PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH
Tập 8
Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không
Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore
Biên tập: năm 2023
Xin chào các vị đồng tu. Chúng ta đọc lại kinh văn một lần, Phật thuyết “Thập Thiện Nghiệp Đạo kinh” trang thứ 3, đếm ngược đến hàng thứ 2, bắt đầu đọc từ câu thứ 2 : “Nhi tâm vô sắc, bất khả kiến thủ, đãn thị hư vọng, chư pháp tập khởi, tất cánh vô chủ, vô ngã ngã sở”.
Hôm qua, tôi đã giảng hai câu, nói rõ tâm này không phải sắc pháp, bất khả kiến, bất khả thủ. Hôm nay, chúng ta nói tiếp tâm này từ đâu mà có? Những lời trong kinh nói, chúng ta vừa nhìn liền biết đây là thức tâm, không phải chân tâm vì chân tâm không phải hư vọng, nó là chân thật. Cho nên nhìn qua, đây chính là A Lại Da Thức.
“Đãn thị hư vọng, chư pháp tập khởi, tất cánh vô chủ, vô ngã ngã sở”. Các vị đã học qua Bách Pháp Minh Môn Luận của tướng tông, nếu như có chút cơ sở về bộ tiểu luận này, thì mấy câu này sẽ vô cùng dễ hiểu. Chúng ta biết, “Bách Pháp” là Bồ-tát Thiên Thân đem 660 pháp ở trong Du Già Sư Địa Luận quy nạp thành 100 pháp để tiện lợi cho người sơ học đại thừa. Đây là bài đầu tiên của nhập môn tướng tông, bài đầu tiên của người sơ học. “Bách Pháp” nói gì vậy? Nếu bạn hiểu được “Bách Pháp” nói gì, thì bạn liền hiểu được 660 pháp nói ở trong Du Già Sư Địa Luận là gì. Đây là đem tất cả mọi pháp ở trong vũ trụ quy nạp thành 100 điều. Ở trong mỗi một điều, sự hàm chứa trong đó là vô lượng vô biên, không có cách gì tính được, bất kể là thuộc về môn học nào.
Tâm pháp năng biến, có khi chúng ta cũng nói năng sanh năng biến. Năng sanh cũng có thể nói trôi chảy, nhưng các vị phải nhớ kỹ, năng sanh chứ không phải năng hiện. Ý nghĩa của năng hiện và năng sanh không giống nhau. Năng hiện là chân tâm, vọng tâm bất năng hiện. Vọng tâm năng biến, đem nhất chân pháp giới biến thành mười pháp giới, biến thành vô lượng vô biên pháp giới, nó có công năng này. Vọng tâm này từ đâu mà có vậy? “Đãn thị hư vọng, chư pháp tập khởi”. “Hư vọng” là nói vọng tâm không phải chân thật. Tại sao có hiện tượng này vậy? Là vì tập khởi!
Ở trong Trung Quán Luận có một bài kệ nói rất hay, đều là nói đến cội nguồn của chư pháp trong vũ trụ nhân sinh. Kệ nói rằng:
“Chư pháp bất tự sanh
Diệc bất tùng tha sanh
Bất cộng bất vô nhân
Thị cố thuyết vô sanh”.
Chúng ta có thể nói bộ Trung Quán Luận 500 tụng chính là nói rõ sự việc này. Một sự việc này là chân tướng của vũ trụ nhân sinh! Hiện tượng của tột nguồn muôn pháp bạn hiểu rõ ràng, hiểu sáng tỏ rồi, thì trong nhà Phật liền gọi bạn là pháp thân Bồ-tát, chẳng khác gì nói bạn cầm được học vị này thì bạn là pháp thân Bồ-tát rồi. Đối với hiện tượng này hoàn toàn mơ hồ, mê hoặc, không hiểu, thì người này gọi là phàm phu. Phàm phu, Phật và Bồ-tát không có sai khác, chỉ là đối với chân tướng của vũ trụ nhân sinh có sự bất đồng trong nhận thức. Cũng giống như chúng ta hiện nay học ở trường vậy, bạn cầm được học vị tiến sĩ, họ cầm được học vị thạc sĩ, có người không có văn hóa, ngay cả tiểu học cũng chưa học qua. Đều là người, đều là như nhau không có gì khác, chỉ là trên trình độ văn hóa có sai biệt bất đồng mà thôi. Ở trong Phật pháp, mười pháp giới quả thật mà nói chính là sự khác nhau của trình độ văn hóa, họ trải qua đời sống không giống nhau. Từ chỗ này chúng ta phải nhận ra, chúng ta phải sống đời sống tốt, phải đem phẩm chất đời sống của mình nâng cao lên. Dựa vào điều gì vậy? Dựa vào giáo dục!
Ngày nay, trên thế giới còn có biết bao khu vực nghèo khó, chúng ta nhìn thấy họ sống đời sống khổ như vậy, làm sao cứu giúp đây? Cứu giúp vật chất là không giải quyết được vấn đề! Phải xây trường học, phải dạy họ! Nâng cao trình độ văn hóa của họ cũng chính là nâng cao phẩm chất đời sống của họ. Ở trong Phật pháp gọi là giới hạn lớn. Chúng ta có thể từ cõi người nâng lên đến cõi trời, trời dục giới nâng lên đến trời sắc giới, trời sắc giới nâng lên đến trời vô sắc giới, từ trong sáu cõi nâng lên đến pháp giới bốn thánh, từ pháp giới bốn thánh nâng lên đến nhất chân pháp giới, toàn dựa vào giáo dục. Pháp thế xuất thế không có ngoại lệ, chúng ta phải có nhận thức này!