệm Phật. Đặc biệt là Bà La Môn nữ, Quang Mục nữ đều biết mẫu thân của mình đời trước tạo tác tội nghiệp cực trọng, nhất định đọa địa ngục. Hai người này đều là hiếu nữ, họ làm thế nào để siêu độ thân mẫu của chính mình? Cầu Phật gia trì. Phật đều dạy cho họ phương pháp niệm Phật. Cho nên, chúng ta xem thấy ở trong “Kinh Địa Tạng”, Phật không lừa dối người. Phật có năng lực vào trong địa ngục để cứu cha mẹ của bạn hay không? Không có! Phật không có năng lực này, nhưng Phật biết được dùng phương pháp gì có thể giúp cho họ. Phật đem phương pháp dạy cho bạn, bạn y theo phương pháp đó mà làm, quả nhiên liền có hiệu quả.

Ngày nay chúng ta hiểu rõ được đạo lý này, ở trên “Kinh Hoa Nghiêm” Phật nói với chúng ta: “Mười pháp giới y chánh trang nghiêm là duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Mười pháp giới y chánh trang nghiêm là nói tận hư không khắp pháp giới, không phải chỉ thế giới này của chúng ta. Tận hư không khắp pháp giới từ do đâu mà có? Là duy tâm sở hiện, duy thức sở biến. Phật nói ra nguyên lý căn bản cho chúng ta nghe. Trên Kinh Đại Thừa thường nói: “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”. Đây là nguyên lý nguyên tắc chân thật, trong lòng chúng ta nghĩ cái gì liền sẽ hiện ra cảnh giới đó. Do đây có thể biết, trong lòng chúng ta nghĩ đến Phật thì Phật liền hiện tiền. Trên “Kinh Lăng Nghiêm” nói rất hay: “Nhớ Phật niệm Phật, hiện tiền tương lai nhất định thấy Phật”, đây chính là nguyên lý niệm Phật thành Phật. Chúng ta nghĩ Bồ Tát, niệm Bồ Tát thì chứng được quả vị Bồ Tát; chúng ta nghĩ A La Hán, niệm A La Hán thì tương lai liền chứng được quả A La Hán. Phương pháp này mau chóng hơn so với bất cứ phương pháp nào trong Đại - Tiểu Thừa nói. Phương pháp trên Kinh nói khá nhiều, khi tu thì quá phức tạp, còn phương pháp này thì mau chóng, thẳng tắt.

Trên Kinh nói sáu cõi luân hồi, sau khi chết có sáu nơi có thể đi, nhưng vì sao mọi người đều nói “người chết đều làm quỷ”, khẳng định đến như vậy? Tỉ mỉ nghĩ lại, mọi người nói người chết làm quỷ cũng không phải không có đạo lý. Vì sao vậy? Ngày ngày nghĩ đến quỷ thì đương nhiên khi họ chết sẽ không đi đến nơi nào khác mà nhất định phải đi đến cõi quỷ. Khi chưa chết ngày ngày nghĩ đến quỷ, nghĩ thứ gì thì liền biến thành thứ đó, huống hồ không những nghĩ quỷ, mà còn làm việc quỷ, tạo ra nghiệp quỷ, kết cái duyên với quỷ quá sâu. Việc của quỷ là gì vậy? Là tham. Phật nói cho chúng ta nhân hạnh nghiệp nhân của mười pháp giới, đường ngạ quỷ là lòng tham, đường địa ngục là sân hận, đường súc sanh là ngu si. Người một ngày từ sớm đến tối tham tài, tham danh, tham sắc, mọi thứ đều tham, ngay đến học Phật rồi vẫn tham Phật pháp, bạn nói xem có đáng lo hay không? Lòng tham liền tạo ra nghiệp quỷ, tạo ra nghiệp quỷ lại thường hay nghĩ tưởng người chết rồi làm quỷ, đây là luyến quỷ, cho nên đại đa số người khi chết đều đi đến cõi quỷ cũng rất có đạo lý. Chúng ta hiểu rõ những nguyên lý nguyên tắc này, sau đó liền nghĩ đến vì sao ta không tạo ra nghiệp của Phật, vì sao không niệm Phật? Mười pháp giới thực tế mà nói là do chính mình chọn lấy, quyền chọn lựa là ở chính mình, bất cứ người nào cũng không thể làm chủ tể cho chúng ta. Việc này trên Kinh Phật nói thật quá nhiều. Cho dù đọa ngạ quỷ, đọa súc sanh hay đọa địa ngục, đều là chính chúng ta chọn lấy, quyết không phải thiên thần, quỷ thần ở nơi đó chi phối chúng ta, mà hoàn toàn là tự làm tự chịu, lỗi lầm đều ở chính mình. Cho nên, hiểu được đạo lý này, hiểu rõ chân tướng sự thật thì tại sao không ở trong mười pháp giới tranh thủ hướng lên trên?

Tâm Phật là tâm bình đẳng. Chúng ta đối với tất cả mọi người, tất cả việc, tất cả vật phải dùng tâm bình đẳng để đối đãi. Nói ra thì dễ dàng, nhưng làm thì rất khó, vì người không bình đẳng, tướng không giống nhau. Phật dạy cho chúng ta một phương pháp, phương pháp này tốt. Phật dạy chúng ta xem tánh của chúng, không nên dính vào tướng của chúng. Chúng sanh hữu tình có Phật tánh, chúng sanh vô tình có Pháp tánh. Tánh là bình đẳng, cho nên Phật dạy chúng ta ở trên tánh mà hạ công phu, không nên dính vào tướng. Phàm hễ thấy sắc, nghe tiếng đều có thể quay về tự tánh thì tâm bình đẳng của bạn liền sẽ hiện tiền. Tất cả Bồ Tát không luận là tu học pháp môn gì, pháp môn chỉ là phương pháp tu hành không giống nhau, phương tiện không như nhau, nhưng nguyên lý nguyên tắc quyết định là không hề khác nhau, đều là nói khéo quan sát. Khéo chính là từ trên tướng mà thấy tánh. Tánh là không tịch, tướng là hư vọng, tướng có ngàn vạn sự khác biệt, nhưng tánh chỉ có một, không hề khác nhau, đều là không tịch. Cái không này là chân không, không phải là trống không. Tịch là linh tịch, không phải tối tăm trống rỗng không linh. Nếu như chúng ta không biết dụng tâm thì dùng phương pháp của “Kinh Kim Cang” cũng tốt. Hiện tượng muôn ngàn khác biệt, không luận là chúng sanh hữu tình, chúng sanh vô tình, ngày nay chúng ta gọi là tất cả người, tất cả việc, tất cả vật, khi trong lòng bạn phân biệt chấp trước, phiền não tập khí hiện hành, thì như trên Kinh Phật nói: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”. Hư vọng như nhau, phàm sở hữu tướng, tướng tốt cũng vậy, tướng không tốt cũng vậy, khác biệt thế nào đi nữa cũng đều quy về hư vọng. Phật lại nói với chúng ta: “Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng huyễn bào ảnh, như lộ diệc như điện, ưng tác như thị quán”, phải nên có cái nhìn như vậy. Cách nhìn như vậy chính là phương pháp tu hành của Pháp Thân Đại Sĩ. Không chấp tướng thì cái tướng này là bình đẳng. Chúng ta tu nghiệp bình đẳng (tu nghiệp bình đẳng là tu nghiệp Phật), sau đó niệm Phật thì làm sao mà không vãng sanh, làm sao mà không thành Phật? Cho nên, nhất định không nên dính mắc. Cái tướng này thì tôi ưa thích, cái tướng kia thì tôi chán ghét, đó là bạn đang tạo ra nghiệp luân hồi, nhất định vẫn phải chịu khổ báo ba đường, phiền não thật lớn. Chúng ta phải biết, tướng tốt là do tâm thiện biến hiện ra, tướng không tốt là do tâm ác biến hiện ra. Năng biến là tánh thức bất định, biến hiện ra là huyễn tướng ngàn vạn lần sai biệt, mười pháp giới y chánh trang nghiêm. Chúng ta hiểu rõ đạo lý này, hiểu rõ sự thật này, sau đó ở trên Kinh Phật nói những phương pháp này, chúng ta ở ngay trong cuộc sống thường ngày có thể vận dụng được, dùng đến công phu đắc lực, thật là hoan hỉ, pháp hỉ sung mãn. Chúng ta học Phật thì phải từ ngay chỗ này mà học tập, ở ngay chỗ này dụng công phu thật, khẳng định niệm Phật là pháp môn đệ nhất trong tất cả pháp môn.

/ 374