/ 80
1.217

PHẬT THUYẾT THẬP THIỆN NGHIỆP ĐẠO KINH

Tập 9

Người giảng: Lão Pháp Sư Tịnh Không

Giảng tại: Tịnh Tông Học Hội Singapore

Biên tập: năm 2023

Kinh văn: “Tự tánh như huyễn, trí giả tri dĩ, ưng tu thiện nghiệp, dĩ thị sở sanh, uẩn xứ giới đẳng, giai tất đoan chánh, kiến giả vô yểm”.

“Tự tánh như huyễn” là nói nó khởi dụng, khi khởi tác dụng, ở trong kinh Kim Cang, Phật gọi là “mộng huyễn bèo bọt”. Sự việc này, Thế Tôn thường dùng câu “bất khả tư nghị” để giải thích chân tướng sự thật. Chúng ta sau khi nghe xong, đối với cách nói này quả thật là rất khó khiến ta vừa lòng. Tại sao Thế Tôn không đem chân tướng này nói ra, mà chỉ dùng câu “bất khả tư nghị”, giống như là lẫn tránh vậy? Thực ra lời Phật nói là chân thật. Chỉ có khi dứt đường ngôn ngữ, bặt dấu tâm hành thì chân tướng sự thật mới hiện rõ, bạn mới hoàn toàn hiểu rõ.

“Tư” là ý thức. “Nghị” là ngôn ngữ. Chân tướng sự thật này tuyệt đối không phải ngôn ngữ có thể nói ra được, cũng không phải tư duy tưởng tượng có thể đạt đến được. Do đó “bất khả tư nghị” là câu nói chân thật, hoàn toàn không mơ hồ, hoàn toàn không phải để lẫn tránh, mà là lời chân thật với bạn. Chỉ cần bạn không nghĩ, không bàn thì chân tướng sự thật liền hiện tiền ngay. Tại sao vậy? Phần trước đã nói: “Tất cả pháp là do tâm tưởng sanh”. Bạn dừng tâm tưởng lại rồi, sau đó bạn thấy được chân tướng của tất cả pháp. Tất cả pháp vốn dĩ bất sanh bất diệt, không đến không đi, không một không khác, không thường không đoạn, trong Trung Quán Luận gọi là “bát bất”. Vào lúc này bạn mới thật sự thể hội được.

Chúng ta là phàm phu, luôn luôn không tách rời tư nghị, cho nên vĩnh viễn không thể thấy đạo. “Đạo” ở đây chính là tự tánh, tông môn gọi là “minh tâm kiến tánh”. Phàm phu chúng ta vĩnh viễn không có cách gì kiến tánh. Người nào có thể kiến tánh vậy? Họ đối với tất cả pháp thế xuất thế gian không tư, không nghị, họ liền kiến tánh. Tại sao phải dùng phương pháp này? Ở trong kinh luận Phật thường nói: “Dứt đường ngôn ngữ” là không nên tư, “bặt dấu tâm hành” là không nên nghị, cho nên “bất khả tư nghị” chính là nói dứt đường ngôn ngữ, bặt dấu tâm hành, chân tướng này liền hiện tiền ngay.

Thế nhưng Thế Tôn dạy chúng ta, ở trong không nghĩ bàn, Ngài dạy cho chúng ta nghĩ bàn; ở trong không thể nói, Ngài thường nói với chúng ta. Trong đây có điều huyền bí, chúng ta phải hiểu rõ. Cách nói của Phật là “nói mà không nói, không nói mà nói”. Vậy ai hiểu được? Người biết nghe, “nghe mà không nghe, không nghe mà nghe”, họ liền khế nhập rồi, đây gọi là chúng sanh căn chín mùi, chúng sanh thượng thượng căn. Phật nói không sai, chúng ta nghe sai rồi. Tại sao chúng ta nghe sai vậy? Vì chúng ta có nghĩ, có bàn. Chúng ta không hiểu nghĩa chân thật của Như Lai. Cho nên “nguyện giải Như Lai chân thật nghĩa”, câu nói này nói thì nghe dễ.

Tự tánh khởi dụng chính là mười pháp giới y chánh trang nghiêm. Không chỉ là mười pháp giới, mà nhất chân pháp giới cũng là tự tánh khởi dụng. Mười pháp giới như huyễn thì nhất chân pháp giới cũng không thật, trong kinh gọi là “phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”, bao gồm cả thế xuất thế gian. Cho nên, người giác ngộ, pháp thân đại sĩ trụ nhất chân pháp giới, trụ Hoa Tạng, trụ Cực Lạc mà không hề mảy may dính mắc. Tại sao vậy? Vì các Ngài biết đó đều là “mộng huyễn bèo bọt”.

“Trí giả tri dĩ”. “Trí giả” ở đây là chư Phật, Bồ-tát. Trong Bồ-tát đặc biệt là chỉ pháp thân Bồ-tát, pháp thân đại sĩ, các Ngài biết rõ thực tướng các pháp. Sau khi biết rồi, các Ngài sống như thế nào vậy? Quan điểm, hành vi đời sống của các Ngài cùng với chúng ta không như nhau. Các Ngài tu thiện nghiệp, không những là hành thiện, ngôn thiện, mà ở trong tâm một mảy ác niệm cũng không có. Chúng ta ngày nay làm không được. Tại sao làm không được vậy? Chúng ta đối với chân tướng sự thật không hiểu rõ, cho nên làm không được. Ở đây, Phật khuyên chúng ta “nên tu thiện nghiệp”, chữ “ưng” này là lời khuyên nhủ.

/ 80