/ 12
271

CHỦ ĐỀ THẾ GIỚI HÀI HÒA THUẦN THIỆN, THUẦN TỊNH

CÁI GỐC CỦA TU ĐỨC LẬP NGHIỆP

CHIA SẺ TÂM ĐẮC HỌC TẬP “ĐỆ TỬ QUY”

Tập 7

Tiến sĩ Chung Mậu Sâm chủ giảng, ngày 4 tháng 3 năm 2007

Tại Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà Hồng Kông.

Các vị Đại đức đồng tu tôn kính, các vị đồng học, các vị bằng hữu xin chào mọi người!

Hôm nay, chúng ta tiếp tục học tập "Đệ Tử Quy". Hôm qua chúng tôi giảng đến chương “Cẩn”, toàn chương giảng nói đều là những chuyện nhỏ nhặt như ăn mặc ở làm việc, nhưng phải biết bắt đầu thực hành đạo Thánh Hiền từ đâu? Đều là trong cuộc sống thường ngày. Cho nên trong những việc nhỏ cũng phải luôn nuôi dưỡng tâm của Thánh Hiền, phải dưỡng khí phách quang minh chánh đại của mình. Hôm nay, chúng ta học điều thứ mười bốn. Bắt đầu xem từ điều thứ mười bốn:

“Cầm vật rỗng, như vật đầy”

Ý nghĩa bên ngoài của câu này là chúng ta phải dạy bảo trẻ nhỏ khi cầm đồ vật phải cầm như thế nào? Phải cầm cung kính cẩn thận. Bạn cầm một cái ly, một chiếc bát cho dù bên trong không đựng thứ gì nhưng cũng phải cầm giống như bên trong đựng nước vậy. Chữ “Doanh” này nghĩa là đầy. Đồ đựng đầy nước thì khi cầm lên tự nhiên bạn sẽ hết sức cẩn thận, sẽ không cẩu thả vội vàng nhằm tránh nước bị đổ ra ngoài. Từ đây, chúng ta phải biết khi cầm vật rỗng mà có thể cung kính cẩn thận, thận trọng dè dặt thì khi họ cầm một chiếc ly hoặc một chiếc bát đựng đầy nước tự nhiên họ sẽ càng thận trọng cẩn thận hơn. Cho nên thật sự công phu của “Cẩn” đều là trong những lúc bình thường, luyện tập công phu khi cầm chiếc ly rỗng cũng giống như cầm chiếc ly đựng đầy nước. Cũng như người lính đánh trận, gọi là “nuôi quân ba năm, dùng quân một giờ”. Bình thường khi luyện binh dường như cũng giống như đánh trận thật vậy. Có một vị nguyên soái từng nói rằng: “Lúc đánh trận phải xem như lúc bình thường, lúc bình thường phải như xem lúc đang đánh trận”. Sau khi công phu này luyện thành thì bất luận gặp phải tình huống như thế nào họ đều sẽ nghiêm túc cẩn thận để đối diện. Người xưa bồi dưỡng phẩm hạnh của mình cũng hiểu được phải rèn luyện công phu ngay trong cuộc sống thường ngày. Phải biết những người có phẩm hạnh kinh thiên động địa được rèn luyện từ đâu? Trong những tình huống thường ngày họ đều rèn luyện như đứng bên vực thẳm, như bước trên băng mỏng.

Câu này ở đây chúng ta cũng có thể mở rộng ra một chút, bạn xem câu này là “Cầm vật rỗng”, tức là cầm vật không đựng gì. Nếu để bạn đi lấy một chiếc bát rỗng và một chiếc bát đựng đầy nước thì bạn sẽ thích lấy chiếc bát rỗng hay là thích lấy chiếc bát đựng đầy nước? Cái nào tương đối dễ cầm hơn? Mọi người nhất định sẽ nói bát không đương nhiên tương đối dễ cầm hơn. Cầm bát đựng nước cho dù bạn rất thận trọng nhưng vẫn sợ không cẩn thận nước sẽ đổ ra ngoài. Từ đạo lý nhỏ này chúng ta cũng có thể biết mọi người đều mong muốn, đều thích lấy những thứ rỗng không, khiêm hư.

Trong “Kinh Dịch” có một đoạn nói như vậy: “Đạo Trời là rút bớt chỗ dư thừa mà bồi đắp chỗ thiếu hụt. Quy luật của đất là chỗ đầy tràn chảy xuống chỗ trũng thấp. Đạo người thì ghét người tự mãn mà thương yêu người khiêm hạ. Quỷ thần thì trừng phạt kẻ ngạo mạn, ban phước cho người khiêm tốn”. Trong “Kinh Dịch” nói với chúng ta, trong sáu mươi bốn quẻ duy chỉ có quẻ “Khiêm” là sáu hào đều cát tường. Một quẻ có sáu hào, mỗi hào đều cát tường thì duy chỉ có quẻ “Khiêm”, các quẻ khác đều có cát có hung.

Từ những đạo lý tự nhiên chúng ta có thể hiểu được, con người nếu có thể khiêm tốn thì người này sẽ có phước. Giống như chúng tôi vừa hỏi mọi người rằng bạn thích lấy vật rỗng hay là thích lấy vật đầy? Mọi người tự nhiên đều thích lấy vật rỗng. Đó chính là “Đạo người thì ghét người tự mãn và thương yêu người khiêm hạ”. Mọi người đều thích người khiêm tốn còn chán ghét những người ngạo mạn, người ngang ngược. Thiên địa quỷ thần cũng đều như vậy.

Bạn nhìn trời thì thấy rất rõ ràng, từ chu kỳ của mặt trăng trong một tháng chúng ta có thể hiểu được. Hôm nay là ngày mười lăm Tết Nguyên Tiêu, là lúc mặt trăng tròn nhất, chúng ta gọi là ngày Rằm. Từ ngày mai mặt trăng bắt đầu khuyết dần. Cho nên khi một người gặp lúc thịnh vượng nhất thì chúng ta biết ngày suy bại của họ cũng không còn xa nữa. Đạo lý trên trái đất này cũng là như vậy, sông hồ biển cả, nếu một cái hồ đã đầy rồi thì nước phải chảy tràn ra ngoài, phải chảy tới nơi khác, mà nước đều là chảy từ chỗ cao xuống chỗ thấp, chảy đến chỗ khiêm tốn khiêm hư. Nếu hiểu được đạo lý này thì biết người cung kính, khiêm tốn sẽ có phước. Chúng ta xem câu tiếp theo:

/ 12