/ 374
4.021

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 2

Trong lịch sử Trung Quốc có ghi chép, cuối đời Tống đầu nhà Nguyên, Triệu Tử Ngang là một nhà văn học, Triệu Mạnh Phủ chữ viết rất đẹp, hiện tại thiệp chữ của ông đến đâu cũng có thể xem thấy. Ông giỏi về vẽ ngựa, ưa thích vẽ ngựa. Vẽ ngựa thì nhất định phải thường đi quan sát hình thái động tác của ngựa, trong lòng mỗi ngày đều nghĩ đến ngựa. Có một hôm ông ngủ trưa, nằm mộng cũng nghĩ đến ngựa, đó thật là tập trung toàn bộ tinh thần nghĩ đến ngựa. Thời gian ngủ tương đối dài, vợ ông đến gọi ông dậy, lúc đó đều có ngủ mùng, khi vừa kéo mùng ra thì thấy trên gường là một con ngựa. Bà vợ thất kinh hồn vía la lên, ông liền tỉnh dậy, hỏi bà: “Vì sao bà la vậy?”. Bà nói: “Vừa rồi tôi nhìn thấy một con ngựa nằm trên giường”. Trong lòng nghĩ đến ngựa nên biến thành ngựa, nghĩ Phật thì không biến thành Phật được hay sao? Chân thật có đạo lý. Cho nên các vị đồng tu phải nên ghi nhớ, nghĩ đến Bồ Tát thì bạn liền biến thành Bồ Tát, nghĩ đến quỷ thì biến thành quỷ, nghĩ đến địa ngục thì biến thành địa ngục, nghĩ thứ gì thì biến thành thứ đó. Phật quá rõ ràng đối với chân tướng sự thật và đạo lý này, nên dạy chúng ta tưởng Phật. “Nhớ Phật niệm Phật, hiện tiền tương lai, quyết định thấy Phật”. Một ngày từ sớm đến tối vì sao không nghĩ đến Phật mà khởi vọng tưởng khác? Vậy là sai rồi. Từ ngay chỗ này chúng ta liền chân thật cảm nhận, một Niệm Phật Đường đúng pháp rất là cần thiết, một Niệm Phật Đường chân chính đúng pháp quan trọng hơn bất cứ thứ gì. Niệm Phật Đường chính là trường tuyển Phật, đến nơi đó chính là để làm Phật. Đây là nói “Đại thừa” ý nghĩa của Nhất Phật Thừa.

● Thứ tư là chữ “Vô Lượng Thọ”

“Vô Lượng Thọ” tiếng Phạn gọi là A Di Đà, A Di Đà dịch ra là Vô Lượng Thọ, ý nghĩa này cũng là trên Kinh Di Đà Phật đã nói, đem A Di Đà dịch thành Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ. Kỳ thật, bổn ý của tiếng Phạn, “A” dịch thành ý của Trung Quốc là “Vô”; “Di Đà” dịch là “Lượng”, bổn ý chính là “Vô Lượng”. Cái gì là vô lượng? Tất cả đều vô lượng, không có thứ nào không vô lượng. Chúng ta nói hơi thô thiển một chút, trí tuệ vô lượng, đức năng vô lượng, tài nghệ vô vượng, phước báo cũng vô lượng, tài bảo cũng vô lượng, không có thứ nào không vô lượng. Đó là nói thô, còn nói vi tế là một lỗ chân lông vô lượng, một bụi trần cũng vô lượng. Tất cả chư Phật Như Lai ở trên đầu sợi tóc giảng Kinh nói pháp, đoạn tóc không có phình to, Chư Phật Bồ Tát cũng không có thu nhỏ, đây hoàn toàn là cảnh giới sự lý vô ngại, sự sự vô ngại của Kinh Hoa Nghiêm. Không một pháp nào không là vô lượng, bất cứ một pháp nào cũng đều là toàn thể tận hư không khắp pháp giới. Ý nghĩa này đều ở trên Kinh Hoa Nghiêm. Quyển Kinh này là thu nhỏ của Hoa Nghiêm, là tinh hoa của Hoa Nghiêm. Hoa Nghiêm đã nói “Lục Tướng Thập Huyền”, quyển Kinh này cũng là “Lục Tướng Thập Huyền”, hơn nữa, mỗi câu mỗi chữ trong đây đều là viên mãn đầy đủ “Lục Tướng Thập Huyền”, người xưa gọi là Hoa Nghiêm quyển trung là có đạo lý, không phải không có đạo lý. Cho nên Vô Lượng thì không dễ nói, Thế Tôn nêu ra hai loại là “Vô Lượng Thọ” và “Vô Lượng Quang” để đại biểu tất cả đều vô lượng.

“Quang” là ánh sáng chiếu khắp, ánh sáng của Phật chiếu khắp tận hư không khắp pháp giới, thế nên hiện tại chúng ta gọi là không gian. Quang minh là đại biểu không gian, thọ mạng là đại biểu thời gian. Quá khứ, hiện tại, vị lai, khi hợp thời không lại chính là toàn thể vũ trụ, vạn sự vạn vật trong đó, không có thứ nào sót lọt. Phật dùng hai ý này để giải thích hai chữ “vô lượng”, lược nói cũng rất viên mãn. Vậy chúng ta tỉ mỉ nghĩ lại thử xem, người hiện tại nói “thời không”, Phật nói “quang thọ”, ý nghĩa “quang thọ” tốt hơn “thời không”. Trong “quang thọ” có linh khí, “thời không” hoàn toàn biến thành vật chất, không có linh tánh. Trong “quang thọ” có linh tánh trong đó, còn viên mãn hơn rất nhiều so với hai chữ “thời không”. Trong đức năng vô lượng, người xưa nhắc nhở chúng ta, thực tế ra mà nói, trong tất cả vô lượng thì “thọ” là chiếm địa vị thứ nhất. Việc này chúng ta có thể lý giải, nếu như tất cả vô lượng bạn đều có được nhưng không có thọ mạng thì không phải là một mảng không hay sao? Thọ dụng gì bạn cũng không có được. Cho nên, trong tất cả vô lượng, thọ mạng là thứ nhất, do đó liền dùng “Vô Lượng Thọ” để giải thích “A Di Đà”. Giáo chủ của Thế giới Tây Phương Cực Lạc là một vị đạo sư vĩ đại, đức hiệu của Ngài được gọi là “A Di Đà Phật”, hiện rõ ra vị Phật này. Nguyện hạnh của Ngài từ nhân địa mãi cho đến thành tựu được quả vị, sau khi thành tựu sự nghiệp mà Ngài đã triển khai mở rộng, giúp đỡ tất cả chúng sanh tận hư không khắp pháp giới đều ở ngay trong một đời viên mãn thành Phật. Việc này không thể nghĩ bàn. Đó là hiện rõ ra chân thật vô lượng của vô lượng. Chúng ta phải tỉ mỉ đi thể hội mới có thể được một hai phần, thọ dụng của chúng ta là vô cùng vô tận. Thọ dụng biểu hiện ở chỗ nào vậy? Biểu hiện ở ngay tín-nguyện-hạnh của bạn, tin sâu không nghi, tuyệt đối không bị dao động; thiết nguyện, nguyện lực kiên cường, không có bất cứ thứ gì có thể mê hoặc, tín-nguyện-hạnh của bạn thành tựu rồi.

/ 374