/ 3
500

HỌC VI NHÂN SƯ HÀNH VI THẾ PHẠM

Tập 3

Hòa thượng Tịnh Không thuyết giảng

Ðây là những bài khai thị buổi sáng của hòa thượng Tịnh Không cho đồng tu khắp nơi, chưa được hòa thượng giám định. Ðây chỉ là những lời tóm tắt của nhóm ghi chép bài giảng, chỉnh lý cho gọn rồi viết thành bài nháp này để cúng dường độc giả.

A. KHAI THỊ VỀ PHƯƠNG PHÁP TU TRÌ

1. Y giáo phụng hành mới có thể chứng quả (Buổi sáng 22-2-99)

Thế Tôn thường nói: ‘Thân người khó được, Phật pháp khó được nghe’, chúng ta may mắn được thân người và còn có cơ hội nghe được Phật pháp thì phải trân quý nhân duyên thù thắng này. Những năm gần đây chúng ta hết lòng học theo lời dạy của đức Phật và đã thấy được vài chứng minh trong đời sống. Thường thức cạn cợt nhất là lời dạy của đức Phật về ‘nhân duyên quả báo’, chúng ta hãy bình tĩnh quan sát kỹ thì đích thật bố thí tài vật được quả báo giàu sang, bố thí pháp được quả báo thông minh trí huệ, bố thí vô úy được quả báo khỏe mạnh sống lâu. Có thể hiểu được đạo lý và chân tướng sự thật này thì trong sinh hoạt hằng ngày tâm tình tự nhiên sẽ ổn định, đó tức là ‘tâm an lý đắc’; sau khi hiểu đạo lý thì tâm sẽ an.

Cuốn Liễu Phàm Tứ Huấn kể chuyện ông Liễu Phàm và Vân Cốc thiền sư ngồi trong thiền đường suốt ba ngày ba đêm chẳng khởi lên một vọng niệm, phần đông người thường chẳng làm được việc này. Phần nhiều người ta có vọng niệm lung tung, phân biệt chấp trước quá nhiều, trong kinh gọi họ là phàm phu, ‘người đáng thương xót’. Thiền sư Vân Cốc nói: “Công phu của anh khá lắm!”. Ông Liễu Phàm trả lời: “Con chẳng có công phu, mạng con đã được Khổng tiên sinh đoán chắc rồi, cả đời tốt xấu, kiết hung, họa phước đều đã được an bài sẵn trong vận mạng, khởi vọng tưởng cũng chẳng có ích chi nên con không thèm khởi nữa”. Tuy ông Liễu Phàm hiểu sự thật này nhưng chẳng thấu triệt, chỉ hiểu như vậy nhưng chẳng hiểu tại sao lại như vậy. Sau đó thiền sư khai thị cho ông, giảng cho ông biết lý do tại sao. Ông y theo lời dạy của thiền sư, hết lòng nỗ lực thực hành và thật sự đã biến đổi được vận mạng. Thế nên hiểu rõ đạo lý và chân tướng sự thật mới có thể sửa đổi và sáng tạo vận mạng.

Bồ Tát gồm có năm mươi mốt cấp bậc, đạo lý và cảnh giới của mỗi bậc đều chẳng giống nhau. Bậc thấp nhất là quả vị Sơ Tín của Viên Giáo, những gì Bồ Tát bậc này hiểu được cao hơn ông Liễu Phàm quá nhiều, nhưng thuộc về bậc thấp nhất trong Phật giáo, đến quả vị Như Lai mới thấu triệt rốt ráo. Giáo học của nhà Phật chẳng qua chỉ là giúp chúng ta hiểu rõ chân tướng của vũ trụ nhân sanh mà thôi. Người thực sự hiểu rõ chân tướng là Pháp Thân đại sĩ, là quả vị Viên Giáo Sơ Trụ Bồ Tát. Từ quả vị Sơ Trụ trở xuống tuy hiểu nhưng chẳng thấu triệt, chỉ là giải ngộ, còn chưa chứng ngộ. Thí dụ việc Phật nói hết thảy chúng sanh đều là pháp thân của chính mình, chúng ta tin sâu chẳng nghi, đây là giải ngộ chứ chưa chứng thực được, còn chưa xem hết thảy chúng sanh như chính mình, chúng sanh và mình còn có chỗ khác nhau. Nếu đối đãi với hết thảy chúng sanh giống như chính mình thì đó mới là chứng ngộ, đó là Pháp Thân đại sĩ.

Chúng ta hiện nay hiểu được những đạo lý này chứ chưa làm được, đó là giải ngộ, chẳng phải chứng ngộ. Thầy Lý thường nói giải ngộ không dùng được, phải sanh tử như thế nào thì vẫn phải sanh tử như thế ấy, chẳng có cách chi thoát ly luân hồi, đến mức chứng ngộ mới có thể thoát ly luân hồi; không những thoát ly luân hồi mà còn thoát ly thập pháp giới, chứng được Nhất Chân pháp giới. Ðến Nhất Chân pháp giới mới thực sự được đại tự tại, được hạnh phúc mỹ mãn. Hạnh phúc mỹ mãn trong thập pháp giới chẳng phải thiệt, ‘chân - thiện - mỹ - huệ’ chỉ có danh, không thật; Nhất Chân pháp giới mới là ‘chân - thiện - mỹ - huệ’ chân thật. Sự kỳ vọng và khích lệ của Phật đối với chúng ta là hy vọng chúng ta nội trong đời này chứng được. Những gì đức Phật dạy, chúng ta nhất định có thể làm được, vấn đề là ‘chúng ta có chịu làm hay không’. Phật dạy chúng ta mở rộng tâm lượng, thương yêu hết thảy chúng sanh cũng như chính mình, như vậy là ‘hành’, giải - hành phải tương ứng mới có thể chứng được.

Nhiều người trong thế gian có dã tâm rất lớn, họ muốn làm người khống chế toàn thế giới, họ có thể làm được không? Có thể. Trong kinh Phật nói vua lớn nhất trong thế gian là Kim Luân Vương, thống trị một ‘Tứ thiên hạ’, tức là thống trị một thái dương hệ. Tại sao xưng là Luân Vương? Vì Ngài dùng ‘Luân Bảo’ làm công cụ giao thông và võ khí. Việc này làm chúng ta liên tưởng đến vài chục năm gần đây nhiều nơi trên thế giới đồn đãi chuyện dĩa bay, dĩa bay chắc có lẽ là ‘luân bảo’ của Luân Vương. Có thể Luân Vương phái thuộc hạ đến đây xem xét. Họ dùng luân bảo này trong một ngày đêm có thể đi khắp một ‘tứ thiên hạ’, tức là một thái dương hệ, đây là một cách giải thích.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 3