PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 7
Kinh văn: “Hựu Hiền Hộ đẳng, thập lục Chánh Sĩ sở vị, Thiện Tư Duy Bồ Tát, Huệ Biện Tài Bồ Tát”.
Phía trước đã giảng đến chỗ này. Ý nghĩa của Kinh văn rất sâu, chúng ta phải thể hội một cách thật tỉ mỉ thì mới có thể thu được lợi ích công đức phật pháp thù thắng. Lần trước, tôi cũng đã từng gợi ý qua với quí vị, lão cư sĩ Hạ Liên Cư hội tập bản Kinh, lúc đầu Ngài đem toàn bộ Kinh phân thành 37 phẩm, sau này khi đính chính lại mới phân thành 48 phẩm (chúng ta hiện nay nhìn thấy bản này). Hai phẩm trước, chúng ta phát hiện ra rõ ràng mười sáu vị Bồ Tát tại gia này cần phải phân vào phẩm thứ nhất mới đúng, vì đây là chúng thành tựu. Ở trong chúng thành tựu, có chúng Thanh Văn, có chúng Bồ Tát; ở trong chúng Bồ Tát, có chúng Bồ Tát xuất gia, có chúng Bồ Tát tại gia, phải phân theo cách này. Tôi đã từng đặt ra nghi vấn là vì sao Ngài phải phân vào phẩm Hiền Hộ Bồ Tát này vậy? Đây không phải đoạn nhỏ, mà ở đây lại phân thành một phẩm riêng, tôi đã từng nêu ra là ắt có đạo lý. Đạo lý này các bạn hiểu được không? Có được mấy người có thể nhìn ra bí quyết này? Quả là có đạo lý, vì mười sáu vị tôn giả này là huyết mạch của toàn Kinh. Chúng ta tu học có nắm chắc được cương lĩnh, nắm chắc được nguyên tắc không? Trong Phật pháp chúng ta nói tổng trì pháp môn, bạn làm sao có thể nắm vững đại tổng trì pháp môn? Mấu chốt là ở chỗ này. Bất kể là tại gia hay xuất gia, tu hành chứng quả, có thành tựu hay không là hoàn toàn dựa vào bạn có khéo giữ mình hay không. Hôm qua đã nói hộ pháp, bạn có hiểu không? Nếu dùng cách nói hiện đại là bạn có biết yêu quí mình không, nói cho thật rõ một chút là bạn có biết tự trọng không? Hiền Hộ này chính là tự trọng, chính là yêu quí mình. Người thật sự biết yêu quí mình, thật sự biết tự trọng, gìn giữ mình thuận buồm xuôi gió trên con đường Bồ Đề thì đâu có lý nào mà không thành tựu. Cho nên phân từ chỗ này, ý nghĩa thật là vô cùng sâu rộng.
Thiện Tư Duy Bồ Tát tôi đã nêu ra ba điểm.
Thứ nhất, chúng ta phải nhớ bốn ơn nặng, phải thường luôn tư duy bốn ân nặng.
Thứ hai, phải tư duy nỗi khổ của chúng sanh. Chúng sanh trong lục đạo luân hồi vô cùng đau khổ, mê hoặc điên đảo, ngu muội vô tri, tạo nghiệp thọ báo không có ngày ra khỏi. Cái khổ của tam đồ so với cái khổ thế gian chúng ta đây không biết nghiêm trọng gấp bao nhiêu lần. Thường nghĩ đến nỗi khổ của chúng sanh, nếu như bản thân chúng ta không có năng lực vượt qua tam giới, không có năng lực thoát khỏi luân hồi thì quả báo tam đồ chúng ta nhất định phải chịu. Ai mà không tạo nghiệp tam đồ chứ? Người người đều tạo. Bồ Tát Địa Tạng ở trong Kinh Bổn Nguyện nói rất hay: “Chúng sanh Diêm Phù Đề khởi tâm động niệm đều là tội lỗi”. Lời nói này là sự thật, hoàn toàn không quá đáng. Khởi tâm động niệm đều là tự tư tự lợi, những việc đã làm đều là tổn người mà chẳng lợi cho mình. Người thế gian thường nói “tổn người lợi mình” là sai rồi, tổn người dứt khoát không lợi cho mình. Tổn người mà lợi mình thì việc này là việc tốt, tôi cũng muốn làm. Tổn người mà chẳng lợi mình, bản thân mình chỉ được một chút lợi nhỏ, nhưng quả báo về sau thật không thể tưởng tượng. Tạo ra loại nghiệp nhân ngu muội này, sau đó nhận chịu quả báo địa ngục. Cho nên, nghĩ đến nỗi khổ của chúng sanh, thực tế mà nói, chính là quay đầu lại sẽ nhìn thấy cái khổ của chính mình; không nghĩ nỗi khổ của chúng sanh thì không biết chính mình khổ. Rất ít người thế gian biết chính mình, phần đông là không thấy được chính mình, thấy người khác thì rõ lắm, giống như hai con mắt chỉ nhìn thấy ở bên ngoài mà không thể thấy bên trong. Thế nhưng khi chúng ta nhìn thấy người khác, quay đầu lại liền nghĩ đến mình, họ là chúng sanh, ta cũng là chúng sanh, họ ngày nay tạo nghiệp thọ báo, nghĩ lại ngày nay ta cũng đang tạo nghiệp, tương lai làm sao có thể tránh khỏi khổ báo chứ?
● Thứ ba, phải thường nghĩ đến nghiệp chướng sâu nặng của mình, từ vô thỉ kiếp đến nay tạo ra vô lượng vô biên tội nghiệp.
Đời này có thể sống tại đất nước Singapore này, Singapore là đất phước của thế gian, đời trước bạn đã làm một chút việc tốt, ngày nay ở đây hưởng phước, nhưng phước của bạn hưởng hết rồi làm sao đây? Trong khoảng thời gian bạn đang hưởng phước này, bạn có tu phước nữa hay không? Nếu như hưởng phước mà không tu phước, không những không tu phước mà còn tạo tội nghiệp, thì phước báo này của bạn sẽ tiêu hết rất nhanh, tội báo của bạn sẽ hiện ra rất mau, việc phiền phức này sẽ lớn rồi. Chúng ta tư duy phải thường nghĩ đến những việc này.