/ 12
229

 CHỦ ĐỀ THẾ GIỚI HÀI HÒA THUẦN THIỆN, THUẦN TỊNH

CÁI GỐC CỦA TU ĐỨC LẬP NGHIỆP

CHIA SẺ TÂM ĐẮC HỌC TẬP “ĐỆ TỬ QUY”

Tập 4

Tiến sĩ Chung Mậu Sâm chủ giảng, ngày 1 tháng 3 năm 2007

Tại Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà Hồng Kông.

Các vị Đại đức đồng tu tôn kính, các vị bằng hữu xin chào mọi người!

Bây giờ chúng ta tiếp tục học tập "Đệ Tử Quy", chúng tôi giảng đến điều thứ mười ba trong “Nhập tắc hiếu” là:

Việc tuy nhỏ, chớ tự làm; Nếu đã làm, thiếu đạo con”

Câu này trên mặt chữ có nghĩa cho dù là chuyện nhỏ thì người làm con cũng phải thường đi xin ý kiến của cha mẹ, không được tự ý quyết định. Bởi vì, khi chúng ta tự ý quyết định thì thường dẫn tới làm sai việc và có lỗi với cha mẹ, như vậy thì sẽ lỗi đạo làm con. Cho nên bất luận là chuyện gì, nếu bạn không nghĩ đến đại cục, không quan tâm đến cha mẹ mà hoàn toàn dựa vào ý thức chủ quan của mình tự ý làm việc, hơn nữa mục đích làm những việc này lại không có gì khác ngoài tâm tự lợi, ý đồ vì danh văn lợi dưỡng, vì tự tư tự lợi của chính mình, đương nhiên nếu làm như vậy thì đã mất đi hiếu đạo.

Thầy cô cũng giống như cha mẹ chúng ta vậy. Nếu chúng ta làm những việc trái với lời dạy bảo của thầy cô giáo thì chẳng phải cũng giống như tự ý làm việc trái với ý nguyện của cha mẹ hay sao? Do vậy từ điều này chúng ta có thể mở rộng ra, hễ là vì ý niệm tự tư tự lợi của chính mình mà tự ý làm những việc trái với ý nguyện của cha mẹ, trái với lời dạy bảo của thầy cô giáo, nếu làm như vậy thì bạn đã làm thương tổn đến đạo hiếu rồi. Điều mà cha mẹ và thầy cô giáo hy vọng đều là mong muốn chúng ta có thể làm một người chánh nhân quân tử, thậm chí hy vọng đời này chúng ta có thể thành Thánh thành Hiền. Nếu chúng ta không lấy mục tiêu này làm phương hướng cho cuộc đời mình mà ngược lại thuận theo ham muốn cá nhân để làm việc, như vậy thì thật sự đã làm mất đi hiếu đạo, tổn giảm đạo đức. Cho nên bất luận việc lớn nhỏ đều phải cẩn thận.

Bạn xem người học Nho có nguyên tắc “Bốn không” để tu thân. Đây là điều mà đệ tử của Khổng Tử là Nhan Hồi cả đời hành trì, gọi là: “Phi lễ không nhìn. Phi lễ không nghe. Phi lễ không nói. Phi lễ không làm”. Những việc, những hành vi không phù hợp với tiêu chuẩn lễ nghi, không có đạo đức thì chúng ta không nhìn, không nghe, càng không được nói và làm. Cho dù chuyện này rất nhỏ, vấn đề rất nhỏ thì chúng ta cũng phải thận trọng không được làm trái với tiêu chuẩn lễ nghi. Chân thật dụng công tu dưỡng bản thân từ những việc nhỏ nhặt trong cuộc sống thường ngày thì lâu ngày dày tháng công phu sẽ có thể đắc lực.

Bạn xem “Tịnh Hạnh Phẩm” trong "Kinh Hoa Nghiêm", Bồ Tát mỗi ngày đều tu dưỡng tâm Bồ Đề của mình trong cuộc sống thường ngày. Từ sáng thức dậy rửa mặt, súc miệng, mặc áo ăn cơm, thậm chí là đi vệ sinh, cho dù là trong những chuyện nhỏ các Ngài cũng có thể tu dưỡng tâm Bồ Đề của mình. Các Ngài đại từ đại bi, mọi việc đều tâm tâm niệm niệm mong muốn chúng sanh phá mê khai ngộ, lìa khổ được vui. Cho nên đức lớn được tu như thế nào? Đức lớn chân thật đều được dưỡng thành từ việc không tùy tiện trong những việc nhỏ. Chúng ta xem câu tiếp theo:

Vật tuy nhỏ, chớ cất riêng; Nếu cất riêng, cha mẹ buồn

Ý nói phận làm con cái không được cất giấu đồ vật cho riêng mình. Trước khi trưởng thành, con cái sống cùng cha mẹ, là một thể với cha mẹ thì làm sao có thể khởi lên tâm tự lợi, cất giấu đồ vật cho riêng mình được chứ? Cho dù vật này rất nhỏ, nếu khởi một niệm tư tâm muốn giấu đi không để cha mẹ biết thì tâm này đã ngăn cách với cha mẹ rồi, hiếu đạo đã bị phá hoại. Cho nên đồ vật mặc dù rất nhỏ, sự việc mặc dù rất nhỏ nhưng vấn đề này lại không hề nhỏ. Khi tâm tự lợi của chúng ta khởi lên thì hiếu đạo đã bị thương tổn rồi. Nếu cha mẹ biết chúng ta cất giấu đồ vật thì họ sẽ rất đau lòng, họ sẽ rất đau buồn. Không phải vì bạn lấy đồ mang đi mà là vì bạn có tư tâm, bạn không xem cha mẹ là một thể, nên họ sẽ đau lòng, sẽ buồn lòng. Là con cái, thân thể của chúng ta từ đâu sanh ra? Đó là do cha mẹ sanh ra và nuôi dưỡng mới có. Chúng ta vốn dĩ là một phần của cha mẹ. Bây giờ chúng ta lại khởi tư tâm cất giấu đồ vật cho riêng mình, xem cha mẹ là người ngoài, như vậy thì làm sao không khiến cha mẹ đau lòng được chứ? Cho nên từ nhỏ nên dưỡng thành một quan niệm nơi nơi đều cùng một thể với cha mẹ. Cha mẹ dạy bảo con trẻ cũng cần bắt đầu dạy từ đây.

/ 12