/ 374
1.124

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 29

Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh (tập 29)

Kinh văn: “Nhập Phật pháp tạng, cứu cánh bỉ ngạn, nguyện ư vô lượng thế giới thành đẳng chánh giác”.

Câu kinh văn này tán thán các chúng Bồ Tát thành tựu cứu cánh viên mãn. Trước tiên chúng ta phải lý giải “Phật pháp tạng” là gì. Thông thường chúng ta nói Phật pháp tạng là trí tuệ đức năng vốn đủ trong tự tánh. “Phật” là Phật tánh. Phật tánh chính là chân tánh của chính mỗi một người chúng ta, nhà Phật thường nói là chân tâm bổn tánh của tất cả chúng sanh.

Phạm vi của hai chữ “chúng sanh” rất rộng lớn, bổn ý của nó là nói chúng duyên hòa hợp mà sanh khởi ra hiện tượng. Tất cả động vật là do chúng duyên hòa hợp mà sanh. Trên Phật Kinh thường lấy con người làm thí dụ. Con người là do bốn đại năm uẩn hòa hợp mà hiện khởi ra. Bốn đại là nói sắc pháp, sắc uẩn ở trong năm uẩn, hiện tại chúng ta gọi là vật chất. Thọ, tưởng, hành, thức, bốn loại này chính là nói tinh thần. Phàm hễ là một động vật thì đều do bốn đại, năm uẩn mà sanh khởi ra hiện tượng. Ngoài động vật ra, còn có thực vật và khoáng vật. Trong thực vật, khoáng vật không có bốn uẩn sau trong năm uẩn. Sắc uẩn phía trước thì nó đầy đủ, cho nên bốn đại nó đầy đủ. Bốn đại cũng là chúng duyên hòa hợp mà hiện khởi. Cho nên, ý nghĩa của chúng sanh thì rất rộng lớn. Chân tánh của tất cả chúng sanh, thực tế mà nói là một tánh, một tánh biến thành ra rất nhiều hiện tượng. Phật ở ngay chỗ này đã phân tích một cách rất đơn giản cho chúng ta. Nói đến động vật thì tự tánh này được gọi là Phật tánh; nói đến thực vật hay khoáng vật (tức là ngoài động vật ra, bao gồm hiện tượng tự nhiên), thì những tự tánh này gọi là pháp tánh.

Các vị phải nên biết, pháp tánh bao gồm Phật tánh, nhưng Phật tánh không bao gồm pháp tánh. Việc này chúng ta phải tường tận. Phật tánh cũng tốt, pháp tánh cũng tốt, đều là ngay chỗ này nói Phật. Phật pháp tạng là trí tuệ đức năng vốn đủ trong tự tánh. Chúng sanh vô tình (gồm thực vật và khoáng vật) có đức năng, nhưng không có trí tuệ; Chúng sanh hữu tình (động vật) có trí tuệ và đức năng, khác biệt là ở ngay chỗ này. Tất cả chúng sanh, phàm hễ có Phật tánh thì đều sẽ thành Phật, đều phải nên làm Phật. Chúng sanh hữu tình thành Phật thì chúng sanh vô tình liền theo đó mà chuyển, “y báo tùy theo chánh báo mà chuyển”, cho nên trên “Kinh Hoa Nghiêm” mới nói: “Tình dữ vô tình, đồng viên chủng trí”, chính là đạo lý này. Chúng sanh vô tình tự nó không thể chuyển, cần phải khi chúng sanh hữu tình có trí tuệ viên mãn thì chúng sanh vô tình liên đới chuyển. Đạo lý là như vậy, đó là lý lẽ y báo tùy theo chánh báo mà chuyển.

“Nhập” là khế nhập, chúng ta cũng gọi là chứng đắc. Trí tuệ đức năng vốn đủ trong tự tánh thảy đều hiển lộ ra, thảy đều có thể dùng được, đó gọi là nhập. Trong pháp Đại thừa, người thế nào thì Phật pháp tạng hiển lộ ra, cũng chính là nói, người nào vào được bảo tàng trí tuệ đức năng của tự tánh? Chư Phật Như Lai vào được, các Ngài đạt được. Thực tế mà nói, nói “đạt” là rất miễn cưỡng, làm gì có chuyện đạt hay không đạt? Tự tánh vốn đủ, cho nên trên hội Lăng Nghiêm nói “viên mãn Bồ Đề, quy vô sở đắc”. Vì sao vô sở đắc? Là vì bạn vốn có. Nếu vốn không có, hiện tại bạn có được thì mới gọi là đắc. Do vốn đã sẳn có, hiện tại gọi là hồi phục, không thể nói là đắc, thực tế mà nói, không có “được - mất”. Hiện tại bản năng trí tuệ, tự tánh của chúng ta chưa hiển lộ ra, chúng ta trải qua đời sống rất khổ cực, ngày tháng rất lao nhọc chính là do trí tuệ đức năng trong tự tánh không thể hiện tiền. Chúng ta chưa vào Phật pháp tạng, nguyên nhân chính ngay chỗ này. Sự việc này nói thì rất dễ, khi làm thì thật khó. Mức độ thấp nhất là phải đoạn dứt kiến tư phiền não, trần sa phiền não, bốn mươi mốt phẩm vô minh chí ít cũng phải phá một phẩm thì mới có thể vào Phật pháp tạng. Phật pháp tạng chính là chân tâm bổn tánh, trong Thiền tông gọi là minh tâm kiến tánh. Minh tâm kiến tánh chính là vào Phật pháp tạng. Người mà có thể vào Phật pháp tạng, trên “Kinh Hoa Nghiêm” gọi là Pháp Thân Đại Sĩ, đó không phải là người thông thường. Pháp thân Đại Sĩ thì thành Phật, tuy thành tựu của họ vẫn chưa được viên mãn, chỉ là phá một phẩm vô minh, chứng một phần pháp thân, nhưng họ liền có năng lực ở tận hư không khắp pháp giới độ hóa chúng sanh. Như trong “Phổ Môn Phẩm” đã nói, đáng dùng thân gì để độ thì Ngài liền hiện ra thân đó để độ, đáng dùng thân Phật để độ thì Ngài liền có thể thị hiện tám tướng thành đạo. Các vị phải nên biết, thị hiện tám tướng thành đạo tuyệt nhiên không đại biểu cho việc Ngài đã chứng được Phật quả cứu cánh viên mãn, thế nhưng Ngài quyết định chứng được phần chứng Phật quả, đó là nhất định, Ngài có năng lực thị hiện. Do đó chúng ta ở trong Viên giáo xem thấy được, từ sơ trụ trở lên, thập trụ, thập hạnh, thập hồi hướng, thập địa, tổng cộng có bốn mươi mốt ngôi thứ, bao gồm quả vị Đẳng giác, đều gọi là phần chứng vị, không phải viên mãn. Vì vậy, vào Phật pháp tạng là phần chứng vị, bốn mươi mốt vị Pháp Thân Đại Sĩ.

/ 374