/ 30
32

Trì giới là gốc

Tịnh độ là nơi quay về

Quán tâm là trọng yếu

Bạn lành là chốn nương tựa


SA-DI THẬP GIỚI OAI NGHI LỤC YẾU

Tập 29

Chủ giảng: Pháp sư Định Hoằng

Thời gian: 19/10/2016

Địa điểm: Chùa Giác Nguyên, Thành phố Sán Vĩ

Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu


Kính chào chư vị đại đức tỳ-kheo, chư vị sa-di, cư sĩ và chư vị thiện tri thức đang xem trực tiếp tôn kính! Chúc mọi người buổi chiều tốt lành!

Mời mở sách đến môn “thứ tư - nhập chúng”, môn oai nghi thứ tư. Chúng tôi giảng đến câu thứ 22:

“Không được tùy tiện đắp ba y cát triệt, lẫn lộn giống đại tỳ-kheo tăng, mà phải đắp ca-sa mạn điều”.

Ở đây nói không được tuỳ tiện đắp ba y cát triệt. Ba y chỉ có tỳ-kheo mới được đắp, gọi là năm y, bảy y và đại y. Đại y là từ y chín điều cho đến y hai mươi lăm điều đều gọi là đại y. Nếu đắp ba y của tỳ-kheo thì chính là lẫn lộn giống với “đại tỳ-kheo”.

Trong pháp thế gian cũng nhấn mạnh không được tùy tiện vượt quá cấp bậc. Người thời xưa mặc y phục đều căn cứ theo thân phận của mình, ví dụ nói y phục mà hoàng đế mặc thì đại thần không được mặc. Y phục quan lại mặc thì người dân bình thường cũng không được mặc. Từ y phục có thể thấy được bạn ở tầng lớp nào, cấp bậc nào. Trong Đệ Tử Quy nói, mặc y phục quý ở chỗ “hợp thân phận, hợp gia đình”, tức là có thể theo đúng thân phận của mình, phù hợp với gia cảnh của mình. Nếu bần hàn thì đừng nên mặc y phục của người giàu có, đây là nói mặc y phục phù hợp với thân phận của mình.

Ở trong cửa Phật cũng rất chú trọng đến luân lý. Luân lý trong cửa Phật khác với ngũ luân của thế gian. Luân lý trong cửa Phật là dựa theo giới mà định ra, thứ nhất là tỳ-kheo, thứ hai là tỳ-kheo-ni, thứ ba là thức-xoa-ma-na, thứ tư là sa-di, thứ năm là sa-di-ni, năm chúng xuất gia này có thể đắp ca-sa. Ca-sa gọi là y hoại sắc, thông thường đều dùng ba loại màu sắc là xanh, đen, mộc lan, nhưng sa-di, sa-di-ni không được đắp y cát triệt của tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni. Ba y mà tỳ-kheo đắp đều là cắt rời [thành từng điều], rồi sau đó may từng điều lại với nhau, còn y mà sa-di dùng thì không cắt ra, gọi là “ca-sa mạn điều”. Mạn điều tức là không cắt, chỉ là một tấm, một tấm vải như vậy, ở giữa cũng không cần may chồng lên. Sa-di, sa-di-ni có thể đắp y này. Sa-di tuy chưa thọ giới cụ túc nhưng trên hình tướng đã cạo đầu, mặc tăng phục, đắp ca-sa, cho nên hình tướng giống như đại tăng, khác biệt là y đắp trên người, thể hiện bản thân vẫn chưa thọ giới cụ túc, nên chỉ có thể đắp mạn y. Nếu bản thân đắp y năm điều hoặc y bảy điều thì đây là lẫn lộn, như vậy là có tội, không phải thân phận này mà mạo nhận thân phận này thì chính là có tội. Tội này là gì vậy? Làm loạn luân lý cửa Phật.

Luân lý thế gian đều không cho phép làm loạn, nếu luân lý thế gian bị loạn thì xã hội này sẽ đại loạn. Khổng tử định nghĩa từ loạn như thế nào vậy? Chính là “cha không ra cha, con không ra con, quân không ra quân, thần không ra thần”, đây gọi là loạn thế. Đó nghĩa là không còn luân lý cha con, quân thần nữa, làm cha chẳng giống cha, làm con không tận bổn phận của con, làm quân cũng chẳng phải quân, người làm thần cũng không giống thần, đây chính là hiện tượng loạn, loạn luân rồi thì xã hội sẽ đại loạn.

Luân lý trong cửa Phật cũng như vậy, nếu cửa Phật loạn luân thì cửa Phật cũng đại loạn, đó chính là ma lộng quyền. Cho nên, người vừa xuất gia chúng ta nhất định phải có nhận thức sâu sắc điểm này, phải tôn trọng luân lý trong cửa Phật, nhất định không được lẫn lộn, bậc dưới càng không được bất kính với bậc trên. Sa-di là vị trí đệ tử, tỳ-kheo là vị trí sư trưởng. Đối với sa-di mà nói thì tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na đều là vị trí sư trưởng, sa-di đều phải tự xưng là đệ tử với người ở ba bậc này. Cùng một đạo lý, tỳ-kheo-ni đối với tỳ-kheo cũng phải tôn xưng đối phương là sư phụ, và tự xưng là đệ tử. Thức-xoa-ma-na đối với tỳ-kheo hoặc tỳ-kheo-ni cũng như vậy, xưng đối phương là sư phụ, và tự xưng là đệ tử. Sa-di đối với ba bậc trên cũng như vậy. Sa-di-ni cũng phải lễ kính với sa-di, nhưng có thể không cần xưng là đệ tử, bởi vì dù sao đều cùng thọ một loại giới thể, tức là giống với giới thể của sa-di. Thông thường, cư sĩ tại gia là nói hai chúng ưu-bà-tắc, ưu-bà-di, đối với năm chúng xuất gia đều phải xưng đối phương là sư phụ, và tự xưng là đệ tử.

/ 30