Trì giới là gốc
Tịnh độ là nơi quay về
Quán tâm là trọng yếu
Bạn lành là chốn nương tựa
SA-DI THẬP GIỚI OAI NGHI LỤC YẾU
Tập 30
Chủ giảng: Pháp sư Định Hoằng
Thời gian: 26/10/2016
Địa điểm: Chùa Giác Nguyên, Thành phố Sán Vĩ
Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu
Kính chào chư vị đại đức tỳ-kheo, chư vị sa-di, cư sĩ và chư vị liên hữu đang xem trực tiếp tôn kính! Chúc mọi người buổi chiều tốt lành! Mời để tay xuống.
Mời mở sách đến môn oai nghi thứ năm “ăn cùng chúng”. Trước khi giảng bài tôi muốn đính chính một vấn đề đã nói trong buổi giảng trước một chút, chính là môn oai nghi trước đó, môn thứ tư nhập chúng, đếm ngược là đoạn thứ hai: “Phàm khi tự xưng thì nên nói hai chữ pháp danh, không được nói: tôi, tiểu tăng, tên gì đó”. Đây là khi bản thân xưng hô thì phải xưng pháp danh của mình, không được nói là tôi, hoặc tiểu tăng, hoặc nói tên gì đó. Những cách xưng hô này đều không nên nói, mà trực tiếp tự xưng pháp danh, đây là sa-di khiêm tốn tự xưng.
Bây giờ chúng ta xem môn thứ năm là “ăn cùng chúng”. Là chúng xuất gia nên mọi việc chúng ta phải làm theo chúng, cùng làm việc nghỉ ngơi theo đại chúng. Cổ đức nói “theo chúng được giải thoát”. Câu này có 8 ý nghĩa:
Thứ nhất là “nghe tiếng bản lập tức đi đến [nơi tập trung] nên không giải đãi”. Khi nghe thấy âm thanh gõ bản, biết phải tập hợp chúng rồi thì lập tức đi đến. Nếu buổi trưa đánh bản, biết sắp quá đường ăn cơm thì phải đến trai đường, đây là không giải đãi, không được lề mề chậm trễ, mọi người ăn xong một nửa rồi bạn mới vào thì không hay, trừ khi có duyên sự đặc biệt của tam bảo.
Thứ hai, “được cúng dường cơm nấu sẵn nên tiết kiệm được tinh lực”, mọi người ở trong tự viện đều gọi là ăn đồ ăn nấu sẵn. Hiện nay tăng chúng chúng ta phước báo đều rất lớn, không cần xuống bếp nữa, mà toàn bộ do các nghĩa công hộ pháp của chúng ta đảm đương việc nấu cơm, vậy là đã tiết kiệm rất nhiều thời gian và tinh lực của mình rồi. Nếu bản thân ở một mình, hoặc giống như ở nhà, mọi việc đều do mình lo liệu, vậy bạn muốn có nhiều thời gian hơn để dụng công cũng đều không được, cho nên ở tự viện theo đại chúng thì bản thân sẽ có rất nhiều thời gian để mình dụng công, điều này người tại gia không cách gì sánh được.
Thứ ba, “tác phép quán bình đẳng nên không có ta người”. Chúng ta ở trong đại chúng nên làm phép quán bình đẳng, không được phân biệt người và ta, so đo đây kia, mọi người cùng nhau tuân thủ quy tắc sống chung. Hiện nay, chúng ta vừa làm một tấm bảng quảng cáo: “quy tắc chung sống trong tăng đoàn trì giới niệm Phật”, nó sẽ được dựng lên, mọi người đều cần phải xem. Giới hòa đồng tu, cùng nhau tuân thủ quy định, lợi hòa cũng đồng quân, mọi người đều được chia đều lợi dưỡng, như vậy có thể sanh tâm bình đẳng.
Thứ tư, “chấm dứt các hý luận nên giữ được chánh niệm”, chấm dứt được nhiều sự cười đùa, bàn tán, do đó có thể luôn luôn giữ được chánh niệm. Bởi vì ở trong đại chúng, mọi người đều đang dụng công tu hành, không được tùy tiện cười đùa. Bạn cười đùa thì cũng ảnh hưởng đến người khác.
Thứ năm, “quán tưởng như pháp nên thâm nhập được lý tánh”. Chúng ta theo chúng quá đường dùng trai đều phải quán tưởng như pháp, gọi là “giữ năm phép quán khi ăn”, phía sau sẽ nói đến. Cách quán này có thể giúp chúng ta thâm nhập vào lý tánh, là tùy thuận chánh niệm, không phải tùy thuận phiền não.
Thứ sáu, “không ăn đồ ăn khác với chúng nên đoạn dứt được nghi hoặc hủy báng”. Bản thân chúng ta không ăn uống riêng lẻ khác biệt, mà ăn cùng loại cơm rau với đại chúng. Nếu tỳ-kheo ở trong tăng đoàn ăn khác với chúng, bản thân không có nhân duyên gì mà được đãi ngộ đặc biệt, ăn thức ăn khác với đại chúng, đây đều là phạm giới, cho nên chúng ta không ăn đồ ăn khác với chúng thì chúng ta có thể đoạn dứt được sự hoài nghi, hủy báng của người khác. Chúng ta đều là trì giới, chúng ta đều là lợi hòa đồng quân.
Thứ bảy, “ngon dở đều ăn, nên không chọn lựa”. Bất luận là thức ăn ngon ngọt hay chua đắng thì đại chúng chúng ta đều cùng nhau hưởng dùng, bản thân hoàn toàn không chọn lựa, không kén chọn.
Thứ tám, “làm việc, nghỉ ngơi đều có oai nghi nên không phóng dật”. Khi đại chúng tăng ăn cơm đều phải đắp y trì bát, oai nghi chỉnh tề, không tùy tiện phóng dật, ăn cơm đều phải giữ năm phép quán khi ăn, cầm bát chuyên chú ăn, cũng không được vừa ăn vừa nói chuyện, không nói chuyện, cũng không nhìn trái phải, trong tâm có thể niệm Phật, có thể quán tưởng, giữ chánh niệm, cho nên ngay đến dùng trai đều là đang dụng công. Theo chúng cùng ăn uống, làm việc, ngủ nghỉ thì có 8 ý nghĩa này. Được rồi, chúng ta xem kinh văn của đại sư Ngẫu Ích. Thứ nhất: