/ 12
264

CHỦ ĐỀ THẾ GIỚI HÀI HÒA THUẦN THIỆN, THUẦN TỊNH

CÁI GỐC CỦA TU ĐỨC LẬP NGHIỆP

CHIA SẺ TÂM ĐẮC HỌC TẬP “ĐỆ TỬ QUY”

Tập 11

Tiến sĩ Chung Mậu Sâm chủ giảng, ngày 6 tháng 3 năm 2007

Tại Hiệp Hội Giáo Dục Phật Đà Hồng Kông.

Các vị Đại đức đồng tu tôn kính, các vị bằng hữu, xin chào mọi người!

Hôm nay, là ngày cuối cùng chúng ta cùng nhau học tập "Đệ Tử Quy". Hôm qua chúng tôi đã giảng đến chương thứ năm “Phiếm ái chúng”, chúng ta xem điều thứ mười ba:

“Khen người thiện, tức là tốt. Người biết được, càng tốt hơn”

Câu này ý nói khi chúng ta nhìn thấy chỗ thiện lành của người khác, họ có ưu điểm, có điểm tốt thì chúng ta nhất định phải tán thán. Vì sao phải tán thán vậy? Vì khi chúng ta tán thán ưu điểm của họ thì đó chính là sự khích lệ đối với người đó. Khi họ biết bạn đang khích lệ họ thì “người biết được, càng tốt hơn”. Họ nghe thấy bạn tán thán như vậy thì họ sẽ càng nỗ lực tinh tấn hơn, phát huy hơn nữa những điều thiện, những ưu điểm của mình. Cho nên, đây là một sự khích lệ đối với họ.

Đối với bản thân ta thì cũng là một sự khích lệ, nhìn thấy có người thiện thì nên học theo. Đồng thời cũng là khuyến khích đại chúng, để mọi người nhìn thấy người này có điểm tốt, có ưu điểm, họ được nhiều người tán thán cung kính như vậy khiến đại chúng đều sanh khởi tâm ngưỡng mộ muốn học theo, từ đó càng cố gắng noi gương theo.

Trong Phật giáo cũng đề xướng “Xưng tán Như Lai”. Như Lai ở đây là chỉ tánh đức của tự tánh. Tự tánh của mỗi người đều đầy đủ, không phải nói của tôi nhiều hơn một chút. Nếu mỗi người đều đầy đủ, mỗi người đều có tánh đức vậy tại sao còn phải tán thán tánh đức của các Ngài chứ? Đó là do mặc dù nói tánh đức của chúng ta vốn có, nhưng tánh đức của chúng ta bị tập khí phiền não của chính mình ngăn che không thể hiển lộ ra được. Cho nên chúng ta phải thông qua tu hành, dùng tu đức mới có thể hiển lộ tánh đức của chúng ta. Do vậy mới cần phải tán thán tánh đức. Thông qua tán thán mới giúp mọi người hiểu được cái gì là Thiện, cái gì là Ác, phát huy cái Thiện, trừ bỏ cái Ác, dần dần dùng tu đức để hồi phục lại tánh đức. Cho nên vì sao Phổ Hiền Bồ Tát lại muốn chúng ta “Xưng tán Như Lai”, chính là khích lệ chúng ta tu đức.

Chúng ta tán thán thì nhất định phải hiểu những điều tán thán nhất thiết phải tương ưng với tự tánh, cũng chính là nói cứ thuận theo đức này mà tu thì có thể kiến tánh. Chúng ta thấy trong Phật Pháp nói: “Ngũ giới, thập thiện”, “khen người thiện”, thiện đương nhiên có rất nhiều loại. Phật Pháp định nghĩa có mười loại, chính là: “không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không ỷ ngữ, không ác khẩu, không hai lưỡi, không tham, không sân, không si”. Trên phương diện thân khẩu ý không tạo những ác nghiệp này thì chính là Thiện. Thập thiện là thuận theo tánh đức, con người có thể thuận theo thập thiện mà tu thì họ có thể hồi phục lại tự tánh. Cho nên lão Pháp sư vô cùng chú trọng “Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo”, Ngài khuyên chúng ta nghiêm túc nỗ lực thực hành. Bởi vì mặc dù chúng ta học Đại thừa, học Tịnh Độ nhưng nếu không thực hiện được Thập thiện thì Đại thừa, Tịnh Độ của chúng ta cũng đều trở thành xây lầu cát trên không trung.

Ngoài tán thán Thập thiện ra chúng ta còn tán thán hạnh Phổ Hiền. Như hôm qua chúng ta đã nói đến Sư phụ thượng nhân. Sư phụ thượng bước sang năm nay là năm mươi năm giảng kinh thuyết pháp, đều là học theo Thích Ca Mâu Ni Phật, cả đời cần mẫn chăm chỉ, không mệt mỏi hoằng dương Phật Pháp. Bản thân Ngài giữ giới hạnh thanh tịnh, một lòng vì Phật Pháp, vì chúng sanh, không một chút tự tư tự lợi, những việc Sư phụ làm chính là hạnh Phổ Hiền. Chúng ta nhìn thấy công hạnh cả đời của Sư phụ, chúng ta càng xưng tán, càng tuyên dương thì đó gọi là “khen người thiện”. Khen người thiện, chúng ta tán thán như vậy thì chúng ta cũng là thiện, vì sao vậy? Bởi vì đây chính là học tập Phổ Hiền Bồ Tát “xưng tán Như Lai”, bản thân việc này chính là thiện. Cho nên, hy vọng mọi người đều có thể học tập Sư phụ thượng nhân.

Chúng ta giảng kinh hoằng pháp, đem pháp mà Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói tuyên dương với mọi người. Những điều mà Phật Pháp nói đều tương ưng với tánh đức. Cho nên, giảng Phật Pháp thậm chí là giảng những kinh điển thế gian như Khổng Mạnh, những kinh điển của Đạo gia đều tương ưng với thiện. Chúng ta giảng về những thứ đó “tức là tốt”. Hơn nữa chúng ta giảng những kinh sách đó chính là thiện trong thiện, vì sao vậy? Bởi vì trong Phật Pháp nói là Bố thí. Trong ba loại Bố thí có “Bố thí tài, Bố thí pháp, Bố thí vô úy” mà trong Bố thí thì công đức thù thắng nhất chính là tu Bố thí pháp.

/ 12