CHỦ ĐỀ THẾ GIỚI HÀI HÒA THUẦN THIỆN, THUẦN TỊNH
CÁI GỐC CỦA TU ĐỨC LẬP NGHIỆP
CHIA SẺ TÂM ĐẮC HỌC TẬP “ĐỆ TỬ QUY”
Tập 5
Tiến sĩ Chung Mậu Sâm chủ giảng, ngày 3 tháng 3 năm 2007
Tại Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà Hồng Kông.
Các vị Đại đức đồng tu tôn kính, các vị bằng hữu xin chào mọi người!
Hôm nay, chúng ta tiếp tục học tập, thảo luận "Đệ Tử Quy". Hôm qua, chúng tôi đã báo cáo với mọi người chương thứ nhất “Nhập tắc hiếu”. “Hiếu” quả thực là nền tảng của tất cả đức hạnh. Khi một người có “Hiếu tâm” thì tất cả đạo đức có thể hiển bày ra. Cho nên trong bát đức “Hiếu Đễ Trung Tín, Lễ Nghĩa Liêm Sỉ” thì gốc nằm ở “Hiếu đạo”. Do vậy, trong “Hiếu Kinh” Khổng Tử cực lực tán thán đức dụng của “Hiếu”. Ngài nói: “Hiếu đạo có thể giúp thiên hạ hòa thuận”, trên dưới có thể không có oán hận, tức là như chúng ta thường nói xã hội hài hòa, thế giới hài hòa. Cho nên, trong giáo dục phải dạy “Hiếu đạo” trước tiên. Trong “Hiếu Kinh” Khổng Tử nói: “Dạy dân hiếu là dạy người làm con biết hiếu thuận tất cả các bậc cha mẹ trong thiên hạ. Dạy dân đễ là dạy hàng hậu bối biết cung kính tất cả trưởng bối trong thiên hạ”[1]. Dạy “Hiếu” là để người dân trong khắp thiên hạ đều biết được phải hiếu thuận cha mẹ, đây chính là cách tốt nhất để cung kính cha mẹ trong thiên hạ, cho nên “Hiếu đạo” chính là cung kính người trong khắp thiên hạ. Ý nghĩa của sự cung kính này chính là “Đễ” được nói đến trong chương hai này. Hôm nay, chúng ta bắt đầu học từ chương hai “Xuất tắc đễ”.
Vừa rồi Khổng Tử mới nói dạy “Đễ” là cung kính các bậc huynh trưởng trưởng bối trong khắp thiên hạ, cũng tức là nói đạo của “Đễ” chính là cung kính huynh trưởng, cung kính trưởng bối. Đức dụng của nó cũng là vô lượng vô biên. Phải biết trong Kinh Phật đã khai thị cho chúng ta rằng: “Hết thảy chúng sanh đều là cha mẹ của chúng ta, cho nên đều phải dùng tâm hiếu thuận, tâm cung kính để đối đãi với hết thảy chúng sanh”. Cho nên “Hiếu” là một loại tâm thái, biểu hiện ra nhất định sẽ là cung kính. Đây chính là “Đạo Đễ”. Như trong "Kinh Hoa Nghiêm" Bồ Tát Phổ Hiền nói ra Thập Đại Nguyện Vương. Nguyện thứ nhất chính là “Lễ kính chư Phật”, lễ kính chư Phật bao gồm lễ kính hết thảy chúng sanh. Bây giờ, chúng ta xem điều thứ nhất. Chương hai “Xuất tắc đễ” tổng cộng gồm có mười ba điều. Điều thứ nhất là:
“Anh thương em, em kính anh. Anh em thuận, hiếu trong đó”
Câu này nói giữa anh chị em nhất định phải làm được yêu thương lẫn nhau, cung kính lẫn nhau, gọi là “anh thương em kính”. Khi anh chị em có thể hòa thuận, cha mẹ nhìn thấy con cái của mình đều có thể hòa thuận, đoàn kết đó là điều khiến cha mẹ vui nhất. Do vậy, anh em hòa thuận cũng chính là hiếu thuận cha mẹ. Từ điều này có thể thấy “Đạo Đễ” chính là sự mở rộng của “Hiếu”.
Triều nhà Đường có một vị quan tên là Thôi Miện. Ông phụng dưỡng mẹ vô cùng hiếu thuận. Bởi vì mẹ ông mắc bệnh về mắt nên Thôi Miện đã tìm mọi cách để chữa trị cho mẹ của mình, nhưng đáng tiếc cuối cùng đôi mắt của mẹ ông vẫn bị mù, đây là nghiệp lực của con người nên cũng hết cách. Nhưng Thôi Miện lại càng hiếu thuận với mẹ hơn, mặc dù mẹ ông không nhìn thấy nữa nhưng ông thường nghĩ mọi cách để khiến mẹ được vui vẻ. Ví dụ như đến ngày lễ Tết, ông đều gọi anh chị em đến đoàn viên bên cạnh mẹ khiến mẹ cảm nhận được niềm vui gia đình đoàn tụ. Mỗi khi gặp thời tiết và cảnh vật đẹp ông đều dẫn mẹ ra ngoài cho khuây khỏa. Sau đó kể cho mẹ nghe phong cảnh bên ngoài đẹp dường nào, khiến mẹ mặc dù không nhìn thấy nhưng cũng có thể cảm nhận được niềm hạnh phúc đó. Sau đó mẹ ông qua đời, ông vô cùng đau buồn, vì mẹ mà ông đã phát tâm cả đời ăn chay. Hơn nữa, sau này ông làm quan nhận được bổng lộc thì ông nhất định chia cho tất cả anh chị em và con cái của họ, giúp đỡ họ. Bởi vì ông nói: “Khi mẹ ông còn sống suốt ngày đều thương nhớ con cái và cháu chắt. Hiện nay bản thân ông có thể giúp đỡ đại chúng, giúp đỡ những người thân trong nhà này nên đó cũng là báo đáp cho mẹ”. Bạn xem tấm lòng hiếu thảo của Thôi Miện có thể biểu hiện ra chính là sự quan tâm đối với anh chị em hiện tại của mình. Bởi vì Thôi Miện có tấm lòng hiếu đức như vậy nên sau này ông cũng thi đỗ công danh, làm quan lớn, làm quan đến chức Thị lang. Sau này, con trai ông cũng làm đến chức Tể tướng. Từ đây thấy được thật sự là “Nhà tích điều thiện ắt có thừa niềm vui”. Mà gốc của thiện chính là “Hiếu đạo”, gọi là trăm thiện “Hiếu” đứng đầu. Chúng ta xem điều tiếp theo: