/ 374
1.463

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 6

Ngài dùng phương pháp này để biểu thị nhắc nhở bạn là phải hành trung đạo (nhà Nho gọi là trung dung, nhà Phật gọi trung đạo), đối nhân xử thế tiếp vật nhất định phải làm đến được vừa vặn thích hợp, không được quá đáng, cũng không được bất cập. Bạn xem, đều là biểu thị trên cây đàn Tỳ Bà. Bạn hiểu được ý nghĩa này, bạn vừa nhìn thấy Ngài thì chẳng phải học qua một bài rồi sao? Vội vàng phải đảnh lễ Ngài, cảm tạ Ngài đã dạy bảo ta, cần gì phải nói chứ?

Nam Phương Thiên Vương gọi là Tăng Trưởng. Ý nghĩa của Tăng Trưởng chính là tiến bộ, đức hạnh của bạn mỗi năm phải tiến bộ, trí tuệ mỗi năm cũng thêm lớn, nếu nói mỗi năm thì quá dài, mỗi tháng thêm lớn, mỗi ngày thêm lớn, năng lực của bạn, thậm chí đến phẩm chất đời sống của bạn đều phải nâng cao mỗi ngày. Phật pháp không lạc hậu, Phật pháp luôn cầu tiến, cho nên Ngài đại biểu tinh tấn. Nhà Nho chúng ta nói là “một ngày mới, ngày ngày mới, lại ngày mới”. Ngày ngày mới là tiến bộ, trong Phật pháp gọi là dõng mãnh tinh tấn. Hiện tại có người nói, Phật pháp chúng ta phải đi kịp thời đại. Tôi nghe qua cảm thấy rất đau lòng, vì sao Phật pháp phải đi kịp thời đại? Phật pháp là lãnh đạo thời đại, đi theo sau thời đại thì chúng ta sai rồi, bạn là dẫn đầu thì làm sao bạn có thể đi theo sau người chứ? Nếu còn lạc hậu nữa thì thật không còn gì để nói, làm gì có đạo lý này? Phật pháp là trí tuệ cứu cánh viên mãn, chỉ đạo thế giới này, mãi mãi đứng đầu của thời đại, không phải là ở sau.

Ngày nay Phật pháp chúng ta hư hại đến như thế này, bốn chúng đệ tử chúng ta phải chịu trách nhiệm, rất là hổ thẹn. Chúng ta chưa dốc hết trách nhiệm, không đem Phật pháp chân chánh nói với mọi người trong xã hội, làm cho xã hội đại chúng sanh ra hiểu lầm nghiêm trọng, đó là chúng ta chưa dốc hết bổn phận của một người học trò. Vì sao mỗi ngày chúng ta phải cực lực đề xướng? Một người, nhất là người hiện tại tuổi tác đã cao, các vị xem tôi cũng không tệ, thế nhưng thể lực luôn là không thể như trước, đây là đạo lý đương nhiên. Bây giờ một ngày tôi giảng hai giờ đồng hồ vẫn không vấn đề gì, nếu nhiều hơn nữa thì sẽ cảm thấy có chút mệt. Vào mười năm trước, một ngày tôi giảng tám giờ đến chín giờ vẫn không mệt, hiện tại nếu như một ngày giảng bốn giờ đồng hồ thì cảm thấy có chút mệt, ba giờ thì vẫn còn được. Cho nên, Phật pháp quan trọng nhất là phải có người tiếp nối. Chúng ta phải toàn tâm toàn lực bồi dưỡng nhân tài, đem mấy mươi năm kinh nghiệm đã học của chính chúng ta cung cấp cho các vị đồng tu làm tham khảo, hy vọng người đi sau vượt hơn người đi trước thì mới có thể dẫn dắt thế giới này, khiến cho thế giới này chân thật có thể đạt đến bình đẳng, an định cùng tồn tại.

Phật pháp là một môn học vấn chân thật hữu dụng, là giáo dục chí thiện viên mãn, không phải mê tín, một chút mê tín cũng không có. Trên tay của Tăng Trưởng Thiên Vương cầm một cây bảo kiếm (trên tay Bồ Tát Văn Thù cũng cầm một cây bảo kiếm), kiếm là biểu thị trí tuệ, kiếm huệ đoạn phiền não. Nam Phương Thiên Vương đã dạy bảo cho chúng ta, biểu thị cái ý này. Chúng ta biết được, chỉ có trí tuệ mỗi ngày thêm lớn mới có thể đem lời dạy của Trì Quốc Thiên Vương thực tiễn và dần dần nâng cao. Giáo học của hai vị Thiên Vương này tương đối viên mãn, thế nhưng chúng ta phải bắt tay vào từ đâu? Tây Phương Thiên Vương cùng Bắc Phương Thiên Vương chính là dạy cho chúng ta phương pháp hạ thủ.

Tây Phương Thiên Vương gọi là Quảng Mục, các vị thử nghĩ xem Quảng Mục là ý gì vậy? Chính là quan sát, khảo sát mà hiện nay chúng ta gọi. Bạn phải xem nhiều, xem người khác nhiều hơn, rút lấy kinh nghiệm của người khác, rút lấy sở trường của người khác, cải chính khuyết điểm của người khác, đem khuyết điểm của người khác thay đổi lại thì bạn tiến bộ rồi. Cho nên Tây Phương Thiên Vương bảo chúng ta xem nhiều, phải có trí tuệ nhìn qua xã hội này. Xã hội vô cùng là phức tạp, biến hóa khôn lường, nhân tình biến hóa, sự lý biến hóa, chân thật gọi là biến hóa không thể lường, cho nên đạo cụ trên tay Quảng Mục Thiên Vương cầm là rồng hoặc là rắn. Rồng, rắn biểu thị nhiều biến hóa, đó là biểu thị thay đổi, nói với bạn xã hội này thay đổi quá phức tạp. Một tay này cầm con rồng, còn tay kia thì cầm hạt châu, hạt châu là ý nghĩa gì? Trong biến hóa, bạn giữ vững không biến hóa, hạt châu bất biến, hơn nữa còn bảo rồng tùy theo hạt châu mà biến đổi, đó chính là bạn phải chuyển cảnh giới, không thể bị cảnh giới xoay chuyển, vậy là cao minh. Bạn không thể chuyển theo nó, mà phải bảo nó chuyển theo bạn thì giáo học của bạn liền thành tựu. Ở ngay trong biến hóa nắm vững nguyên lý, nguyên tắc bất biến, đó chính là một hạt châu kia.

/ 374