Trì giới là gốc
Tịnh độ là nơi quay về
Quán tâm là trọng yếu
Bạn lành là chốn nương tựa
SA-DI THẬP GIỚI OAI NGHI LỤC YẾU
Tập 6
Chủ giảng: Pháp sư Định Hoằng
Thời gian: 12/06/2016
Địa điểm: Chùa Giác Nguyên, Thành phố Sán Vĩ
Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu
Kính chào chư vị đại đức tỳ-kheo,chư vị sa-di, cư sĩ cùng chư vị đại tỷ ni sư, chư vị sa-di-ni và quý cư sĩ đang cùng xem trực tiếp ở trên mạng tôn kính, chúc mọi người buổi chiều tốt lành ! Mời để tay xuống !
Hôm nay, chúng ta sẽ chính thức bắt đầu học tập nội dung của 10 giới sa-di. Những buổi trước, cơ bản là giảng về đề kinh và nhân đề, cùng những phần trong lời nói đầu. 10 giới và 26 môn oai nghi của sa-di đều được đại sư Ngẫu Ích trích lục ra từ trong Luật tạng, không có điều nào là do ngài tự ý sáng tác ra cả, cho nên hoàn toàn là thuật lại mà không hề sáng tác.
“Thập giới môn” tổng cộng có 10 điều, chúng ta xem điều giới thứ nhất trước.
“Một là không sát sanh, phàm là loài có sanh mạng thì không được cố ý giết. Nếu tự mình giết, bảo người giết, phương tiện giết, dùng chú giết, phá thai, phá trứng, cho họ uống thuốc độc khiến họ mất mạng thì đều là tội sát. Nếu giết cha mẹ, A-la-hán, thánh nhân thì phạm tội nghịch phải đọa địa ngục A-tỳ. Nếu giết người thì phạm trọng tội, mất giới sa-di, không thể sám hối. Nếu giết trời rồng quỷ thần thì phạm tội bậc trung còn có thể sám hối, diệt được tội phạm giới nhưng không diệt được tánh tội, cuối cùng vẫn phải trả báo. Nếu giết súc sanh như sâu bọ, kiến, muỗi, rận v.v. thì phạm tội bậc hạ, cũng cho phép sám hối, diệt được tội phạm giới, còn tánh tội thì vẫn phải trả báo. Nếu giết người mà không chết thì phạm tội phương tiện bậc trung có thể sám hối. Nếu giết trời thần, súc sanh, côn trùng v.v. mà không chết thì đều phạm tội phương tiện bậc hạ có thể sám hối. Giúp người khác giết thì đều phạm tội căn bản. Giết người là trọng tội, giết trời v.v. là tội bậc trung, giết súc sanh v.v. là tội bậc hạ. Thấy giết mà hoan hỷ thì phạm tội phương tiện. Nếu thấy người giết thì nên tận sức cứu giúp, nếu không thể cứu thì nên khởi tâm từ bi niệm Phật trì chú cầu mong họ cởi bỏ oán kết, vĩnh viễn đoạn trừ duyên ác.”
Đoạn lớn này chính là nói rõ về giới “không sát sanh”.
Nếu chúng ta giảng về những giới điều này thì trước hết cần giải thích một chút về kết cấu của cách giảng giải. Mọi người hiểu rõ kết cấu này rồi, giống như đặt công thức vậy, bạn sẽ có một khái niệm logic rất rõ ràng. Ngũ giới điều phía trước chính là giết - trộm - dâm - dối - rượu. Những điều này giống với ngũ giới của cư sĩ. Chúng ta cần giải thích tỉ mỉ, do đó chia thành bảy khoa để giải thích.
Khoa thứ nhất là tổng thuyết đề nghĩa, tức là giải thích tên của giới điều này, chính là không sát sanh. Thứ hai là tùy văn thích, nghĩa là căn cứ theo những văn tự vừa đọc để giải thích nghĩa lý bên trong của nó. Thứ ba là cụ duyên thành phạm, xem giới điều này có bao nhiêu duyên, tức là có đủ bao nhiêu điều kiện thì sẽ cấu thành việc phạm giới. Thứ tư là phạm sát xử đoạn, phạm giới sát này, bao gồm phạm điều giới này cũng như phạm các giới giết, trộm, dâm, dối, rượu ở phía sau, thì xử trí và phán xét thế nào, là phạm tội nặng hay tội nhẹ, là tội căn bản, hay là tội phương tiện v.v.. Thứ năm là tiêu cảnh tưởng, là cảnh giới phạm giới này, còn có tâm tưởng của chúng ta, trong này có một số trường hợp không giống nhau, phải nói rõ ràng những điều này, có thể dùng để phán đoán mức độ phạm giới nặng hay nhẹ. Thứ sáu là minh khai duyên. Mỗi một giới điều đều có khai duyên, tức là trường hợp không phạm.Thứ bảy là dị thục quả báo, cũng chính là nói đến nhân quả của phạm giới sát, những hậu quả của nó v.v..
Trước tiên chúng ta giảng khoa thứ nhất là tổng thuyết đề nghĩa. Tổng thuyết đề nghĩa, chúng ta cũng chia làm ba khoa nhỏ để nói rõ. Thứ nhất là giải thích sơ lược tên đề, thứ hai là ý nghĩa chế giới, thứ ba là hai nghiệp tánh già. Trước tiên giảng “giải thích sơ lược tên đề”. Tên đề này có ba chữ là “không sát sanh”. Phía trước có số “một”, một là không sát sanh. một tức là số mục sắp xếp thứ tự, nên không cần giải thích nữa. Sát sanh tức là nói cảnh giới mà sa-di phạm giới, cũng chính là tội đã phạm. Phía trước thêm chữ “không”, có nghĩa là cấm, có thể đối trị được hành vi phạm giới này thì chính là không. Hành vi có thể đối trị này cùng với tội lỗi được đối trị, năng và sở gộp lại thì gọi là không sát sanh.