/ 12
276

CHỦ ĐỀ THẾ GIỚI HÀI HÒA THUẦN THIỆN, THUẦN TỊNH

CÁI GỐC CỦA TU ĐỨC LẬP NGHIỆP

CHIA SẺ TÂM ĐẮC HỌC TẬP “ĐỆ TỬ QUY”

Tập 3

Tiến sĩ Chung Mậu Sâm chủ giảng, ngày 1 tháng 3 năm 2007

Tại Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà HồngKong.

Các vị Đại đức đồng tu tôn kính, các vị bằng hữu xin chào mọi người!

Hôm qua, chúng ta bắt đầu học tập "Đệ Tử Quy". Sư phụ thượng nhân đã chỉ rõ cho chúng ta "Đệ Tử Quy" là khóa trình căn bản của người học Phật, nhất định phải thực hiện "Đệ Tử Quy" được 100% thì đạo nghiệp của chúng ta mới có thể thành tựu. Sư phụ thượng nhân còn nói "Đệ Tử Quy" và "Kinh Hoa Nghiêm" là không hai không khác, cho nên hôm qua chúng ta đã dùng phương pháp mở đầu thập môn của "Kinh Hoa Nghiêm" để học tập "Đệ Tử Quy". Từ cách học này thì thấy quả nhiên "Đệ Tử Quy" cũng có đầy đủ cảnh giới của "Kinh Hoa Nghiêm", thật sự là “một tức là tất cả, tất cả tức là một”. Nguyên tắc của từng điều nói trong "Đệ Tử Quy" đều có thể tương ứng với "Kinh Hoa Nghiêm", người kiến thức sâu rộng thì thấy rất sâu, người kiến thức nông cạn thì thấy rất cạn cợt. Nhưng cạn sâu đồng thời, cạn sâu không hai, từ cạn chúng ta cố gắng tu học thì cũng có thể ngộ nhập vào cảnh giới thâm sâu.

Hôm qua chúng tôi bắt đầu giảng phần cương lĩnh của "Đệ Tử Quy", giảng xong thì sang chương một “Nhập tắc hiếu”. Hôm nay chúng ta tiếp tục học “Nhập tắc hiếu”. Từ việc học tập này chúng ta phải biết mục đích chúng ta học tập là vì xây dựng nền tảng sâu dày cho việc học Phật, như vậy thì việc tu học đạo nghiệp mới có thể thuận buồm xuôi gió.

Chúng ta xem câu thứ tư trong “Nhập tắc hiếu”: “Cha mẹ trách, phải thừa nhận”. Giải thích trên mặt chữ là khi cha mẹ trách mắng thì chúng ta phải có thể tiếp nhận, có thể cố gắng phản tỉnh bản thân, thừa nhận sai lầm, có thì sửa, không thì khích lệ. Dùng thái độ như vậy để tiếp nhận sự phê bình, trách mắng của cha mẹ, đó chính là một cách thể hiện tâm hiếu. Nếu cha mẹ trách mắng nhưng tâm chúng ta không thoải mái thậm chí còn mang tâm oán trách cha mẹ, vậy thì hoàn toàn trái ngược với tâm hiếu. Chúng ta phải biết, nếu cha mẹ trách mắng chúng ta là đúng thì đương nhiên càng phải thừa nhận, bản thân cần phản tỉnh sửa sai. Bởi vì cha mẹ lớn hơn chúng ta mấy chục tuổi, kinh nghiệm từng trải cuộc đời rất nhiều, cho nên sự trách mắng của họ nhất định có đạo lý, do vậy chúng ta cần khiêm tốn tiếp nhận. Nếu sự trách mắng của cha mẹ là sai lầm, không đúng thì chúng ta vẫn phải thừa nhận. Bởi vì nếu cha mẹ nói không đúng, chúng ta biết cha mẹ nói sai, trong tâm chúng ta biết rõ là được rồi, sau này cần chú ý đề phòng không để phạm lỗi như vậy nữa. Nếu bản thân không có lỗi, vậy phải làm thế nào để không khó chịu, thậm chí là không oán giận cha mẹ? Cha mẹ trách mắng, thậm chí đánh chúng ta chính là tiêu nghiệp chướng cho chúng ta đấy.

Mẹ tôi thường nói với tôi rằng: “Trên thế giới này chẳng có ai có thể thật lòng phê bình góp ý cho con như vậy, thật sự [chỉ có] cha mẹ yêu thương con cái mới yêu cầu nghiêm khắc với con”. Cho nên mẹ tôi rất có trí huệ, bà biết dạy dỗ tôi không thể dùng cách nuông chiều, không chỉ bà yêu cầu tôi rất nghiêm khắc hơn nữa nếu có thầy cô giáo, thậm chí người ngoài phê bình, yêu cầu nghiêm khắc đối với tôi thì trong tâm mẹ tôi không những không có chút khó chịu nào mà bà còn tùy thuận, tán thành ý kiến của họ.

Sau khi tôi trưởng thành thì mẹ nói với tôi rằng: Lúc nhỏ tôi học ở trường mầm non, tôi ở nội trú trong trường mầm non, một tuần ở trường sáu ngày, Chủ Nhật mới trở về nhà. Mỗi cuối tuần khi mẹ tôi đến trường mầm non đón tôi về thì cô giáo của tôi luôn phàn nàn với mẹ tôi rằng: “Đứa con này của chị rất nghịch ngợm, phá phách, thường không giữ kỷ luật.” Bởi vì lúc nhỏ tôi thích chơi, hiếu động cho nên khiến cô giáo phải hao tâm tổn trí rất nhiều. Kết quả, mẹ tôi nói với cô giáo rằng: “Nếu như Mậu Sâm vi phạm kỷ luật thì xin cô hãy yêu cầu nó nghiêm túc, nghiêm khắc, thậm chí cô có thể mắng nó, đánh nó cũng không sao cả.” Bạn xem mẹ tôi đã trao quyền lực này cho cô giáo, sau này cô giáo có yêu cầu nghiêm khắc đối với tôi thì tôi cũng không còn cách gì khác, bởi vì mẹ tôi đã chặn hết đường rút lui của tôi rồi.

Không giống một số phụ huynh hiện nay, nếu như ở trường con cái mình không nghe lời, thầy cô có chút nghiêm khắc phê bình, học sinh này về nhà vừa nói với cha mẹ, thì cha mẹ liền đến trường nói lý lẽ với thầy cô, thậm chí còn kiện cáo thầy cô, nghe nói có người còn uy hiếp thầy cô giáo, như vậy thì thầy cô giáo làm sao có thể nghiêm túc dạy dỗ học sinh được? Cho nên cách dạy này của mẹ tôi rất có trí tuệ. Mặc dù tôi là con một nhưng thực sự bà chưa bao giờ nuông chiều tôi, do vậy tôi mới có ngày hôm nay. Thông thường những người cùng trang lứa thấy tôi dường như rất có thành tựu, hơn 30 tuổi làm giáo sư trong trường đại học, xem ra cũng rất tốt. Sở dĩ tôi có ngày hôm nay thực sự là nhờ sự giáo dục rất trí tuệ đó của cha mẹ.

/ 12