PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 5
Kinh văn: “Hựu Hiền Hộ đẳng, thập lục chánh sĩ, sở vị Thiện Tư Duy Bồ Tát, Huệ Biện Tài Bồ Tát, Quán Vô Trụ Bồ Tát, Thần Thông Hoa Bồ Tát, Quang Anh Bồ Tát, Bảo Tràng Bồ Tát, Trí Thượng Bồ Tát, Tịch Căn Bồ Tát, Tín Huệ Bồ Tát, Nguyện Huệ Bồ Tát, Hương Tượng Bồ Tát, Bảo Anh Bồ Tát, Trung Trụ Bồ Tát, Chế Hạnh Bồ Tát, Giải Thoát Bồ Tát, nhi vi thượng thủ”.
Ngay chỗ này vì chúng ta liệt kê ra tổng cộng mười sáu vị Bồ Tát thượng thủ ở tại gia. Thượng thủ có ý nghĩa giống như vị thủ tọa trong đoàn thể của đại chúng, nếu như theo phân ban mà nói thì chúng ta gọi là lớp trưởng của một lớp, đó chính là Thượng Thủ. Chúng Bồ Tát dự hội số người quá nhiều, phía trước chúng ta đã xem thấy có chúng Thanh Văn (tức là chúng Tỳ Kheo xuất gia); phía sau lại nói cho chúng ta nghe có chúng Tỳ Kheo ni, có hai chúng tại gia là cư sĩ nam và cư sĩ nữ, tổng cộng có đến hai ngàn người. Số lượng của chúng Bồ Tát thì quá nhiều, quá đông, đặc biệt là Bồ Tát đến từ thế giới phương khác. Hiền Hộ là vị Bồ Tát ở cõi này chúng ta, sanh vào cùng một thời đại với Thích Ca Mâu Ni Phật, vị này là một vị Bồ Tát tại gia đã chứng được Đẳng Giác, địa vị của các Ngài hoàn toàn bình đẳng với Quán Âm, Đại Thế Chí, Văn Thù, Phổ Hiền. Điểm này các đồng tu phải ghi nhớ, cũng như Thích Ca Mâu Ni Phật thị hiện thành Phật vậy, Ngài thị hiện là tướng xuất gia, đồng thời cùng một thời đại với Phật còn có một vị thị hiện thành Phật dưới hình tướng tại gia, tôi nghĩ có rất nhiều đồng tu đều biết, đó là Tôn giả Duy Ma Cật.
Tôn giả Duy Ma Cật là Phật tại gia, Thích Ca Mâu Ni Phật là thị hiện Phật xuất gia. Chúng ta ở trong Kinh Duy Ma Cật xem thấy, đệ tử của Phật, như ở đây đã nói là Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên và Tôn Giả A Nan dường như tất cả Kinh Đại Tiểu thừa, khi vừa mở đầu đều có ba vị này, gần như là chúng ta thường hay xem thấy. Ba vị này là đệ tử của Thích Ca Mâu Ni Phật, thấy Thích Ca Mâu Ni Phật thì “đảnh lễ ba lạy, đi nhiễu phía hữu ba vòng”; khi hướng đến Thích Ca Mâu Ni Phật thưa hỏi thì “chắp tay cung kính thưa hỏi”. Các Ngài đến chỗ của cư sĩ Duy Ma cũng là như vậy. Cư sĩ Duy Ma thăng tòa giảng Kinh, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên và A Nan đều mang hình tướng người xuất gia (Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên là A La Hán), nhìn thấy cư sĩ Duy Ma cũng là đảnh lễ ba lạy, đi nhiễu ba vòng, cũng là cung kính chắp tay mà thưa hỏi, không hề khác nhau. Điểm này các vị đồng tu nhất định phải ghi nhớ, đặc biệt là người xuất gia, vì sao vậy? Chỉ sợ là khi chúng ta vừa xuất gia, khi vừa mặc trên người áo rộng đầu tròn thì trở nên cống cao ngã mạn, thì liền tỏ vẻ ta đây. Cho nên thời kỳ Mạt Pháp, lão cư sĩ Hoàng Niệm Tổ giảng rất hay: “Điên đảo rồi!”