/ 12
324

CHỦ ĐỀ THẾ GIỚI HÀI HÒA THUẦN THIỆN, THUẦN TỊNH

CÁI GỐC CỦA TU ĐỨC LẬP NGHIỆP

CHIA SẺ TÂM ĐẮC HỌC TẬP “ĐỆ TỬ QUY”

Tập 9

Tiến sĩ Chung Mậu Sâm chủ giảng, ngày 5 tháng 3 năm 2007

Tại Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà Hồng Kông.

Các vị Đại đức đồng tu tôn kính, các vị bằng hữu, xin chào mọi người!

Hôm nay, chúng ta tiếp tục học tập "Đệ Tử Quy". Chúng ta đều biết "Đệ Tử Quy" là lời giáo huấn của Thánh nhân. Mỗi chữ mỗi câu đều là những lời nói đầy trí huệ được lưu xuất ra từ trong tự tánh của các bậc Thánh nhân. Cho nên thấy các Ngài nói ra rất nhiều việc có vẻ như đều là những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống, nhưng người khéo học thì có thể học được những chân lý cuộc đời, học được những điều chí lý trong vũ trụ từ những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống này. Hôm qua, chúng ta cùng nhau học tập đã học đến chương thứ tư “Tín”. Hôm nay, chúng ta tiếp tục học chương này. Mời mọi người bắt đầu xem từ điều thứ mười ba:

“Nghe khen sợ, nghe lỗi vui. Người hiền lương, dần gần gũi”

Câu này ý nói khi chúng ta nghe người khác tán thán nhưng ngược lại cảm thấy rất sợ hãi, được người trọng mà lo. Lo sợ rằng đức hạnh, học vấn của bản thân chưa đủ, không nhận nổi lời tán dương như vậy. Đó đều là phản ứng của các bậc Thánh nhân quân tử. Khi nghe thấy người khác phê bình chúng ta, nói lỗi của chúng ta thì ngược lại lúc này chúng ta lại rất vui mừng. Vì sao vậy? Bởi vì chúng ta biết trong cuộc sống, chân thật có thể tìm thấy người phê bình chúng ta, người dám nói ra lỗi lầm của chúng ta đều vô cùng hiếm gặp. Cha mẹ chúng ta có thể nói lỗi của chúng ta, thầy cô giáo của chúng ta có thể nói lỗi của chúng ta, những người bạn tốt chân thật, những người chánh trực, những người thật lòng muốn tốt cho chúng ta thì họ mới dám nói ra lỗi lầm của chúng ta. Khi chúng ta biết lỗi lầm của chính mình mà có thể tự sửa đổi làm mới thì cuộc đời có thể bớt đi qua rất nhiều con đường vòng. Đây chẳng phải là một chuyện khiến ta vui mừng hay sao? Cho nên Tử Lộ học trò của Khổng Tử từng nói rằng, ông nghe thấy người nói lỗi mình thì rất vui mừng. Đây đều là những tấm gương mà các bậc Thánh Hiền làm ra cho chúng ta thấy.

Các bậc Đại đức chân thật, những người có thể làm được việc lớn thì họ đều có sự hàm dưỡng, có sự rộng lượng như vậy. Khi nghe thấy người khác nói lỗi của mình thì họ sẽ không khởi lên tâm không phục, mà ngược lại sẽ xét lại bản thân xem rốt cuộc có hay không. Nếu có thì sẽ nhanh chóng sửa đổi lại và còn cảm ơn người đã dám nói ra lỗi của mình. Nếu như mình không có lỗi này, dù họ nói sai thì chúng ta cũng không được phê bình họ, vì sao? Nếu bạn phê bình thì sau này họ sẽ không dám nói lỗi cho bạn nữa, nên chúng ta vẫn phải cảm ơn họ. Như vậy, những người bạn tốt có thể cho chúng ta những lời khuyên thẳng thắn sẽ đến kết giao cùng chúng ta.

Trực lượng sĩ, tiệm tương thân”. Trực nghĩa là chánh trực. Lượng nghĩa là người có thành tín, biết khoan dung, những người có thể tha thứ cho người khác. Sĩ tức là người đọc sách, người có đạo đức, có văn hóa. [Những người này] dần dần sẽ đến thân cận chúng ta, vì sao vậy? Vì họ thấy chúng ta vẫn có thể tiếp nhận sự chỉ dạy. Giả sử chúng ta nghe thấy lỗi của mình, nhưng không chịu tiếp nhận mà ngược lại phản đối người ta. Người không thể tiếp nhận sự chỉ dạy thì phước sẽ mỏng. Cho nên người chân thật có phước thì họ mới có thể thật sự tiếp nhận lời khuyên.

Chúng ta biết Tô Đông Pha là một văn nhân rất nổi tiếng thời nhà Tống. Ông cũng học Phật. Thời trẻ ông quen một người là Phật Ấn Thiền Sư, ông cùng Ngài học Phật. Tô Đông Pha hiểu rất nhiều về Phật Pháp, học rộng hiểu nhiều, nhưng trên công phu học Phật thì ông không chân thật thực hành. Cho nên tri thức Phật học của ông rất phong phú, nhưng ông không thật sự thực hành lời giáo huấn của Phật. Đây là điều mà Sư phụ thượng nhân thường nhắc đến, Phật học và học Phật không giống nhau.

Tháng mười năm ngoái Sư phụ thượng nhân đến nước Anh ở trường đại học Luân Đôn, đại học Cambridge, khi thảo luận cùng các giáo sư, sinh viên của họ, Sư phụ đã nói đến vấn đề này. Các giáo sư, học sinh, nghiên cứu sinh ở đó họ viết luận văn, có người viết về "Kinh Vô Lượng Thọ", có người viết về những thứ như tư tưởng của Vương Duy. Họ đều là nhà Phật học, nhà Nho học. Sư phụ thượng nhân nói với họ rằng: “Các vị đang làm là Phật học, Nho học, Đạo học, còn tôi thì ngược lại với các vị. Tôi là học Phật, học Nho, học Đạo, cho nên đời này tôi sống trong vui sướng, còn các vị vẫn sống trong phiền não, đau khổ”. Những vị giáo sư, sinh viên đó nghe vậy cảm thấy thật rất có đạo lý. Bản thân mình vẫn thường hay nổi giận, tức giận. Nhà Nho nói khoan dung, khoan thứ, nhà Phật nói nhẫn nhục, nhưng họ đều không dùng đến. Cho nên quả thực [cái] họ làm đều là Phật học và Nho học.

/ 12