/ 374
5.464

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ

TRANG NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Tập 1

  1. DUYÊN KHỞI

Xin chào các vị pháp sư, các vị đồng tu!

Hôm nay chúng ta ở khu vực này là lần thứ ba khởi giảng kinh Vô Lượng Thọ. Trong mười năm về trước, ở rất nhiều quốc gia, nhiều khu vực trên toàn thế giới, chúng ta đã đem bộ kinh này giảng qua rất nhiều lần, tính sơ qua lần giảng này cũng là lần thứ mười. Mỗi lần giảng giải, nếu như các vị nghe qua từ băng ghi âm, đem so sánh thử, các vị sẽ phát hiện là đều không giống nhau. Lần này vì sao lại nghĩ đến phải giảng bộ kinh này? Do gần đây mở quyển kinh này ra, có rất nhiều khải thị mới lạ, như đại đức xưa thường nói “Cảnh giới tu tập mỗi năm không như nhau”, phải đem những chỗ ngộ mới, những tâm đắc này nêu ra cùng chia sẻ với các đồng tu. Khởi giảng lần này, chúng ta đem trọng điểm đặt ở nơi “Hành” “Chứng. Các đồng tu hôm nay đến tham gia nghe giảng có thể nói đều là lão tu, đều không phải là sơ học.

Chúng ta biết, mỗi một bộ kinh đều có bốn phần là Giáo – Lý – Hành – Quả, trong nhà Phật cũng gọi là Giáo kinh, Lý kinh, Hành kinh, Quả kinh”. Văn tự của bộ kinh này là thuộc về Giáo”; lý luận, đạo lý trong văn tự đã miêu thuật gọi là , ngoài ra còn dạy chúng ta làm thế nào để tu học, làm thế nào đem kinh luận, lý luận, phương pháp thực tiễn ngay trong đời sống của chúng ta gọi là Hành kinh. Chúng ta tu hành có được cảnh giới rồi, đem cảnh giới của chính mình đối chiếu với kinh, ấn chứng lại xem, chúng ta ở ngay trong cuộc sống thường ngày, cách nhìn, cách nghĩ đối với vũ trụ nhân sanh, cho đến rất nhiều cách làm bình thường đối với người, với vật, với việc, xem có giống với những gì trong kinh điển đã dạy chúng ta hay không, đó gọi là Chứng. Cho nên trong kinh có “Giáo, Lý, Hành, Quả”, chúng ta học tập có “Tín, Giải, Hành, Chứng”.

Năm xưa, khi chúng ta giới thiệu bộ kinh này, mục tiêu nghiêng nặng về “Tín, Giải”, hy vọng các vị đồng tu sau khi nghe rồi có thể sanh khởi tín tâm, có thể lý giải nghĩa thú trong kinh điển. Lần này chúng ta đem trung tâm dời qua “Hành, Chứng”. Chúng ta học bộ kinh này, mỗi một chữ, mỗi một câu trong bộ kinh này làm thế nào áp dụng ngay trong đời sống của chúng ta, thực tiễn ngay trong công việc thường ngày, trong qua lại đối nhân xử thế, tiếp xúc mọi vật, học tập như vậy sẽ rất có ý nghĩa, rất có lợi ích. Cho nên lần này giảng nói với các vị so với ngày trước có một vài chỗ không giống nhau. Về phần “Giáo - Lý”, chúng ta có thể tỉnh lược đi, chuyên nghiên cứu “Hành pháp”. “Giáo - Lý” phía trước đã nói qua rất nhiều lần, có băng thu âm, có đĩa ghi hình, cũng có giảng nghĩa lưu thông, các vị có thể lấy làm tham khảo. Hội này của chúng ta hôm nay sẽ tỉnh lược đi phần huyền nghĩa. Bạn xem, trong giảng nghĩa có bốn cuốn lớn thì huyền nghĩa đã chiếm hết một quyển, hết một phần tư.

  1. ĐỀ KINH

Hôm nay chúng ta trực tiếp đi vào kinh văn, khởi giảng từ kinh văn. Thế nhưng giảng kinh văn, đề kinh thì không thể tỉnh lược, vẫn là phải xem đề kinh trước. Đề kinh của quyển kinh này, bổn hội tập của lão cư sĩ Hạ Liên Cư là đem bổn dịch đời Tống cùng bổn dịch đời Hán hợp lại, chân thật là không chê vào đâu được. Hội tập được rất là hoàn mỹ, đem ý nghĩa của 12 loại bản dịch kinh Vô Lượng Thọ đầy đủ viên mãn hàm nhiếp ở trong đó. Không chỉ riêng 12 loại bản dịch của kinh Vô Lượng Thọ, thực tế mà nói, tất cả pháp mà Thế Tôn đã nói trong 49 năm đều không rời khỏi đề kinh này. Đề kinh chẳng khác gì cương lĩnh, tất cả đều bao hàm ở trong cương lĩnh này. Thế Tôn nói pháp là như vậy, mười phương ba đời tất cả chư Phật Như Lai vì tất cả chúng sanh nói ra vô lượng vô biên pháp môn cũng không rời khỏi đề kinh này. Đề kinh chân thật là tổng cương lĩnh của Phật pháp đại viên mãn. Chúng ta từ trong đề kinh xây dựng tín tâm, từ trong tựa đề này mà thể hội “Tín, Giải, Hành, Chứng” viên mãn.

Đề kinh: “Phật Thuyết Đại Thừa Vô Lượng Thọ Trang Nghiêm Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh”.

/ 374