HỌC VI NHÂN SƯ HÀNH VI THẾ PHẠM
Tập 1
Hòa thượng Tịnh Không thuyết giảng
Chuyển ngữ theo bản in của
Vân Lâm Tịnh Tông Học Hội, tháng 9-2003
Ðây là những bài khai thị buổi sáng của hòa thượng Tịnh Không cho đồng tu tại Hoa Tạng Ðồ Thư Quán, chưa được hòa thượng giám định. Ðây chỉ là những bài ghi chép tóm tắt của đệ tử Ngộ Hữu, chỉnh lý cho gọn rồi viết thành bài nháp này để cúng dường độc giả.
A. KHAI THỊ VỀ PHƯƠNG PHÁP TU TRÌ
(Buổi sáng 02-01-95)
1. Tu phước và tu huệ.
Phước và Huệ là hai mục tiêu lớn trong việc tu học Phật pháp. Lúc chúng ta làm lễ truyền thọ Tam Quy Y, trong lời thệ nguyện có câu ‘Quy y Phật, Nhị Túc Tôn’, ‘nhị’ ở đây là phước và huệ, ‘túc’ là đầy đủ, viên mãn. Do đó có thể biết thành Phật là tu học phước và huệ viên mãn, được thế gian và xuất thế gian tôn kính.
Người trong thế gian xưa nay, trong nước và ngoài nước chẳng ai không cầu phước huệ, thiệt ra chúng sanh vốn sẵn có phước huệ, trong tự tánh vốn sẵn đầy đủ, hơn nữa còn viên mãn rốt ráo. Tại sao hiện nay phước huệ của chúng sanh chẳng còn nữa? Phật nói chúng ta có hai thứ chướng ngại cản trở, đó là Phiền Não Chướng và Sở Tri Chướng. Phiền Não chướng ngại phước đức, Sở Tri chướng ngại trí huệ. Người có Phiền Não Chướng thì phước đức chẳng có; người có Sở Tri Chướng thì trí huệ chẳng còn nữa; cho nên chỉ cần dẹp bỏ hai chướng này thì phước huệ liền hiện tiền.
Làm thế nào để tiêu trừ hai chướng ngại này? Việc này phải nhờ tu đức. Phước huệ vốn là tánh đức, nếu chẳng có tu đức, phước huệ trong tự tánh chẳng thể hiển lộ, thế nên phải tu hành. Làm thế nào để tu? Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, đức Phật dạy trước hết phải tu Tam Phước. Nếu chúng ta chân chánh có thể tin tưởng, chân chánh có thể hiểu đạo lý này, chịu phát tâm tu học thì tri kiến này là trí huệ chân thật; ai thật sự chịu làm thì người đó có phước.
Mọi người đều biết ‘Tam phước’ nhưng tại sao chẳng làm được? Vì nhận thức chẳng đủ, nhận thức chẳng đủ tức là chẳng có trí huệ. Chúng ta nhận thức được một phần thì gắng sức làm một phần. Nhận thức được hai phần thì tự nhiên làm được hai phần, người hoàn toàn chẳng chịu làm là người chẳng có phước huệ. Từ điểm này có thể biết trên phương diện tu đức thì tu huệ và tu phước là hai thứ bổ sung và thành tựu lẫn nhau.
Trong kinh điển đức Phật thường dạy: ‘Thọ trì, đọc tụng, vì người diễn nói’. Câu này là dạy chúng ta tu hành chân thực. Ðặc biệt là ‘vì người diễn nói’, diễn là biểu diễn, là dạy cho chúng ta làm [ra thành tích] cho người ta xem. ‘Nói’ tức là vì người giảng giải, khuyên người học Phật, thế nên ‘diễn’ là thân giáo [lấy bản thân làm gương mẫu cho người], ‘nói’ là ngôn giáo.
2. Sự quan trọng của định - huệ
(Buổi sáng 03-01-95)
Mấu chốt của sự học Phật ở tại ‘định’ – ‘huệ’. Kinh Kim Cang dạy: ‘Chẳng chấp vào tướng, như như chẳng động’[1]. Ðịnh tức là như như chẳng động, huệ tức là chẳng chấp vào tướng. Trong kinh Kim Cang đức Phật dạy Tu Bồ Ðề quan trọng nhất là hai câu này. Chúng ta cũng có thể dùng hai câu này để phản tỉnh, kiểm điểm mình có trí huệ hay chăng, mình có công phu hay chăng.
Nguyên nhân [khiến cho] học Phật chẳng thể thành tựu là vì chẳng có định, chẳng có huệ. Nói cách khác tức là mê hoặc điên đảo, trong kinh thường gọi là ‘người đáng thương xót’. Vì lúc khởi tâm động niệm có phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, lúc đối xử với người khác vẫn còn tham, sân, si, mạn, vẫn còn đố kỵ, tạo ra nghiệp nhân của ba ác đạo. Bất luận là tham thiền, học kinh giáo, hay niệm Phật, có những hành vi này thì chẳng có cách chi để thoát ly luân hồi, đích thực là phải ghi nhớ lời dạy của Huệ Năng đại sư: ‘Người tu đạo chân chánh chẳng thấy lỗi người khác’, phải thấy lỗi của mình chứ chẳng thấy lỗi của người thế gian, đây là hai câu quý báu đại sư Huệ Năng dạy cho người đời sau. Nếu chẳng dụng công nơi việc này, đời này cũng sẽ giống như những đời trước, nhất định cũng sẽ luống qua. Tại sao lại luống qua? Vì nhịn chẳng được. Nếu chẳng nhẫn nhịn thì làm sao có định? Lục Ba La Mật cũng giống như đi lên sáu tầng lầu, nếu không lên tầng thứ ba thì chẳng có cách chi lên đến tầng thứ tư, chỉ có bố thí, trì giới, chẳng có nhẫn nhục thì làm sao tu hành thành công được? Cho nên thứ tự tu học Lục Ðộ là có nhẫn nhục, tinh tấn, mới được thiền định, có được định và huệ thì mới thành tựu. Người có định và huệ thì tâm lượng sẽ lớn, và sẽ tương ứng với tự tánh.