/ 12
286

CHỦ ĐỀ THẾ GIỚI HÀI HÒA THUẦN THIỆN, THUẦN TỊNH

CÁI GỐC CỦA TU ĐỨC LẬP NGHIỆP

CHIA SẺ TÂM ĐẮC HỌC TẬP “ĐỆ TỬ QUY”

Tập 10

Tiến sĩ Chung Mậu Sâm chủ giảng, ngày 5 tháng 3 năm 2007

Tại Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà Hồng Kông.

Các vị Đại đức đồng tu tôn kính, các vị bằng hữu, xin chào mọi người!

Chúng ta tiếp tục học "Đệ Tử Quy" chương thứ năm “Phiếm ái chúng”. Xin xem điều thứ hai, chương này tổng cộng có hai mươi mốt điều. Điều thứ hai là:

“Người hạnh cao, danh tự cao. Mọi người trọng, không bề ngoài”

Điều thứ ba cũng tương tự vậy nên chúng ta sẽ cùng giảng một lượt.

“Người tài năng, tiếng tự cao. Được người phục, chẳng do khoe”

Ở đây ý nói chúng ta chân thật bồi dưỡng tấm lòng nhân từ yêu thương chúng sanh, đối với hết thảy chúng sanh đều có tâm nhân ái, từ bi, quan tâm, giúp đỡ họ thì phẩm hạnh liền được nâng cao. Cũng chính là nói nếu một người có lòng nhân ái càng lớn thì đức hạnh của họ, phẩm hạnh của họ sẽ càng cao. Người chân thật có phẩm hạnh cao thì dần dần mọi người đều biết và sẽ được mọi người cung kính, yêu quý, danh tiếng của họ liền tự nhiên được nâng cao. Đó gọi là người thực sự có tài đức, tự nhiên sẽ có danh tiếng. Không phải họ đi truy cầu mà là tự nhiên, vì đạo đức học vấn, tấm lòng nhân ái, tâm hạnh của họ rất cao, cho nên danh tiếng của họ cũng theo đó mà nâng cao.

Mọi người chúng ta đều biết nhận định tốt xấu, trong lòng mỗi người đều có một chiếc cân. Bạn thật sự có đức hạnh học vấn cao hay không, hay bạn chỉ có cái tiếng như vậy thôi, danh không xứng với thực, kỳ thực mọi người đều biết. Chúng ta nói con mắt của quần chúng rất tinh. Nếu bạn thực sự không có phẩm hạnh cao như vậy, chỉ là danh cao, danh không xứng với thực, dần dần mọi người nhận ra thì họ cũng sẽ rời xa bạn. “Mọi người trọng, không bề ngoài”, dường như bạn rất cao, cao bao gồm những gì? Ví dụ bạn có học vị rất cao, bạn có tài sản rất lớn, có thể địa vị của bạn rất cao, danh tiếng rất lớn, những cái đó dường như cao nhưng không phải thực sự cao. Thật sự cao thì chúng ta phải xem đạo đức, phẩm hạnh, học vấn của họ.

Phía sau nói “Người tài năng, tiếng tự cao” cũng là như vậy. Danh vọng nhất định đi cùng với tài hoa, học vấn của một người. Tài hoa lớn thì đương nhiên danh vọng sẽ lớn. Mọi người bội phục không phải là danh vọng của họ hoặc là họ nói hay như thế nào đó mà là xem họ thật sự có tài năng học vấn hay không? Bạn xem các bậc Đại đức xưa nay đều do có đạo đức học vấn thực sự nên mới được người đời kính ngưỡng. Ví dụ như Khổng Tử, Khổng Tử cũng xuất thân từ một gia đình rất bình thường, nhưng do Ngài cả đời không ngừng tìm cầu đạo lý Thánh Hiền, bồi dưỡng nhân cách hoàn mỹ cho mình, nên được người đời sau ngưỡng mộ. Các học trò của Khổng Tử cũng do ngưỡng mộ đạo đức học vấn của Khổng Tử mới học tập với Ngài chứ không phải do tiếng tăm của Ngài lớn, cũng không phải Ngài nói chuyện dễ nghe. Cho nên, ở đây chúng ta phải hiểu nhìn người phải biết nên nhìn thực chất của họ. Cái gì là thực chất? Đức hạnh và học vấn, đây là thực chất của họ. Chúng ta không cần chú trọng đến bề ngoài của họ. Có người bề ngoài có thể rất bình thường, tướng mạo chẳng xuất sắc, nhưng họ có đạo đức học và vấn thực sự. Những người này chính là thiện tri thức của chúng ta, chúng ta nên thân cận họ, học tập họ.

Thời xưa có một ví dụ rất nổi tiếng, đó là vào thời Đông Tấn có một vị Pháp sư rất nổi tiếng tên là Đạo An Pháp sư, đây là một vị Đại đức. Lúc trẻ do dáng người rất thấp bé, cũng rất xấu xí cho nên thường bị người khác coi thường, nhưng Ngài thật sự có đức hạnh, thật sự có tài hoa. Sau khi Ngài xuất gia, vẫn còn là một tiểu Sa Di, Sư phụ của Ngài giao cho Ngài việc quét dọn, bởi vì thấy người này dường như không phải là một nhân tài gì cho nên bảo Ngài đi quét dọn, coi thường Ngài. Ngài cứ quét dọn cho đến một hôm, Ngài nói với Sư phụ mình rằng: “Thưa Sư phụ! Con đã quét dọn ở đây rất lâu rồi, Sư phụ có thể cho con một bộ Kinh không, con muốn học tập một chút”. Sư phụ thấy Ngài như vậy liền nói: “Được!” rồi tiện tay lấy một bộ “Biện Ý Kinh” đưa cho Ngài nói: “Con cầm xem đi”. Ngày hôm sau Đạo An Pháp sư quay lại gặp Sư phụ nói rằng: “Thưa Sư phụ, bộ Kinh này con đã đọc thuộc rồi, Sư phụ có thể cho con một bộ Kinh nữa được không ạ?”. Sư phụ cảm thấy, “Cái gì, con có thể học thuộc rồi ư!” Bởi vì “Biện Ý Kinh” có hơn năm ngàn chữ, nếu một buổi tối mà có thể học thuộc được thì đó là thiên tài rồi. Đương nhiên Ngài nói như vậy, có thể Sư phụ cho rằng Ngài nói đùa nên nói: “Con muốn xem thì ta sẽ cho con một cuốn nữa”, rồi liền đưa cho Ngài một cuốn là “Thành Cụ Quang Minh Kinh”. Bộ Kinh này có hơn mười ngàn chữ. Kết quả ngày hôm sau Đạo An Pháp sư lại gặp Sư phụ và nói: “Thưa Sư phụ, bộ Kinh này con cũng thuộc rồi”. Sư phụ thấy vậy thì chau mày nói rằng: “Người xuất gia không được vọng ngữ”. Đạo An Pháp sư nói: “Con không vọng ngữ, không tin con đọc cho Sư phụ nghe”. Vậy là Ngài liền đọc hai bộ Kinh từ đầu tới cuối không sót một chữ. Sư phụ của Ngài thấy vậy biết mình sai rồi, đã coi thường vị xuất gia này. Thầy thấy tiểu Sa Di này thực sự có năng lực, có thiên tư hơn người nên nói rằng: “Con không cần ở đây nữa, ta không có năng lực để dạy con nữa”, liền khuyên Ngài đi tìm một vị thầy khác giỏi hơn.

/ 12