553

CHỦ ĐỀ THẾ GIỚI HÀI HÒA THUẦN THIỆN, THUẦN TỊNH

CÁI GỐC CỦA TU ĐỨC LẬP NGHIỆP

CHIA SẺ TÂM ĐẮC HỌC TẬP “ĐỆ TỬ QUY”

Tập 2

Tiến sĩ Chung Mậu Sâm chủ giảng, ngày 28 tháng 2 năm 2007.

Tại Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà Hồng Kông.

Các vị Đại đức đồng tu tôn kính, các vị bằng hữu xin chào mọi người!

Chúng ta tiếp tục thảo luận "Đệ Tử Quy". Hôm nay, chúng tôi chủ yếu giảng về phần huyền nghĩa của "Đệ Tử Quy", xem như là phần báo cáo tâm đắc học tập "Đệ Tử Quy" của chính tôi. Tôi dùng phần mở đầu thập môn của "Kinh Hoa Nghiêm" để giải thích "Đệ Tử Quy". Mục đích có thể nói là dùng một chút kiến giải thiển cận của bản thân hy vọng chứng minh "Đệ Tử Quy" xác thực có cảnh giới của “Hoa Nghiêm”, chứng minh lời của lão Pháp sư nói "Đệ Tử Quy" và “Hoa Nghiêm” không phải là hai, mà nó là căn bản để học tập “Hoa Nghiêm”, vào Phật đạo. Đây là cách nhìn của người học “người nhân thấy điều nhân, người trí thấy điều trí”.

Trong “Di Đà Kinh Yếu Giải” của Ngẫu Ích Đại sư có nói “nhìn ngang thì là dãy núi, nhìn nghiêng thì là đỉnh núi”. Bạn nhìn "Đệ Tử Quy" như thế nào? Mỗi người đều có thể hội tâm đắc riêng. Hôm nay tôi hy vọng từ góc độ của “Hoa Nghiêm”, từ góc độ của người học Phật để học tập, hy vọng có thể cung cấp một chút tài liệu tham khảo cho những người đời này thực sự muốn tu hành.

Chúng ta xem phần mở đầu thập môn “Hoa Nghiêm”, thứ sáu là “Tạng giáo sở nhiếp”. Trong này kỳ thực là nói thông thường Kinh Điển đều thuộc một trong Tam Tạng. Tam Tạng là chỉ Kinh, Luật, Luận. Kinh là chỉ giáo huấn của Phật, Ngài trực tiếp giảng nói, đây là Kinh. Luật là chỉ quy phạm trong cuộc sống, giới luật do Phật quy định, đó đều là những hành vi quy phạm mà đệ tử Phật phải tuân thủ. Luận là tác phẩm nghiên cứu của một số Tổ sư Đại đức khi đọc Kinh có những tâm đắc thể hội viết ra. Kinh Luật Luận thường là để phân biệt Phật Kinh hay là Phật Luận, đây là phương pháp phân loại cơ bản. Trong Kinh Luận thì "Đệ Tử Quy" nên xếp vào loại nào? Gọi là “Tạng giáo sở nhiếp”, tức là ở trong Kinh Luận nó xếp ở vị trí nào?

Đương nhiên "Đệ Tử Quy" không thuộc Kinh Phật, không thể quy nó vào Kinh Luật Luận của Phật giáo. Nhưng nếu nói nó tương thông và có chỗ giống với Kinh Luật Luận thì có thể đem "Đệ Tử Quy" quy về Luật. Gọi là Luật vì đó là những quy phạm trong cuộc sống do Phật chế định ra, "Đệ Tử Quy" cũng là những quy phạm trong cuộc sống do Thánh nhân của chúng ta chế định ra, chúng ta nên tuân thủ. Phải biết Phật chế định ra giới luật là Ngài muốn người tu hành thông qua việc tu trì giới luật có thể quay về tự tánh của Thánh nhân và Phật. Cho nên giới luật là hành vi của một người chứng nhập Phật tánh tự nhiên làm ra, đó chính là giới luật.

Người chưa chứng nhập Phật tánh thì họ dùng giới luật để tu học, như vậy họ cũng có thể chứng được Phật tánh. Cùng đạo lý như vậy có thể biết "Đệ Tử Quy" cũng là như vậy. "Đệ Tử Quy”, “Thánh nhân huấn", lời giáo huấn của Thánh nhân là quy phạm đời sống của các bậc Thánh nhân. Cho nên thông qua tu trì "Đệ Tử Quy" cũng sẽ có một ngày chúng ta trở thành Thánh nhân.

Trong phán giáo, Hiền Thủ Đại sư là một học giả “Hoa Nghiêm” nổi tiếng trong lịch sử. Thông thường Ngài chia phán giáo thành năm phần là: Tiểu, Thủy, Chung, Đốn, Viên. Ở đây chúng ta không triển khai năm loại giáo này. Trên thực tế năm loại giáo này chính là những Kinh Điển mà Phật đã nói, có thể dựa vào năm phương diện này để phân loại.

Phần đầu tiên gọi là Tiểu thừa, những Kinh giáo Tiểu thừa. Cuối cùng là Viên Giáo, như “Hoa Nghiêm”, “Pháp Hoa” là thuộc về Viên Giáo, tức là một đời viên thành Phật đạo. "Kinh Vô Lượng Thọ", “Kinh A Di Đà” cũng thuộc về Viên Giáo. Nếu đặt "Đệ Tử Quy" vào trong Ngũ giáo để xem thì trên thực tế nó là căn bản của Ngũ giáo.

Phần đầu tiên là Tiểu thừa, mục tiêu của Tiểu thừa là liễu thoát sanh tử, chứng A La Hán, nhất định phải lấy "Đệ Tử Quy" làm quy phạm căn bản. Vì một vị A La Hán nhất định phải làm tốt, làm viên mãn "Đệ Tử Quy". Cuối cùng là Đẳng Giác Bồ Tát trong Viên Giáo, lập tức thành Phật rồi mà các Ngài cũng phải làm viên mãn "Đệ Tử Quy", thực hành được một trăm phần trăm. Cho nên thông qua tu học "Đệ Tử Quy" chính là nhập môn tu học Phật đạo, điều này vô cùng quan trọng. Vì vậy trong Kinh Giáo "Đệ Tử Quy" xếp ở vị trí nào? Nó là cơ sở của Ngũ giáo. Những sự lý trong cuộc sống mà nó giảng nói cũng thông với Ngũ giáo, đã là cơ sở lại thông Ngũ giáo thì có thể thấy đây là khóa trình bắt buộc để vào cửa Phật.