/ 12
335

CHỦ ĐỀ THẾ GIỚI HÀI HÒA THUẦN THIỆN, THUẦN TỊNH

CÁI GỐC CỦA TU ĐỨC LẬP NGHIỆP

CHIA SẺ TÂM ĐẮC HỌC TẬP “ĐỆ TỬ QUY”

Tập 6

Tiến sĩ Chung Mậu Sâm chủ giảng, ngày 3 tháng 3 năm 2007

Tại Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà Hồng Kông.

Các vị Đại đức đồng tu tôn kính, các vị bằng hữu xin chào mọi người!

Tiếp theo chúng ta xem chương ba của "Đệ Tử Quy" là “Cẩn”. Chương này tổng cộng có hai mươi bốn điều, đều là nói những hành vi trong cuộc sống thường ngày như ăn mặc ở làm việc, những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống. Thánh nhân đều rèn luyện tâm thành kính của mình từ trong cuộc sống thường ngày. Trong sách “Trung Dung” có nhắc đến “Thành” và “Minh”. Ấn Quang Đại sư đã quy nạp đạo của Thánh Hiền thành hai chữ này. Tâm chân thành của một người, sự sáng suốt của một người chính là tâm giác ngộ, tâm này đều được dưỡng thành từ những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống thường ngày.

Chúng ta thấy chương này nói về ăn mặc ở làm việc. Mặc y phục là: “Mũ phải ngay, nút phải gài. Vớ và giầy, mang chỉnh tề”. Ăn cơm là “Với ăn uống, chớ kén chọn. Ăn vừa đủ, chớ quá no”. Ở gồm có “Sáng dậy sớm, tối ngủ trễ”, “Sáng rửa mặt, phải đánh răng” v.v. Hành vi thì nói càng nhiều hơn “Đi thong thả, đứng ngay thẳng, chào cúi sâu, lạy cung kính”. Đây đều là những chuyện nhỏ trong cuộc sống. Chúng ta qua từng điều một xem phải dưỡng tâm cung kính của chúng ta từ những việc nhỏ trong cuộc sống như thế nào?

Thời xưa, từ nhỏ người xưa đã bắt đầu được dạy làm những việc nhỏ này rồi. Hiện nay chúng ta từ nhỏ đều không nhận được nền giáo dục tốt, những giáo dục tiểu học này đều chưa học nên hiện tại chúng ta phải học bù, “mất bò mới lo làm chuồng nhưng cũng không muộn”. Hiện nay, chúng ta bắt đầu học từ nền tảng căn bản nhất. Phải biết nền tảng căn bản nhất cũng thông suốt viên mãn với đức lớn. Như trong "Kinh Hoa Nghiêm" nói: “Một tức là tất cả, tất cả tức là một”. Người có đức lớn, viên mãn đại trí huệ thì sự biểu hiện của họ trong cuộc sống thường ngày cũng chính là hoàn toàn thực hành được những điều trong "Đệ Tử Quy" nói mà thôi. Chúng ta xem điều thứ nhất:

“Sáng dậy sớm, tối ngủ trễ. Lúc chưa già, quý thời gian”

Một người làm việc và nghỉ ngơi phải có quy luật, phải siêng năng. Chúng ta biết thời gian của con người có hạn, đặc biệt là khi còn trẻ. Giả sử chúng ta lãng phí thời gian, làm lỡ mất tuổi thanh xuân tươi đẹp, những đức hạnh, học vấn cần học vẫn chưa học được, chưa thành tựu thì thật sự là đến già sẽ đau buồn. Làm con cái phải hiểu được nắm bắt cơ hội để hiếu thuận cha mẹ. Cha mẹ lớn hơn chúng ta mấy chục tuổi, cuối cùng sẽ có một ngày họ rời xa chúng ta. Họ lìa xa chúng ta ngày nào chúng ta cũng không biết được, có thời gian một ngày thì chúng ta hãy tận tâm tận lực phụng dưỡng cha mẹ một ngày, như vậy thì tương lai chúng ta sẽ không phải ôm lòng hối hận. Cho nên phận làm con buổi sáng nên dậy sớm hơn cha mẹ, dậy sớm tốt nhất là làm bữa sáng để cha mẹ có thể dùng sau khi thức dậy. Buổi tối đi ngủ cũng nên ngủ muộn hơn cha mẹ, chờ cha mẹ xem họ có yêu cầu gì thì chúng ta cũng có thể giúp họ được hài lòng. Đối với người cầu học, buổi sáng càng cần phải dậy sớm, buổi tối cũng không được ngủ quá sớm, nên tận hết tất cả năng lực nắm bắt tất cả thời gian để tiến đức tu nghiệp.

Đương nhiên ở đây chủ yếu nói cần phải siêng năng, cho nên nói: “Lúc chưa già, quý thời gian”, nhắc nhở chúng ta lúc còn trẻ phải nỗ lực học tập. Hiện nay, chúng ta gặp được Phật Pháp thì càng nên trân quý cơ hội ngàn năm khó gặp, trăm ngàn vạn kiếp mới gặp được này, nỗ lực dụng công để thành tựu đạo nghiệp. Bởi vì sanh mạng con người rất ngắn tạm.

Khi Phật còn tại thế đã từng thảo luận với các đệ tử, Phật hỏi các đệ tử rằng: “Các ông nói xem, sanh mạng của con người rốt cuộc là dài bao lâu?”. Một đệ tử nói rằng: “Sanh mạng con người dài trong khoảng một ngày đêm”. Phật nghe rồi lắc đầu nói không đúng. Nói xong có một đệ tử lại nói: “Thọ mạng con người dài trong khoảng một bữa ăn”. Thời gian một bữa ăn rất ngắn tạm, mạng người cũng có thể mất trong khoảng một bữa ăn. Kết quả Phật nghe rồi vẫn không tán thành. Cuối cùng có một đệ tử nói rằng: “Thọ mạng con người chỉ trong một hơi thở”. Lúc này Phật mới gật đầu đồng ý. Bạn xem, quả thực một hơi thở không hít vào nữa thì sanh mạng con người liền kết thúc, sang đời sau rồi. Đời sau còn có thể gặp được Phật Pháp hay không? Điều này thì quá khó, cho nên thật sự phải hiểu được trân quý thời gian hiện tại để nỗ lực tiến đức tu nghiệp.

/ 12