206

CHỦ ĐỀ THẾ GIỚI HÀI HÒA THUẦN THIỆN, THUẦN TỊNH

CÁI GỐC CỦA TU ĐỨC LẬP NGHIỆP

CHIA SẺ TÂM ĐẮC HỌC TẬP “ĐỆ TỬ QUY”

Tập 8

Tiến sĩ Chung Mậu Sâm chủ giảng, ngày 4 tháng 3 năm 2007

Tại Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà Hồng Kông.

Các vị Đại đức đồng tu tôn kính, các vị bằng hữu, xin chào mọi người! Chúng ta tiếp tục thảo luận chương thứ tư “Tín” của "Đệ Tử Quy". Xin xem điều thứ hai:

“Nói nhiều lời, không bằng ít. Phải nói thật, chớ xảo nịnh”

Ở đây nói, khi nói chuyện mấu chốt nằm ở chỗ nói đúng mực là được. Nhất định không được nói quá nhiều, nói nhiều có thể đều là những lời vô ích, chẳng bằng ít nói đi vài câu, vừa đỡ mệt lại tránh được sai sót do nói nhiều. Khi nói quá nhiều, nói lỡ lời thường sẽ gây ra rất nhiều lỗi lầm. Thậm chí là người nói thì vô tâm, người nghe lại để ý. Người nghe có thể bị một câu nói nào đó của bạn làm tổn thương, thậm chí họ sẽ oán hận bạn, ôm hận trong lòng. Như vậy thì thường sẽ kết oán thù, nhưng bản thân mình lại không hề hay biết. Cho nên cổ nhân nói: “Miệng là cửa của họa phước”. Nói chuyện nếu không chú ý thường sẽ gây ra tai họa. Bạn xem Khổng Tử nhắc nhở chúng ta “Quân tử phải thận trọng trong lời nói nhưng phải mẫn tiệp trong hành động”. Đó là người quân tử chân thật. Nhìn bề ngoài dường như họ không phải là người có tài ăn nói biện biệt. Họ nói chuyện không nhiều, họ ít nói trầm tĩnh, nhưng những người này thường có đại trí huệ, tâm họ có thể tập trung, cho nên họ làm việc hành động đều rất mẫn tiệp, nhanh nhẹn. Người nói chuyện rất nhiều thì họ làm việc thường lề mề chậm chạp.

Nói chuyện cần phải như thế nào? “Phải nói thật, chớ xảo nịnh”, nói chuyện phải đúng mực, thực sự cầu thị là được. Nhất định không được dùng những lời nói ngon ngọt để che đậy hoặc là lừa dối, những việc đó đều không tốt. Không những nói chuyện với người phải như vậy, cho dù là đối với chính mình cũng không được dùng tâm xảo nịnh, dùng những lời hư dối, lời ngon tiếng ngọt để tự lừa gạt bản thân, đó gọi là tự lừa dối mình. Cho nên, con người không được tự gạt chính mình, càng không được lừa gạt thiên địa quỷ thần.

Thời nhà Tống có một người tên là Triệu Duyệt Đạo, trong "Liễu Phàm Tứ Huấn" cũng có nhắc tới ông. Ông là một người vô cùng chánh trực, mỗi buổi tối ông đều nhất định mặc y phục chỉnh tề, ở trong nhà thắp nhang để bẩm báo với Thượng Đế, đem những việc ngày hôm nay mình đã làm báo cáo với Thượng Đế. Ví dụ ngày hôm nay đã làm một việc mà ông không dám báo cáo với Thượng Đế, vậy thì bản thân ông sẽ biết việc này không đúng, trái nghịch với thiên lý, trái ngược với lương tâm thì sau này ông sẽ không tái phạm chuyện đó nữa. Cho nên ông là người rất chánh trực, ông làm quan cũng hết sức thanh liêm. Từng có một nơi có rất nhiều người chết do bệnh truyền nhiễm, rất nhiều người vì bệnh truyền nhiễm này mà không có nhà để về. Triệu Duyệt Đạo đã làm một trăm chiếc thuyền, hơn nữa còn phát công văn đi khắp các châu phủ khác nói rằng: “Nếu trong nhà có người chết, người già trẻ nhỏ trong nhà không có cách nào để về quê được thì mời họ đến nơi ông cai quản”. Nơi ông cai quản gọi là Kiềm Châu. Bạn xem tấm lòng từ bi, tấm lòng yêu người thương vật của ông, lúc đó ông làm như vậy nên đã cứu được rất nhiều người. Khi đó là thời Tống Nhân Tông, bởi vì ông làm quan rất chánh trực, không sợ cường quyền mà vạch tội những kẻ tham ô hối lộ, nên người ta gọi ông là “Thiết diện ngự sử”. Chức quan của ông là Ngự sử. Ông là người vô cùng chánh trực, sau này ông cũng làm quan lớn.

Đó đều là thiện có thiện báo, những việc ông báo cáo với trời đều vô cùng chân thực, tuyệt đối không gạt trời, không lừa mình. Bởi vì ông không tự gạt mình nên trời đặc biệt ban phước lành cho ông. Đến khi ông lâm chung đầu óc rất tỉnh táo, nói chuyện ngôn từ đều không loạn, vì sao? Vì cả đời ông nói chuyện đều là “Phải nói thật, chớ xảo nịnh”. Do vậy lúc lâm chung ông nói chuyện cũng là như vậy, vô cùng an định, không loạn chút nào, cuối cùng được thiện chung.

Bạn có thể thấy nói chuyện chân thật không lừa dối lương tâm, không gạt thiên lý thì họ có thể được thiện chung. Người niệm Phật chúng ta đều mong cầu lúc lâm chung “Thân không bệnh khổ, ý không điên đảo, tâm không tham luyến”, có thể tự tại vãng sanh. Muốn cầu như vậy thì trong cuộc sống hằng ngày, phẩm hạnh, tu trì đều phải vô cùng thận trọng.