PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 9
Kinh văn: “Trí Thượng Bồ Tát, Tịch Căn Bồ Tát, Tín Huệ Bồ Tát, Nguyện Huệ Bồ Tát”.
Ý nghĩa mà vị Bồ Tát Bảo Tràng phía trước biểu thị, chúng ta phải làm thế nào để học tập và thực tiễn ngay trong đời sống của chúng ta? Lần trước tôi đã giảng giải rất tỉ mỉ, thế nhưng ý nghĩa vẫn chưa có thể hoàn toàn biểu đạt ra hết. Phía trước nói Bảo Tràng cùng Quang Anh, Quang Anh là nói hình tướng, Bảo Tràng là nói chúng ta phải đem tuyên dương pháp môn này, cũng chính là trong Kinh Thế Tôn thường hay khuyên dạy chúng ta: “Đọc tụng, thọ trì, vì người diễn nói”. Hai vị Bồ Tát này đích thực đại biểu ý nghĩa này. Do đó bốn chúng đệ tử chúng ta, không luận là hiện tại chúng ta trải qua đời sống như thế nào, từ nơi công việc nghề nghiệp nào, đều phải nên dẫn đầu làm gương cho đại chúng xã hội, làm mô phạm cho đại chúng xã hội, đó chính là nghĩa thú mà hai vị Bồ Tát này biểu thị.
8. Vị thứ tám, Trí Thượng Bồ Tát
Trí Thượng Bồ Tát đại biểu cho trí tuệ cao độ, trí tuệ viên mãn, diệu trí vô thượng, cho nên lợi ích chân thật trong Phật pháp liền đã thực tiễn rồi. Chúng ta trải qua đời sống phiền não, chúng ta quan sát xã hội này, không luận là giàu sang hay bần tiện, mỗi mỗi đều có phiền não, người sang có phiền não của người sang, người giàu có phiền não của người giàu, người bần cùng có phiền não của người bần cùng, tất cả đều là trải qua ngày tháng trong phiền não, đều là rất khổ đau. Về việc này không phải nói chỉ ngay đời này, mà vô lượng kiếp đến nay, đời đời kiếp kiếp đều là như vậy, đúng như người thế gian thường nói “việc không vừa ý thường là đến tám, chín”. Do đây có thể biết, việc vừa ý chỉ chiếm một phần mười, còn về sau, vị lai vô cùng, ngày tháng khổ như vậy phải đến lúc nào thì mới có thể ngóc đầu? Điều này thì phải xem duyên phận của bạn. Duyên phận gì vậy? Duyên phận gặp được Phật pháp. Bạn chân thật có duyên, có duyên còn phải có thêm hai điều kiện thì bạn mới có thể đến được viên mãn, đó chính là trên Kinh A Di Đà đã nói: “Không thể thiếu Thiện Căn - Phước Đức - Nhân Duyên mà được sanh nước kia”. Nhân duyên bạn có đầy đủ rồi, bạn gặp được Phật pháp, gặp được pháp Đại thừa, nhất là gặp được Kinh Vô Lượng Thọ Tịnh tông, đó là việc hy hữu không gì bằng. Sau khi duyên đầy đủ, ngay đời này bạn có thể thay đổi được đời sống của bạn hay không thì phải xem thiện căn, phước đức của bạn. Nếu như bạn có thiện căn, có phước đức thì đời sống của bạn lập tức liền thay đổi, trong Phật pháp gọi là “lìa khổ được vui”. Điều này rất là hiện thực, không phải giả. Hiện tại bạn liền lìa khổ, hơn nữa lìa tất cả khổ, được vui viên mãn, bạn nói xem, tự tại dường nào! Thiện căn, phước đức là then chốt.
Cái gì gọi là thiện căn? Thiện căn là thật tín, thật lý giải thông suốt. Tín-Giải là thuộc về thiện căn, Nguyện-Hạnh là thuộc về phước đức. Bạn có nguyện này không? Bạn có chịu làm không? Có cái nguyện này và lại chịu làm theo thì bạn là người đại phước báo, từ nay về sau, bạn không còn trải qua ngày tháng của phiền não nữa, bạn sẽ trải qua đời sống trí tuệ cao độ. Đó chính là trong Phật pháp thường gọi là “chuyển phiền não thành Bồ Đề”, đó chính là Trí Thượng Bồ Tát.
Chuyển phiền não thành Bồ Đề, chuyển đời sống phiền não của chúng ta trở thành đời sống trí tuệ cao độ, vậy thì đời sống của bạn cùng với chư Phật Bồ Tát, Pháp Thân Đại Sĩ không hề khác biệt. Nói đến chỗ này, có lẽ có đồng tu liền hỏi, vậy thì có phải có thể chuyển bần cùng của chúng tôi thành giàu sang hay không? Không phải vậy, bần cùng vẫn là bần cùng, thế nhưng bần cùng mà không khổ, không có phiền não, bần cùng mà an vui, vậy thì tự tại. Nếu như bạn không tin tưởng thì bạn hãy xem qua “Hư Vân Lão Hòa Thượng Niên Phổ”, Lão Hòa Thượng Hư Vân đi viếng Ngũ Đài sơn, phát tâm chân thành, ba bước một lạy, lộ trình mấy ngàn dặm, lạy hết ba năm mới đến nơi. Trên đường đi Ngài gặp rất nhiều gian khổ, khi Ngài gặp đại nạn, khi gặp trọng bệnh, khi không có người giúp đỡ, thì có một người xin ăn tên là Hóa Tử đến giúp đỡ Ngài, giúp rất nhiều lần, cho nên Lão Hòa Thượng rất cảm kích đối với ông ấy, hỏi ông ấy tên gọi là gì? Người xin ăn đó nói, ông tên Văn Kiết (Văn của văn chương, Kiết của kiết tường). Hỏi ông ở nơi đâu thì ông ấy nói ông ở dưới núi Ngũ Đài Sơn, Ngài đến Ngũ Đài Sơn thì có thể gặp được tôi. Sau đó Lão Hòa Thượng lạy đến Ngũ Đài Sơn, hỏi thăm mọi người ở đó về một người xin ăn tên Văn Kiết xem có người nào biết hay không? Mọi người đều nói đó là Bồ Tát Văn Thù. Bồ Tát Văn Thù xin ăn, làm người ăn mày, vui vẻ không gì bằng, an vui không gì bằng. Các vị phải nên biết, Phật nhất định sẽ không giúp chúng ta tăng thêm tham-sân-si. Nếu bạn nói, chúng ta lạy Phật liền có rất nhiều tiền, có thể làm quan to, vậy bạn hoàn toàn sai rồi. Phật Bồ Tát sẽ không giúp đỡ bạn những thứ này, Phật Bồ Tát giúp đỡ bạn giác ngộ, giúp đỡ bạn hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sanh. Giác ngộ rồi thì an vui! Người giác ngộ thì gặp gì cũng vui, đó là đời sống trí tuệ cao đẳng. Đời sống trí tuệ cao đẳng không phải là ở giàu có. Giàu sang hay bần tiện của thế gian, Phật không thể giúp đỡ. Vì sao Phật không thể giúp đỡ? Vì đó là quan hệ nhân quả. Đời trước bạn không có tu nhân bố thí thì đời này không được hưởng thọ của giàu sang. Nếu như Phật có thể giúp được cho bạn, thì chẳng phải là phá vỡ đi định luật của nhân quả rồi sao, làm gì có loại đạo lý này? Những lý lẽ sâu sắc này cùng với sự tướng phức tạp chỉ có Phật tường tận, chỉ có Phật thấu đáo, cho nên Phật được gọi là Thánh nhân. Ý nghĩa của “Thánh” là gì? Thâm minh nghĩa lý, đối với sự lý của vũ trụ nhân sanh thông đạt thấu hiểu triệt để thì gọi là Thánh. Nhân như thế nào thì được quả báo như thế đó. Cho nên Phật dạy chúng ta, nếu như bạn muốn giàu sang, muốn tuổi thọ dài lâu, Phật dạy bạn tu nhân. Bạn chính mình tu nhân thì quả báo sẽ hiện tiền. Nếu như tu nhân rất nỗ lực, rất dũng mãnh, quả báo đó không đợi đến đời sau mà sẽ có được ngay trong đời này, cho nên chúng ta nhất định phải dõng mãnh, tinh tấn thì sẽ chuyển biến nhân quả của chính mình.