/ 374
1.384

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 8

Có một lần, người trong thành phố gặp được Pháp sư, họ rất ngưỡng mộ, rất khâm phục giới luật, đạo hạnh của vị Pháp sư này. Ở trong khu nội thành náo nhiệt, họ xây một giảng đường, mời Pháp sư xuống núi để hoằng pháp. Sau khi Pháp sư xuống núi không được bao lâu, đời sống phồn hoa nơi thành thị Ngài đều bị tiêm nhiễm tất cả, tham, sân, si, mạn đều hiện ra, đạo tâm cũng không còn, định cũng mất sạch rồi, vô cùng đáng tiếc! Vị Pháp sư này liền đến thỉnh giáo với Đại Sư Liên Trì, đó là vị nào vậy? Đại Sư Liên Trì nói chính là ông anh (chính là vị Pháp sư ấy). Ngài nói rõ bạn tu hành ở trong núi sâu, chưa trải qua sự tôi luyện ở trong hồng trần này thì không tính đến. Từ xưa đến nay, bao nhiêu người tu hành ở trong núi có thành tựu, nhưng vừa xuống núi là tiêu liền, toàn bộ đều bị hủy sạch, chúng ta thường nói là “không vượt qua được khảo nghiệm”. Cho nên Phật nói hoa sen là không phải nói hoa sen nở ở trong nước, hoa sen nở trong nước có gì hiếm lạ đâu! Hoa sen mà Phật Thích Ca Mâu Ni nói là hoa sen nở ở trong lửa, đây mới là hiếm lạ, mới trân quí. Lửa là tiêu biểu cho năm dục sáu trần. Ở trong năm dục sáu trần mà thanh tịnh vô nhiễm, vậy là thành công. Cho nên vô trụ sanh tâm, đây là Phật pháp cao cấp ở trong Phật pháp.

Người bình thường chúng ta có thể học vô trụ, không nên học sanh tâm. Chúng ta vẫn phải chia nó ra thành giai đoạn, sau khi thật sự được vô trụ thì trải sự luyện tâm tiếp, chưa đến được cảnh giới vô trụ thì việc này làm không nổi, vừa làm là có vấn đề ngay. Việc này ở đây thuận tiện khuyến khích đồng tu, ở trong Quán Vô Trụ Bồ Tát hàm chứa nghĩa sâu, “vô trụ sinh tâm, sinh tâm vô trụ”. Chúng ta đảo ngược lại câu này để đọc thì mới có thể thấy được ý nghĩa, “vô trụ sinh tâm, sinh tâm vô trụ”, ý nghĩa liền xuất hiện. Đây là chân thật có trí tuệ, đích thực có định lực, vượt qua được khảo nghiệm. Khi chưa vượt qua được khảo nghiệm thì chúng ta phải tránh, không nên để cảnh giới bên ngoài quấy nhiễu chúng ta. Nếu như thật sự có định lực, thật sự có công phu thì có thể không cần tránh né, vì sao vậy? Chúng ta có thể chuyển cảnh giới, cảnh tùy tâm chuyển, chúng ta sẽ không bị nó chuyển, vậy thì được. Tự mình không thể chuyển cảnh giới thì quyết định phải tránh.

Người mới học, Phật đã xây dựng cho chúng ta rất nhiều qui củ, nhất định phải tuân thủ. Tại sao vậy? Vì chúng ta vô tri. Cũng như ở trường dạy học vậy, bạn thấy đấy, qui củ ở tiểu học rất nhiều, thầy giáo đôn đốc rất nghiêm khắc, lên trung học thì hơi nới một chút, lên đại học thì càng mở rộng hơn, đến nghiên cứu thì không có ai quản lý bạn. Tại sao vậy? Bạn đã trưởng thành, có trí tuệ, bản thân bạn có thể tự chăm sóc chính mình nên không cần người khác quản lý. Phật pháp càng cao cấp thì càng rộng mở, Phật pháp cấp càng thấp thì càng bảo thủ. Tiểu thừa thì giống tiểu học, qui củ quản lý rất nghiêm khắc, một tí sai lầm cũng không được phạm. Phật pháp Đại thừa thì đã mở rộng rất nhiều, bạn có định, có huệ, không cần người ta quản lý bạn như thế nữa. Pháp thế gian như vậy, Phật pháp cũng như vậy. Ở trong Nhất Chân pháp giới dứt khoát không có ai quản lý bạn, quyết định không có ai can thiệp đến bạn, mọi việc đều như pháp. Như Phu Tử đã nói: “Thất thập tùng tâm sở dục, nhi bất du cũ”, đây là Khổng Phu Tử tự mình nói ra cảnh giới của Ngài, sau 70 tuổi thì tùy theo tâm ý của mình, mọi cử chỉ đều hợp với phép tắc, hợp với lễ độ, vậy là cao minh. Cho nên, Pháp Thân Đại Sĩ chính là tùng tâm sở dục, hoặc là chúng ta nói tùy tâm sở dục, nhưng họ đều không trái với pháp tánh, hoàn toàn tương ưng với tánh đức, đây mới gọi là Pháp Thân Đại Sĩ. Hai câu này chính là trong Kinh Hoa Nghiêm mà Đại Sư Thanh Lương đã nói, “cảnh giới sự sự vô ngại”, không chướng ngại! Kinh này không hề khác với Kinh Hoa Nghiêm, nghĩa của Kinh Hoa Nghiêm đều ở trong Kinh này.

5.   Vị thứ năm, Thần Thông Hoa Bồ Tát

Chân thật chứng được vô trụ sinh tâm, thật sự chứng đắc vô trụ, quán vô trụ rồi, “Thần Thông Hoa” thực tế mà nói chính là sinh tâm. Nhất định phải sinh tâm, đã vô trụ thì phải phát tâm phổ độ chúng sanh. Phổ độ chúng sanh có làm trở ngại cảnh giới thanh tịnh tịch diệt của chính mình không? Không trở ngại! Tuy một ngày từ sáng đến tối cùng chung sống với chúng sanh, sinh hoạt chung với nhau, nói chuyện đời, chuyện đạo, biểu diễn mọi thứ, nhưng cuộc sống mà chính họ trải qua vẫn thanh tịnh tịch diệt, không có mảy may thay đổi, cũng chính là tự thọ dụng là thanh tịnh vậy, sự thọ dụng của họ không ngừng đang chuyển động. Danh hiệu của hai vị Bồ Tát này hợp lại chính là hình tượng mà nhà Phật chúng ta thường hay dùng là Mark (“pháp luân”), pháp luân thường chuyển. Thần Thông Hoa là luân, ở nơi đó chuyển động không ngừng. Vô trụ là tâm của luân, vĩnh viễn bất động. Tâm của vòng tròn là bất động, còn vòng tròn thì luôn động. Bạn thấy, ý nghĩa này rất viên mãn. Chư Phật Bồ Tát là như vậy, ngày nay chúng ta muốn học thì cũng phải học như vậy. Làm thế nào khiến cho thân, khẩu của chúng ta ở trong thế gian này giúp ích tất cả chúng sanh, giúp sức tất cả chúng sanh mà tâm chúng ta như như bất động?

/ 374