/ 12
821

CHỦ ĐỀ THẾ GIỚI HÀI HÒA THUẦN THIỆN, THUẦN TỊNH

CÁI GỐC CỦA TU ĐỨC LẬP NGHIỆP

CHIA SẺ TÂM ĐẮC HỌC TẬP “ĐỆ TỬ QUY”

Tập 1

Tiến sĩ Chung Mậu Sâm chủ giảng, ngày 28 tháng 2 năm 2007

Tại Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà Hồng Kông.

Các vị Đại đức đồng tu tôn kính, các vị bằng hữu xin chào mọi người!

Hôm nay, chúng ta cùng nhau học tập “Đệ Tử Quy”. "Đệ Tử Quy" là một bộ tài liệu dạy người làm thế nào để rèn luyện đức hạnh. Mọi người đều hy vọng đời này thành tựu được phẩm hạnh tốt; Đạt được nhân sanh hạnh phúc; Đạt được sự nghiệp thành công. Người muốn học Phật thì hy vọng đời này thành Thánh thành Hiền làm Phật làm Bồ Tát. Vậy "Đệ Tử Quy" chính là căn bản nhập môn tốt nhất.

Rất nhiều người nói "Đệ Tử Quy" là để trẻ nhỏ học, nhắc đến "Đệ Tử Quy" thì có chút tâm ý coi thường. Họ cho rằng mình đã khôn lớn trưởng thành rồi nên không cần học "Đệ Tử Quy". Nhưng bạn phải biết rằng "Đệ Tử Quy" không phải chỉ để cho trẻ nhỏ học mà người lớn, cha mẹ càng cần phải học. Không chỉ người lớn học mà chúng ta mong muốn học Phật có thành tựu, người niệm Phật muốn vãng sanh Tây Phương Cực Lạc Thế Giới thì cái gốc này nhất định phải cắm cho tốt. Cho nên ở đây chúng ta phải đứng ở góc độ của người lớn để học tập "Đệ Tử Quy", đứng từ góc độ người học Phật cần nghiên cứu "Đệ Tử Quy" như thế nào để thực hành cái gốc này vào trong Phật Pháp. Vì vậy, buổi thảo luận của chúng tôi lấy tiêu đề là “Cái gốc của tu đức lập nghiệp”.

Tu đức không chỉ là chúng ta muốn đời này thành tựu phẩm hạnh của một chánh nhân quân tử, mà chân thực muốn học Phật, thành tựu đức hạnh lớn của Phật Bồ Tát thì cũng nhất định phải bắt đầu từ "Đệ Tử Quy". Lập nghiệp cũng như vậy, người thế gian hy vọng sự nghiệp thành công, cuộc sống hạnh phúc, thành gia lập nghiệp, nếu không thực hành "Đệ Tử Quy" thì cũng không đạt được gì. Người học Phật muốn thành tựu đạo nghiệp cũng phải bắt tay từ "Đệ Tử Quy". Hiện nay, Sư phụ thượng nhân lão Hòa thượng Tịnh Không của chúng ta đang giảng “Kinh Hoa Nghiêm” ở HongKong, thời gian trước lúc giảng Kinh Ngài đã nói không thể xem thường "Đệ Tử Quy". "Đệ Tử Quy"là căn bản để đi vào “Hoa Nghiêm”, "Đệ Tử Quy" và “Kinh Hoa Nghiêm”, “Kinh Vô Lượng Thọ” là không hai không khác. Sư phụ thượng nhân nói lời này chứng minh "Đệ Tử Quy" vô cùng quan trọng.

Có lẽ bạn nghe lời này có chút không phục, "Đệ Tử Quy" là để cho trẻ nhỏ học, có thể học tập thì gọi là “dạy dỗ trẻ nhỏ phẩm hạnh thuần chánh thì đây là một sự nghiệp thần thánh”. Trẻ nhỏ dùng "Đệ Tử Quy" để bồi dưỡng phẩm hạnh đoan chánh cho chính mình, cắm chắc cái gốc học vấn đạo đức, điều này có thể chấp nhận. Còn “Kinh Hoa Nghiêm” là Phật Pháp cao cấp, trong Phật Giáo là pháp môn Đại Thừa, là đỉnh cao trong Phật Pháp thì làm sao có thể xem tương đương với "Đệ Tử Quy" được?

Cái gọi là “Viên nhân thuyết pháp, vô pháp bất viên”, Sư phụ thượng nhân nói câu này là Ngài nói trong cảnh giới của Hoa Nghiêm. Cảnh giới Hoa Nghiêm nói rằng: “Một tức là tất cả, tất cả tức là một”. Những lời dạy trong "Đệ Tử Quy" đều là các hành vi trong đời sống thường ngày, nhưng bên trong nó cũng bao hàm đạo lý thâm áo của Hoa Nghiêm. Chỉ là người học chúng ta không hiểu để thâm nhập, không biết ở ngay trong đời sống thường ngày ngộ ra đạo lý này, không biết khéo dùng tâm nên mới xem thường "Đệ Tử Quy".

Bạn xem trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói có mười huyền môn, trong mười huyền môn có một cái gọi là “Đồng thời cụ túc tương ưng môn”. Nói cách khác, nghĩa lý nói trong "Đệ Tử Quy" cũng đồng thời đầy đủ như nghĩa lý trong Phật Pháp Nhất Thừa.

Ví dụ một câu trong "Đệ Tử Quy" “Cha mẹ gọi, trả lời ngay”. Cha mẹ đại biểu cho ai? Họ đại biểu cho hết thảy chúng sanh, trong Phật Pháp nói “Hết thảy người nam là cha ta, hết thảy người nữ là mẹ ta”, cho nên đối với tiếng gọi của hết thảy chúng sanh, chúng ta đều không nên chậm trễ. Việc này ai có thể làm được? Đẳng Giác Bồ Tát mới có thể làm được. Bạn xem ba mươi hai ứng thân của Quán Thế Âm Bồ Tát, nên dùng thân gì để độ thì Ngài liền hiện thân đó để thuyết pháp, nếu có tai nạn nguy cấp, khủng bố thì Ngài lập tức hiện thân giúp bạn được giải thoát, đây mới gọi là “trả lời ngay”.

Nhìn từ góc độ này thì đích thực nghĩa lý trong "Đệ Tử Quy" và “Kinh Hoa Nghiêm” là tương thông. Vả lại, những nghĩa lý được nói trong "Đệ Tử Quy" đều lưu xuất từ tánh đức của tự tánh, tự tánh này mọi người đều đầy đủ, tánh đức này ai ai cũng đều có. Đạo đức, phẩm hạnh được nói trong "Đệ Tử Quy" mọi người đều vốn sẵn có, hiện tại do mê hoặc điên đảo nên mới mê mất. Cho nên muốn hồi phục tự tánh của chúng ta thì phải thông qua tu trì những tánh đức này, để những tánh đức này trở thành quy phạm hành vi trong đời sống thường ngày của chúng ta, như vậy mới có thể hồi phục tự tánh.

/ 12