/ 30
41

Trì giới là gốc

Tịnh độ là nơi quay về

Quán tâm là trọng yếu

Bạn lành là chốn nương tựa


SA-DI THẬP GIỚI OAI NGHI LỤC YẾU

Tập 27

Chủ giảng: Pháp sư Định Hoằng

Thời gian: 28/09/2016

Địa điểm: Chùa Giác Nguyên, Thành phố Sán Vĩ

Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu


Kính chào chư vị đại đức tỳ-kheo, chư vị sa-di, cư sĩ và các bậc thiện tri thức đang xem trực tiếp tôn kính! Chúc mọi người buổi chiều tốt lành!

Mời mở sách đến trang 15. Buổi học trước chúng tôi đã giảng đến “môn thứ tư: nhập chúng”, môn thứ tư trong môn oai nghi. Đây là nói chúng xuất gia chúng ta cùng nhau tu học, quan trọng nhất chính là phải tu lục hòa kính. Cho nên, sống ở trong chúng như thế nào, là một môn học vấn lớn, nhất định phải nghiêm túc học tập. Trong Đại Trí Độ Luận nói: “đệ tử của bậc thánh Phật-đà phải chung sống hòa hợp”, chính là nói đệ tử của đức Phật, đặc biệt là chúng xuất gia phải an trụ trong sự hòa hợp. An trụ như thế nào? Có hai quy tắc:

Một là “lời hiền thánh ”. Nghĩa là miệng của chúng ta chỉ nói những lời như pháp, như lý, như lời Phật đã dạy, lời không nói ra thì thôi, nói ra đều phù hợp với giáo huấn của Phật, có thể lợi ích chúng sanh, đây gọi là lời thánh hiền. Trong kinh Vô Lượng Thọ nói: “Không thích nói chuyện vô nghĩa thế gian, mà thích luận chánh pháp”. Nếu chúng ta xuất gia mà nói chuyện tùy tiện giống như người thế tục thông thường, hơn nữa đều nói những ngôn luận thế gian, gọi là những lời về rượu chè, sắc dục, tiền tài, vậy thì không phù hợp với hành nghi của người xuất gia, cho nên phải ưa thích chánh luận, chánh ngữ. Chánh ngữ này được nói đến trong bát chánh đạo.

Quy tắc thứ hai, “sự im lặng của hiền thánh”, “mặc” có nghĩa là im lặng, khi không nói chuyện cũng phải an trụ trong chánh niệm giống như hiền thánh vậy. Đối với những việc không như pháp, chúng ta nhìn thấy, nghe thấy thì im lặng cho qua. Đối với người không như pháp thì chúng ta không học tập họ, không thân cận họ, chỉ học tập những thứ tốt đẹp, tiếp nhận ưu điểm, sở trường trên thân người khác. Thấy nhược điểm của họ thì nên phản tỉnh chính mình, nhìn thấy những lỗi lầm này phải phản tỉnh mình có hay không. Như trong Đệ Tử Quy nói: “thấy việc ác, liền phản tỉnh, có thì sửa, không thì tránh”. Nếu bản thân có lỗi lầm giống họ thì chúng ta phải nhanh chóng sửa đổi, gọi là “lấy người làm gương thì sẽ biết lẽ được mất”, biết được điểm tốt xấu thiện ác của bản thân. Nếu bản thân có lỗi này thì sửa, không có lỗi này thì tự cảnh giác, đốc thúc mình không được phạm. Do đó, đối phương chính là một tấm gương rất tốt cho mình tu hành, soi được những chỗ thiếu sót trên thân mình. Không được thấy đối phương có lỗi liền sanh khởi tâm khinh mạn, thậm chí sanh khởi tâm sân giận, nói những lời thô lỗ khiến đối phương phiền não, việc này không được có.

Tâm địa người xuất gia chúng ta phải nhu hòa, phải từ bi, phải có thể bao dung. Chúng ta ở trong tăng đoàn, mọi người thị hiện chắc chắn đều là phàm phu. Thời đại mạt pháp, dù Phật Bồ-tát ứng thế thì các ngài cũng thị hiện phạm rất nhiều lỗi lầm, các ngài không thể dùng thân Phật để thị hiện được. Chỉ có Phật mới không có lỗi lầm. Chúng sanh thời mạt pháp chúng ta phước mỏng, nên Phật không thể dùng thân Phật thị thiện để nói pháp cho chúng ta được, mà nhất định thị hiện phàm phu gần giống như chúng ta, ở cùng chúng ta hòa quang đồng trần. Chúng ta phải xem những người xung quanh, bên cạnh đều là Phật Bồ-tát đến thị hiện cho chúng ta, đến giúp đỡ chúng ta. Như vậy bạn tu hành ở trong chúng sẽ đạt được lợi ích thù thắng, bạn chỉ có tiến bộ, chứ không thoái lui. Sợ nhất chính là luôn nhìn lỗi của người, trong tâm vốn dĩ là thanh tịnh không có ô nhiễm, bây giờ nhìn thấy lỗi lầm của người, liền đem ô nhiễm của người ta để vào trong tâm mình, làm ô nhiễm tâm thanh tịnh của chính mình. Đây là hành vi ngu si nhất, chẳng khác nào bạn biến nội tâm mình trở thành thùng rác của người khác, đem toàn bộ rác rưởi của họ bỏ vào trong tâm mình, làm vậy là ngu ngốc nhất, cho nên người chân thật tu hành không đựng rác của người khác, chỉ đựng bảo vật của người khác. Ưu điểm trên thân người khác, dẫu họ có 100 khuyết điểm, chỉ có một ưu điểm, vậy thì trong tâm chúng ta sẽ đựng cái ưu điểm đó của họ, không nhìn 100 khuyết điểm kia của họ, vậy là bạn biết tu, trong tâm bạn luôn thanh tịnh, luôn vui vẻ.

/ 30