Trì giới là gốc
Tịnh độ là nơi quay về
Quán tâm là trọng yếu
Bạn lành là chốn nương tựa
SA-DI THẬP GIỚI OAI NGHI LỤC YẾU
Tập 7
Chủ giảng: Pháp sư Định Hoằng
Thời gian: 13/06/2016
Địa điểm: Chùa Giác Nguyên, thành phố Sán Vĩ
Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu
Kính chào chư vị đại đức tỳ-kheo, chư vị sa-di, cư sĩ và các bậc thiện tri thức đang xem trực tiếp tại hiện trường tôn kính, chúc mọi người buổi chiều tốt lành !
Mời mở kinh sách, chúng ta tiếp tục xem điều giới thứ nhất “không sát sanh”. Đoạn văn nói về điều giới này là đại sư Ngẫu Ích trích lục ra từ trong Luật tạng. Buổi trước chúng ta nói đến:
“Nếu giết người thì phạm trọng tội, mất giới sa-di, không thể sám hối.”
Đây là nói đến trường hợp phạm giới trọng căn bản. “Phạm trọng tội”, trong ngũ giới, bát quan trai giới cũng gọi là tội bậc thượng, tức là trọng tội. Trong giới Bồ-tát thì gọi là “tội ba-la-di”. Ba-la-di là chỉ tội chặt đầu, giống như người bị chặt đầu vậy, không thể sống lại được. Trong giới sa-di dùng trọng tội để nói. Gọi là “không thể sám hối” nghĩa là tác pháp sám hối trong giới pháp Thanh văn Tiểu thừa thì không thể thanh tịnh được. Trong pháp môn Đại thừa có thể lạy Thủ Tướng Sám, thậm chí Vô Sanh Sám thì có thể sám hối được.
Tiêu chuẩn của Thủ Tướng Sám là lạy sám. Căn cứ theo nghi thức bái sám của Đại thừa mà thấy được tướng lành, như tướng lành thông thường là chỉ [cho việc] thấy ánh sáng, thấy hoa hoặc thấy Phật đến xoa đảnh, thậm chí thấy trong mộng thì đều tính là tướng lành. Nhưng có khi bản thân không hiểu rõ lắm đối với nghĩa lý chính xác của những tướng lành này nên chưa chắc đã phán đoán được chuẩn xác. Đại sư Ngẫu Ích và đại sư Hoằng Nhất đều tôn sùng Chiêm Sát Sám, dùng thanh tịnh luân tướng để hiển thị tướng lành này, điều này rất khách quan. Bạn gieo mộc luân, thân khẩu ý, đây là luân thứ hai, tổng cộng có ba luân, có thể gieo liên tục ba lần, một lần ba luân, tổng cộng chín luân tướng. Nếu đều là thiện, bất luận là đại thiện hay tiểu thiện, đây gọi là thanh tịnh luân tướng. Thông thường nếu chuyên chú, chí thành lễ sám, trên kinh nói, nhanh nhất là 7 ngày, sáng ngày thứ 8 gieo mộc luân thì được thanh tịnh luân tướng. Cũng có người một tháng thì được, cũng có người hai tháng thì được, cũng có người một năm thì được, trên kinh nói chậm nhất là ba năm nhất định được, nhưng bạn không được thoái thất sơ tâm, nhất định phải chí thành khẩn thiết, giữ gìn nguyện tâm này thì ba năm, tức là 1.000 ngày, nhất định đạt được. Cho nên, người có chí nguyện mong muốn cầu thanh tịnh luân tướng để sám hối giới trọng thì đây là một phương pháp hay.
Hơn nữa, việc này có thể nhờ họa mà được phước, tại sao gọi là nhờ họa mà được phước? Nghĩa là nếu bạn vốn dĩ phạm tội nặng, đáng lẽ bị diệt tẫn. Sa-di hoặc tỳ-kheo, sa-di-ni, thức-xoa-ni, tỳ-kheo-ni, theo đạo lý là phải bị diệt tẫn, trừ phi bạn khóc lóc muốn ở lại trong tăng đoàn, không muốn rời khỏi thì tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni có thể làm một vị học hối yết-ma, đưa họ xuống thành học hối tỳ-kheo-ni hoặc học hối tỳ-kheo, không được làm 35 việc. Nếu họ lạy được thanh tịnh luân tướng thì có thể ở trước Phật tự thệ thọ giới tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni. Điều này ngược lại sẽ đạt được giới thể chân thật.
Bởi vì thông thường mà nói, đây là đại sư Hoằng Nhất nói, chứ chúng tôi không dám tự nghị luận lung tung, từ sau thời Nam Tống sáu đến bảy trăm năm lại đây, người dựa vào việc đăng giới đàn, bạch tứ yết-ma thọ giới mà được giới thể thì không còn nữa, có thể nói là không có tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni chân thật. Không có giới thể chân thật này, trên thực tế đương nhiên cũng không thể nói đến việc họ phạm trọng giới không thể sám hối. Bởi vì gọi là phạm giới thì nhất định phải có giới thể mới luận là phạm giới, mới luận là trì giới. Ví dụ họ không có giới thể thì không thể nói đến việc trì, cũng không thể nói đến việc phạm được. Dù trước đây họ có thể đã thọ ngũ giới, bát giới, thậm chí giới sa-di có thể sẽ được giới thể, còn có giới Bồ-tát cũng có thể đạt được giới thể, nhưng giới thể của giới tỳ-kheo và tỳ-kheo-ni thì chắc chắn không đạt được. Đây là lời của đại sư Hoằng Nhất nói. Chúng tôi tin tưởng đại sư Hoằng Nhất là Luật sư một thời sẽ không tùy tiện nói những lời không có căn cứ, nên chắc chắn là đáng tin cậy. Đại sư Ngẫu Ích cũng từng nói những lời như vậy.