/ 80
1.860

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Tập 7

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore

Biên tập: năm 2023

Các vị đồng học. Xin mời mở bản kinh “Thập Thiện Nghiệp Đạo” trang thứ 3. Xem từ hàng thứ 3 của kinh văn: “Long vương! Nhữ kiến thử hội, cập đại hải trung, hình sắc chủng loại, các biệt bất da? Như thị nhất thiết, mị bất do tâm, tạo thiện bất thiện, thân nghiệp, ngữ nghiệp, ý nghiệp sở chí”.

Đến chỗ này là 1 đoạn. Phần trước, Thế Tôn vừa mở đầu liền đem nghiệp nhân của sáu cõi luân hồi nói cho chúng ta biết, cũng có thể nói chỉ một câu là Ngài nói tột chân tướng sự thật của sáu cõi luân hồi.

Chúng ta hãy quan sát ngôn từ của câu phía trước và ở trong rất nhiều kinh luận đại thừa, Thế tôn nói với chúng ta, “Tất cả pháp từ tâm tưởng sanh”. “Tất cả pháp” ở chỗ này nghĩa là, từ phương diện lớn mà nói là toàn bộ vũ trụ, từ phương diện nhỏ mà nói là “vi trần trên đầu sợi lông”. Đúng như cổ thánh tiên hiền Trung Quốc gọi là “lớn mà không ngoài, nhỏ mà không trong”! Chúng ta thử nghĩ, làm sao họ có thể nói được những lời này? Nếu như không phải thông đạt rốt ráo chân tướng sự thật thì chắc chắn không thể nói ra được những lời này. Những lời này cũng chính là trong kinh Bát Nhã Phật gọi “chư pháp thực tướng”, chân tướng của vạn pháp trong vũ trụ nhân sinh.

Hôm nay, chúng ta xem tiếp đoạn kinh văn này. Phật tiến thêm một bước để chúng ta quan sát tỉ mỉ. “Long vương” là đại biểu cho đại chúng của chúng ta, nếu như nói theo chế độ xã hội hiện nay, đây là cách xưng hô vô cùng xác đáng. Hiện nay toàn thế giới đều đang hô hào dân chủ, tự do, mở cửa, người người đều là chủ, ý nghĩa của chữ “vương” chính là “chủ”! Vào thời đại Đế vương, Đế vương nói mới có hiệu lực, họ có thể làm chủ, ban ra hiệu lệnh thì nhân dân toàn quốc phải nghe mệnh lệnh của họ. Người nghe lệnh không tự tại, còn người ban ra hiệu lệnh thì tự tại, cho nên xưng họ là “Vương”. Ngày nay, dân chủ rồi thì mỗi một người đều là vương, mỗi người đều có thể làm chủ!

“Long” là thiên biến vạn hóa. Nếu dùng cách nói hiện nay để nói thì thật khó nghe, là nghĩ tưởng lung tung, “vọng tưởng, phân biệt, chấp trước”, đây là cái mà bạn có thể làm chủ, hằng ngày bạn cứ vọng tưởng ở trong đó, đây chính là đại biểu tất cả chúng sanh.

Phật giảng kinh thuyết pháp, chúng ta thể hội được rất sâu. Ngài đầy đủ trí tuệ viên mãn, nghệ thuật cao độ, cho nên nói ra vô cùng sinh động, khiến người nghe được rất hoan hỷ, rất hoan nghênh và dễ dàng tiếp nhận.

“Nhữ kiến thử hội”, hôm nay khai mạc đại hội thập thiện nghiệp đạo, dùng cách nói hiện nay mà nói là chúng ta tổ chức hoạt động này với mục đích gì? là đến thảo luận thập thiện nghiệp đạo! Pháp hội của Phật theo cách nói hiện nay chính là hoạt động, chúng ta tổ chức hoạt động này là để thảo luận thập thiện nghiệp đạo! Người tham gia vào hoạt động này, phía trước nói có tám ngàn chúng đại tỳ kheo và ba mươi hai ngàn chúng Bồ-tát. Đây là pháp đại thừa, không phải pháp tiểu thừa. Tuy là nói hai loại nhưng trên thực tế bao gồm tất cả già trẻ nam nữ các ngành nghề trong xã hội, tỳ kheo đại biểu chúng xuất gia, Bồ-tát tại gia và xuất gia đều có.

Như các vị đều biết ở Trung Quốc có bốn đại Bồ-tát là Địa Tạng, Quan Âm, Văn Thù, Phổ Hiền. Trong bốn Bồ-tát lớn, chỉ có tượng của Bồ-tát Địa Tạng là tướng xuất gia, Bồ-tát Quan Âm là Bồ-tát tại gia, Văn Thù và Phổ Hiền đều là tướng tại gia, đây là nói rõ tại gia nhiều hơn xuất gia. Phàm là người dựa theo phương pháp lý luận của Phật đã truyền đạt mà tu học, tu học áp dụng vào trong sinh hoạt thường ngày, tức là áp dụng vào trong đời sống công việc, ứng xử với người với vật, thì người này được gọi là Bồ-tát. Nếu bạn hiểu rõ ý nghĩa này thì kinh văn bạn hiểu được ngay và sẽ không có chướng ngại nữa.

Lần này tham dự đại hội “Cập đại hải trung”. “Đại hải trung” là thí dụ cho xã hội. Phần trước đã nói với các vị là bộ kinh này Phật thuyết giảng ở đâu vậy? tại Long cung Sa-kiệt-la. Sa-kiệt-la là tiếng Phạn, dịch thành ý nghĩa Trung văn là “biển mặn”. Chúng ta biết nước biển đều có vị mặn, vì vậy bạn lập tức thể hội được ý của Phật. Phật thuyết pháp đều là ý tại, ngôn ngoại, nghe xong bạn phải hiểu và phải thể hội được. Nếu như y văn giải nghĩa thì là “tam thế Phật oan”, Phật ba đời đều bị hàm oan, bạn hiểu sai ý của Phật rồi. Bạn phải hiểu được Ngài là ý tại, ngôn ngoại. “Biển mặn” chúng ta rất dễ dàng thể hội được là biển khổ, nước biển là khổ, rất khó nuốt. Đây chính là hình dung khổ hải vô biên. Bạn ở trong biển khổ dường như vẫn sống rất vui vẻ, rất tự tại, đây gọi là Long vương, Sa-kiệt-la Long vương, đây là không giác ngộ!

/ 80