/ 30
38

Trì giới là gốc

Tịnh độ là nơi quay về

Quán tâm là trọng yếu

Bạn lành là chốn nương tựa


SA-DI THẬP GIỚI OAI NGHI LỤC YẾU

Tập 26

Chủ giảng: Pháp sư Định Hoằng

Thời gian: 21/09/2016

Địa điểm: Chùa Giác Nguyên, Thành phố Sán Vĩ

Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu


Kính chào chư vị đại đức tỳ-kheo, chư vị sa-di, cư sĩ và các bậc thiện tri thức đang xem trực tiếp tôn kính! Chúc mọi người buổi chiều tốt lành!

Mời mọi người mở sách đến trang 14. Hôm nay, chúng tôi bắt đầu giảng môn thứ ba trong oai nghi môn: “Thứ ba theo thầy ra ngoài”. Môn này là tiếp nối môn phía trước, chính là tiếp nối môn thứ hai hầu thầy.

Phật pháp là sư đạo, muốn thật sự đạt được lợi ích của Phật pháp thì tôn sư trọng đạo là điều quan trọng nhất. Trong giai đoạn sa-di là thuộc về sơ học. Người sơ học trước tiên nên xây dựng tâm thái tôn sư trọng đạo, rèn luyện bản thân trở thành một pháp khí thì mới có thể tiếp nhận đại pháp. Chẳng những sa-di như vậy, mà bảy chúng đệ tử trong cửa Phật chúng ta là tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, thức-xoa-ma-na (thức-xoa-ma-na cũng gọi là lục pháp ni, chủ yếu học sáu pháp, theo học giới tỳ-kheo-ni), còn có sa-di, sa-di-ni. Đây gọi là năm chúng xuất gia, cộng thêm ưu-bà-tắc, ưu-bà-di tại gia là bảy chúng. Có khi nói chín chúng, cũng tức là trong chúng xuất gia lại chia ra hai chúng, tức là người xuất gia vẫn chưa thọ giới sa-di, gọi là xuất gia ưu-bà-tắc, hoặc xuất gia ưu-bà-di. Xuất gia ưu-bà-tắc chính là người thọ ngũ giới tịnh hạnh. Căn cứ theo Nam Sơn Luật thì trước khi xuất gia, tức là trước khi chưa thọ 10 giới sa-di thì phải cạo đầu thọ ngũ giới trước. Cạo đầu thọ ngũ giới, đây là xuất gia ưu-bà-tắc, nữ chúng là xuất gia ưu-bà-di, cũng gọi là xuất gia ni. Sau đó, thọ tiếp 10 giới sa-di thì mới gọi là sa-di hoặc sa-di-ni, cho nên cộng thêm hai chúng xuất gia ưu-bà-tắc và xuất gia ưu-bà-di thọ ngũ giới tịnh hạnh, cũng chính là trong 5 giới có không dâm dục, tổng cộng có chín chúng. Đây chính là luân lý trong cửa Phật.

Chín chúng đều cần học đạo hầu thầy. Dù đã thọ đại giới tỳ-kheo, thọ giới tỳ-kheo không có nghĩa là đã thành thánh nhân, mà vẫn là một phàm phu, vẫn ở bậc học vị. Ngay đến thánh nhân sơ quả, nhị quả, tam quả đều gọi là học vị, đến tứ quả A-la-hán mới gọi là vô học, cho nên người ở bậc học vị nhất định phải có thầy, “người cầu học thời xưa nhất định phải có thầy”. Muốn học được những thứ chân thật từ chỗ thầy thì nhất định phải bồi dưỡng tâm tôn sư trọng đạo, cho nên trong Nam Sơn Tam Đại Bộ có “Hành Sự Sao Tư Trì Ký”. Luật sư Đạo Tuyên viết bộ “Hành Sự Sao Tư Trì Ký” này, trong 30 chương có riêng một chương, chính là chương thứ chín gọi là “chương sư tư tương nhiếp”. Chương này dạy tỳ-kheo học đạo hầu thầy như thế nào, chứng minh đây là một khâu quan trọng trong học luật, chẳng những gọi là khâu quan trọng, mà kỳ thực là một khâu nền tảng. Nếu không có nền tảng này thì dù bản thân bạn có năng lực học tập rất mạnh, học thuộc làu làu tam tạng mười hai bộ, vậy có thể có thành tựu hay không? Vẫn không thể. Bởi vì Phật pháp chính là sư đạo, không có thiện tri thức thì bạn không học được.

Ngài A-nan từng hỏi Phật, ngài biểu đạt tâm đắc học Phật của mình với Phật, ngài cảm thấy thiện tri thức là một người vô cùng quan trọng trong việc tu học của chúng ta. Ngài nói thiện tri thức là một nửa của người phạm hạnh. Phạm hạnh chính là hạnh thanh tịnh, bạn trì giới, tu định đều là tu phạm hạnh. Thiện tri thức chiếm một nửa trong việc bạn có thể thành tựu hay không. Đây là thể hội của ngài A-nan, kết quả Phật nghe ngài nói xong đã phủ định rằng: “Ông nói sai rồi!” Phật nói thiện tri thức là toàn bộ của người phạm hạnh. Ngài ấy nói một nửa là quá ít, mà họ là toàn bộ, toàn bộ đều phải dựa vào thiện tri thức, không có thiện tri thức thì căn bản bạn không thể học thành được. Đại sư Huệ Năng cũng nói cổ Phật, tôi quên mất tên vị cổ Phật đó rồi, [từ thời vị] cổ Phật đó đến nay chẳng có ai dựa vào chính mình tu học, không có thầy mà tự thông đạt cả. Ngay đến đại sư Huệ Năng cũng có thầy, Ngũ tổ chính là thầy của ngài. Căn tánh lợi căn, người thượng thượng căn như ngài vẫn cần có thầy, càng huống hồ kẻ phàm ngu độn căn như chúng ta đây?

/ 30