/ 30
126

Trì giới là gốc

Tịnh độ là nơi quay về

Quán tâm là trọng yếu

Bạn lành là chốn nương tựa

 

SA-DI THẬP GIỚI OAI NGHI LỤC YẾU

Tập 5

Chủ giảng: Pháp sư Định Hoằng

Thời gian: 31/05/2016

Địa điểm: Chùa Giác Nguyên, thành phố Sán Vĩ

Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu


Kính chào chư vị đại đức tỳ-kheo, chư vị sa-di, chư vị đại tỷ ni sư, chư vị cư sĩ đang xem trực tiếp ở trên mạng tôn kính, chúc mọi người buổi chiều tốt lành! A Di Đà Phật, mời để tay xuống.

Chúng ta tiếp tục học tập lời nói đầu trong “Sa-di thập giới oai nghi lục yếu” của đại sư Ngẫu Ích. Hôm qua đã giảng xong về năm đức của sa-di và đoạn văn nói trong sách “Truy Môn Cảnh Huấn”: “Ngũ đức ấy là điều quan trọng nhất của người xuất gia, năm chúng đều phải phụng hành, không phải chỉ có chúng nhỏ. Phụng hành cả đời chứ không phải chỉ lúc mới thọ”. Hôm nay, chúng ta bắt đầu từ đoạn: “Trong Đại tạng kinh có bộ Pháp Thập Giới Và Oai Nghi”, bắt đầu giảng từ đây:

“Trong Đại tạng kinh có bộ Pháp Thập Giới Và Oai Nghi đã mất tên người dịch, phần lớn lời văn rườm rà sai sót. Bộ Ba Ngàn Oai Nghi Của Đại Tỳ-kheo cũng mất tên người dịch. Bộ Nam Sơn Hành Hộ Oai Nghi phần nhiều nói về việc của đại tỳ-kheo. Đời gần đây có bộ Sa-di Thành Phạm thì bịa đặt trái với luật nên không thể tuân theo. Bộ Bách Trượng Thanh Quy thì đời nhà Nguyên bị trụ trì có tri kiến thế tục xuyên tạc càng đáng nhục nhã hơn. Riêng bộ Luật Nghi Yếu Lược của đại sư Vân Thê thì có phần cân nhắc hơn, có thể khế hợp với căn cơ [của chúng sanh] thời đại này, nhưng các pháp khai già, nặng nhẹ, sám hối vẫn chưa được rõ ràng. Nay tôi bất đắc dĩ chủ yếu biên soạn lại, y theo đó chia thành hai môn thập giới và oai nghi. Còn về pháp truyền giới là việc của đại tăng, nên ở đây không trích dẫn ra”.

Đây là đoạn văn cuối cùng trong lời nói đầu.

“Tạng trung” tức là trong Đại tạng kinh có một bộ sách gọi là “Pháp Thập Giới Và Oai Nghi”, đã mất tên người dịch, không biết ai là người dịch. Nó được đính kèm ở trong sách “Đông Tấn Lục”, nhưng ở đây đại sư Ngẫu Ích nói rằng “phần lớn lời văn rườm rà sai sót”, câu chữ phần nhiều rườm rà trùng lặp, hơn nữa có rất nhiều sai sót, do đó không thể tuân hành theo. Tiếp theo bộ “Ba Ngàn Oai Nghi Của Đại Tỳ-Kheo”, bộ kinh này cũng mất tên người dịch, ai là người phiên dịch, cũng mất tên người này rồi, cũng tức là nói bộ này có thể làm tham khảo, nhưng mức độ căn cứ thì bên trong có phần phóng đại. Tiếp theo là “Bộ Nam Sơn Hành Hộ Oai Nghi phần nhiều nói về việc của đại tỳ-kheo”, đây là bộ sách do Luật tổ Đạo Tuyên trước tác. Bên trong quả thực cũng có rất nhiều oai nghi mà tỳ-kheo cần có đủ, có thể cùng tham khảo với bộ kinh “Ba Ngàn Oai Nghi Của Đại Tỳ-Kheo”. Nhưng bộ Nam Sơn Hành Hộ Oai Nghi có rất nhiều sự việc thuộc về đại tỳ-kheo, sa-di cũng không cần thiết phải học trước, cho nên cũng không thể hoàn toàn dùng làm tài liệu cho sa-di được, nhưng có thể làm tài liệu cho những tỳ-kheo mới thọ giới, hoặc những người trước đây chưa được đào tạo thành sa-di một cách hệ thống mà đã thọ giới tỳ-kheo rồi, vậy thì bộ Nam Sơn Hành Hộ Oai Nghi thật sự là một bộ sách rất hay.

Tiếp theo là “thời gần đây có bộ Sa-di Thành Phạm”, bộ sách thời gần đây gọi là Sa-di Thành Phạm, bên trong có rất nhiều chỗ là “bịa đặt trái với luật”. Cho nên, đại sư Ngẫu Ích không hề khách sáo, y pháp không y nhân, có thế nào nói thế đó,giới luật thì phải hoàn toàn như pháp, vì bên trong không như pháp nên ngài cũng chẳng nể tình, mà thẳng thắn nói rằng bên trong có rất nhiều lời bịa đặt, tức là người biên tập dùng tư tâm của mình, suy đoán chủ quan rồi sáng tác ra, không có căn cứ, trái ngược với lời thánh ngôn lượng trong luật điển, cho nên “không thể tuân hành theo”.

Tiếp theo lại nói “Bách Trượng Thanh Quy”, bộ này trong Đại tạng có hai quyển, cũng gọi là “Sắc Tu Bách Trượng Thanh Quy”. Nguyên bản là thiền sư Bách Trượng Hoài Hải thời nhà Đường chế định ra thanh quy trong tòng lâm, nhưng đến triều nhà Tống thì nguyên bản này đã thất lạc rồi, vô cùng đáng tiếc. Vào triều nhà Nguyên có một số tăng nhân phụng mệnh Thuận Đế triều nhà Nguyên đã chọn dùng trước tác của đại sư Tông Trách Từ Giác. Ngài là một vị tổ sư của Tịnh độ tông và Vân môn tông triều nhà Tống. Họ lấy bộ “Thiền Uyển Thanh Quy” của ngài và bộ “Tòng Lâm Hiệu Định Thanh Quy” của pháp sư Duy Miễn v.v. làm mẫu, rồi biên tập lại thành bộ sách này, gọi là “Bách Trượng Thanh Quy”. Nhưng trong này đại sư Ngẫu Ích chỉ ra có rất nhiều nội dung gán ghép xuyên tạc, tức là trái ngược với nghĩa lý, tùy tiện khiên cưỡng gán ghép vào.

/ 30