PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ
TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Tập 3
III. PHẦN KINH VĂN
PHẨM MỘT
PHÁP HỘI THÁNH CHÚNG
Kinh văn: “Như thị ngã văn, nhất thời Phật tại Vương Xá Thành, Kỳ Xà Quật sơn trung, dữ đại Tỳ Kheo chúng, vạn nhị thiên nhân câu”.
Kinh mở ba phần, chúng ta cũng đem nó tỉnh lược bớt, ngày trước đã giảng qua rất nhiều lần, mọi người đều rất quen thuộc. Hôm nay chúng ta phải học tập những gì ở trong kinh văn? Lần giảng giải này, chúng ta đặc biệt chú trọng ở chỗ, kinh Phật khi vừa mở đầu, luôn có bốn chữ “Như thị ngã văn”. Hàm nghĩa của bốn chữ này rất sâu, rất rộng, thực tế mà nói là sẽ nói không cùng tận.
Cái gì gọi là “Như Thị”? Đại đức xưa nói rõ cho chúng ta, cách nói đơn giản nhất là “như thị chi kinh”, ý nói là tôi đích thân nghe được Phật nói, đây là cách giảng nói đơn giản nhất. “Tôi’ là ai vậy? Là Tôn giả A Nan tự xưng. Năm xưa, khi Thế Tôn còn tại thế giảng kinh nói pháp tuyệt nhiên không có ghi chép. Khổng Lão Phu Tử năm xưa ở đời dạy học cũng là như vậy. Sau khi Phật diệt độ, các đệ tử, các học trò của Ngài cảm thấy những gì lão sư cả đời nói ra đối với tất cả chúng sanh thực tế rất là quan trọng, không thể để cho những gì đã nói ở ngay trong một thời đại này bị chìm mất, không thể truyền tiếp nữa thì thật là đáng tiếc, cho nên các học trò mở hội để thảo luận, làm thế nào đem tất cả kinh mà Phật đã nói lưu truyền được dài lâu, do đó mới có cuộc kết tập này. Khi kết tập kinh tạng hoàn toàn phải nhờ vào sức nhớ của người ngay lúc đó. Các vị nên biết, Phật nói pháp 49 năm, hiện tại có một người nào có thể ghi nhớ được những kinh đã giảng trong 49 năm, nhất là kinh đã giảng 49 năm trước? Bạn còn có thể nhớ được hay không? E rằng ở thế gian này của chúng ta không tìm ra được một người. Đừng nói 49 năm, những thứ đã giảng chín năm trước e rằng bạn cũng đã quên hết sạch trơn, đều không thể ghi nhớ. May mà ở ngay trong đệ tử Phật, năng lực ghi nhớ của Tôn giả A Nan đặc biệt mạnh, đích thực năng lực này của Ngài A Nan rất thù thắng, sau khi nghe qua một lần thì vĩnh viễn sẽ không hề quên đi, cho nên khi kết tập kinh tạng, mọi người tuyển cử A Nan ra để giảng lại, đem kinh mà Thế Tôn cả đời đã giảng trùng tuyên giảng lại một lần (cũng giống như hiện tại chúng ta tập giảng lại vậy). Thính chúng đều là những bậc đại A La Hán, đều là đệ tử lớn của Phật. Những vị này đều đến nghe Ngài A Nan thuyết, làm chứng cho Ngài A Nan.
Lần kết tập thứ nhất có 500 vị A La Hán đến nghe A Nan giảng lại. Ngay trong 500 người này, nếu có một người nêu ra ý kiến nói: “A Nan! Câu nói này dường như không phải Phật nói như vậy”, vậy thì phải bỏ đi, cần phải sửa đổi, không phải nói nhiều người tán thành thì thông qua, mà toàn thể 500 người thảy đều thông qua thì mới có thể ghi chép lại trở thành kinh điển, truyền lại cho đời sau, có một người phản đối cũng không được. Đó là lấy chữ tín đối với đời sau. Người đời sau có được kinh điển, khởi lòng tôn kính. A Nan giảng lại như Phật đã nói, không hề khác nhau, cho nên khi vừa mở đầu kinh là có câu “như thị ngã văn”. Ở trong đây còn có rất nhiều ý nghĩa, các vị có thể tham khảo chú giải của đại đức xưa. Ngày nay chúng ta phải học tập, lấy ngay bổn tông mà nói mật nghĩa của “Như thị”.
“Như” chính là chân như bổn tánh. Cả đời Thế Tôn đã nói chính là nói rõ Thể-Tướng-Tác dụng của tự tánh, đó chính là “thật tướng các pháp” mà trên kinh Bát Nhã đã nói. Phật chính là nói việc này, dùng chữ “Như” này để đại biểu “tánh như tướng này, tướng như tánh này, tánh - tướng không hai”. Tánh là từ trên lý mà nói, tướng là từ nơi sự mà nói, “lý như sự này, sự như lý này, lý - sự không hai”. Phật nói rõ cho chúng ta nghe đại đạo lý này, nói rõ cho chúng ta nghe chân tướng sự thật này, cho nên khi vừa mở kinh ra liền dùng hai chữ “Như thị”, chân thật là đã đem tổng cương lĩnh nói ra. Nếu như có người hỏi, kinh điển Phật giáo của các người nhiều như vậy, rốt cuộc thì Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói ra những gì? Bạn liền nói cho họ “Như thị” mà thôi. Nếu bạn muốn hỏi hai chữ “Như thị” này, muốn giải thích một cách tỉ mỉ hai chữ “Như thị” này thì một bộ Đại Tạng kinh chính là giảng hai chữ này. Đích thực là không có một câu, không có một chữ nào siêu việt hơn hai chữ “Như thị”, cho nên ý nghĩa của hai chữ này sâu rộng vô tận. Theo bổn tông mà nói, cổ đức cũng có cách nói như vậy.