. Điên đảo chỗ nào vậy? Ngày xưa, số người tu hành chứng quả nhiều nhất, thành tựu thù thắng nhất là Tỳ Kheo xuất gia, Tỳ Kheo ni xuất gia là thứ hai, cư sĩ nam tại gia là thứ ba, cư sĩ nữ tại gia thì ít nhất. Đó là thời trước. Hiện tại thời đại này tu hành chứng quả (ngày nay chúng ta gọi chứng quả chính là chân thật vãng sanh Thế giới Tây Phương), thì nữ chúng tại gia thứ nhất (số lượng rất đông, thật có thành tựu), thứ hai là chúng nam tại gia, thứ ba là chúng nữ xuất gia, sau cùng là chúng nam xuất gia. Bạn nói xem, có đáng lo hay không? Vì sao có thể biến thành ra như vậy? Chính là khi vừa mặc bộ đồ tu lên người thì không hề biết trời cao đất rộng, cống cao ngã mạn, cầu người cung kính. Khi người vừa cung kính cúng dường đối với bạn, có được chút ít phước báo đều xài hết, vậy còn có thể được hay sao? Cho nên, tổ sư đại đức từ xưa đến nay luôn luôn khuyên bảo chúng ta phải khiêm tốn, phải cung kính. Đặc biệt, Tổ sư đại đức ở trong sám nghi khóa tụng, chúng ta thường hay đọc đến “Tất cả cung kính, một lòng kính lễ”, Bồ Tát Phổ Hiền dạy cho chúng ta “Lễ kính chư Phật”. Bạn xem, ý nghĩa này bao sâu? Làm sao có thể cống cao ngã mạn, làm sao có thể xem thường người khác?
Bổn Kinh này chỉ nêu ra năm vị Tỳ Kheo xuất gia, Bồ Tát xuất gia cũng chỉ nêu ra ba vị, Bồ Tát tại gia nêu ra đến mười sáu vị, ý nghĩa không phải đã quá rõ ràng rồi hay sao? Pháp môn này, bộ Kinh này chính là độ đồng tu tại gia, pháp bảo vô thượng một đời viên mãn thành Phật. Tôi thường khuyên đồng tu, chúng ta ngày nay phải học với A Di Đà Phật, phải nương vào Ngài. Vì sao vậy? Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật của chúng ta đã khuyên bảo chúng ta như vậy. Thế Tôn Ngài tán thán A Di Đà Phật là “Quang trung cực tôn, Phật trung chi vương”, chúng ta học theo vua trong các Phật, A Di Đà Phật là vua trong các Phật, Kinh Vô Lượng Thọ là vua trong các Kinh, vậy còn có lời gì để nói không? Ngày nay chúng ta y theo một bộ Kinh này thì đủ rồi. Nếu như bạn nói bộ Kinh này quá ít, e rằng không đủ, trong bộ Kinh này mỗi câu mỗi chữ đều là pháp luân viên mãn. Không những tất cả pháp mà Thế Tôn đã nói trong 49 năm đều nằm ở ngay trong mỗi câu mỗi chữ của bộ Kinh này, mà mỗi chữ là viên mãn, cho dù là mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai nói ra pháp tạng vô tận cũng không vượt ra khỏi Kinh Vô Lượng Thọ. Đạo lý này, chân tướng sự thật này chúng ta phải tường tận, phải thông đạt, sau đó chúng ta mới có thể hết lòng hết dạ một môn thâm nhập, chúng ta mới có thành tựu. Thật gọi là “một Kinh thông, tất cả Kinh thông”. Cũng giống như chúng ta đào giếng lấy nước, bạn ở ngay một chỗ này cứ đào thẳng xuống, cái giếng của bạn đào được càng sâu thì nguồn nước sẽ càng phong phú, nước trong bốn biển lớn bạn cũng đều có được, tùy thuộc vào độ sâu thôi, viên dung tất cả pháp. Bạn đào cạn thì không được, mùi vị của giếng cạn sẽ không giống như mùi vị của giếng sâu. Hướng xuống sâu mà đào, mỗi miệng giếng đều đào được sâu đến như vậy thì mùi vị sẽ hoàn toàn khác. Phật Phật là đạo đồng, chỉ sợ là bạn không đủ sâu. Nhất định phải hiểu được một môn thâm nhập, huân tu dài lâu, chúng ta mới có thành tựu chân thật.