368

HỌC VI NHÂN SƯ HÀNH VI THẾ PHẠM

Tập 2

Hòa thượng Tịnh Không thuyết giảng

Ðây là những bài khai thị buổi sáng của hòa thượng Tịnh Không cho đồng tu khắp nơi, chưa được hòa thượng giám định. Chỉ là do nhóm ghi chép bài giảng đích thân nghe băng thâu âm, ghi lại những điểm chính yếu, chỉnh lý cho gọn rồi viết thành bài nháp này để cúng dường độc giả.

A. KHAI THỊ VỀ PHƯƠNG PHÁP TU TRÌ

1. Ðến cũng không không, đi cũng không không (Buổi sáng 21-11-98)

Tôi cùng Lý hội trưởng đi thăm lão cư sĩ Hồng Cung Lan và tặng cho ổng một xâu chuỗi. Lão cư sĩ nói lúc bình thường ông có rất nhiều vọng niệm, sau khi có được xâu chuỗi này thì vọng niệm ít đi. Ông nằm mộng thấy một nam một nữ đến thăm ông, họ nói là do Ngọc Hoàng Ðại Ðế phái đến để bảo hộ cho ông, khuyên ông phải nhẫn nại, và nói: ‘Ðến cũng không không, đi cũng không không’. Cả đời lão cư sĩ Hồng chẳng có tâm nhẫn nại, tính tình nóng nảy; nghe xong, ông hiểu được và rất hoan hỷ. Sau khi ông tỉnh dậy thì hai người này biến mất. Ông nói ông đã tám mươi tuổi rồi, nhất định không lừa gạt người, đây là cảnh giới thật.

‘Ðến cũng không không, đi cũng không không’, hai câu này nói toạc hết nghĩa thú của kinh Bát Nhã. Không những trước lúc chúng ta đến đã không không, đi rồi cũng không không, hiện tại [chẳng phải] cũng không không đó sao? Ðức Phật nói chân tướng sự thật là như ‘mộng, huyễn, bọt, bóng’. Mộng, huyễn, bọt, bóng đều chẳng chân thực, đều là giả tướng, thời gian giả tướng này tồn tại rất ngắn, trong kinh hình dung ‘như sương, như ánh chớp. Như sương là nói tướng tương tục -- tiếp nối, như ánh chớp là nói ‘sát na tế’ -- rất nhanh, nói rõ thật tướng chư pháp đích thật như vậy. Người hiểu rõ và giác ngộ thì được xưng là Phật, Bồ Tát; người mê hoặc và chẳng giác ngộ cho rằng chuyện này không thật, đây là phàm phu. Cho nên sự sai khác giữa Phật, Bồ Tát và phàm phu là ở tại một niệm giác hay mê. Người giác ngộ trong mộng, huyễn, bọt, bóng được tự tại, người mê hoặc thì rất đau khổ.

Do đó có thể biết đây là ‘duyên sanh’, duyên khởi tánh không. Nghiệp duyên rất phức tạp, gồm có ba thứ: thiện, ác, và vô ký (vô ký là chẳng thiện, chẳng ác). Chỉ có người giác ngộ chân chánh mới có thể vận dụng một cách thích hợp, giúp đỡ những chúng sanh chưa giác ngộ có thể khai ngộ, đây tức là chư Phật, Bồ Tát phổ độ chúng sanh. Hiểu rõ chư pháp là vô sở hữu, ‘không không’ cũng là vô sở hữu, liễu bất khả đắc (trọn chẳng thể có được); cái tâm niệm có thể đắc và những vật đắc được đều là ‘không không’, tâm chúng ta mới chân chánh trở lại bình tịnh, trở lại thanh tịnh, bình đẳng. Thanh tịnh bình đẳng là chân tâm bản tánh của chúng ta, và cũng là ‘minh tâm kiến tánh’ nói trong Tông Môn, [hiểu được như vậy] chúng ta mới thể hội tại sao cả đời giảng kinh thuyết pháp, Thế tôn phải dùng hết hai mươi hai năm để giảng kinh Bát Nhã là vì hết thảy chúng sanh chẳng biết chân tướng sự thật, chẳng biết các pháp đều không, chẳng thể hành Bồ Tát đạo. Bồ Tát đạo là con đường giác ngộ, phàm phu đi con đường mê hoặc nên mới xuất hiện thập pháp giới, lục đạo, tam đồ. Mê nặng thì là hiện tượng tam đồ, nhẹ hơn thì là lục đạo, nhẹ hơn nữa là tứ thánh pháp giới. Hết thảy tam đồ, lục đạo, tứ thánh pháp giới đều là mê, đều chẳng khế nhập vào ‘lý không’, khế nhập vào ‘lý không’ thì sẽ chứng được Nhất Chân pháp giới.

Nhất Chân cũng là danh tướng nói một cách miễn cưỡng, nếu chúng ta chấp trước có một cái ‘Nhất’, chấp trước có một cái ‘Chân’ thì cũng sai luôn. Ðối ngược của một là nhiều, đối ngược của chân là giả, Huệ Năng đại sư nói: ‘Một và nhiều, chân và giả là Nhị pháp, Nhị pháp chẳng phải Phật pháp’. Cho nên chẳng có ý niệm của ‘nhất’, của ‘chân’ thì mới thực sự là Nhất Chân pháp giới. Do đó có thể biết vừa khởi tâm động niệm một chút thì đã sai mất rồi.

Học Phật thì phải học như thế nào? Tông Môn thường nói: ‘Tu từ căn bản’, căn bản tức là một niệm chẳng sanh, tâm địa thanh tịnh chẳng khởi một tâm niệm gì hết. Nếu nghĩ: ‘hiện giờ một niệm cũng chẳng sanh’ thì đã sanh lên cái tâm ‘một niệm chẳng sanh’, vậy thì cũng sai rồi. Lúc mới bắt đầu học, Tông Môn dùng phương pháp ngồi xếp bằng quay mặt vào vách để tập ‘không khởi tâm, không động niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước’. Sau khi học thành công rồi thì phải thao luyện trong đời sống, khi lục căn tiếp xúc cảnh giới lục trần phải không khởi tâm, không động niệm, không phân biệt, không chấp trước, vậy thì mới thành công, lúc bấy giờ mọi cảnh giới đều là Nhất Chân pháp giới. Nhất Chân pháp giới chẳng tách lìa thập pháp giới, lục đạo, tam đồ; làm sao có thể gọi là Nhất Chân pháp giới? Do chuyển biến nơi tâm, chuyển biến ở chỗ nhận biết, nhận thức chân tướng của cảnh giới, tức là nhận thức được chân tướng của vũ trụ nhân sanh.

Nguồn: www.niemphat.net">www.niemphat.net">www.niemphat.net