/ 30
75

Trì giới là gốc

Tịnh độ là nơi quay về

Quán tâm là trọng yếu

Bạn lành là chốn nương tựa


SA-DI THẬP GIỚI OAI NGHI LỤC YẾU

Tập 25

Chủ giảng: Pháp sư Định Hoằng

Thời gian: 03/08/2016

Địa điểm: Chùa Giác Nguyên, Thành phố Sán Vĩ

Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu


Kính chào chư vị đại đức tỳ-kheo, chư vị sa-di, cư sĩ và các bậc thiện tri thức đang xem trực tiếp trên mạng tôn kính! Chúc mọi người buổi chiều tốt lành!

Mời mở sách đến môn oai nghi thứ hai “hầu thầy”. Chúng ta xem điều thứ 23:

“Phàm khi hầu thầy không được dựa tường, tựa ghế, mà thân phải ngay ngắn, chân đứng nghiêm cạnh thầy”.

Đây là nói đệ tử khi đứng phụng sự sư trưởng thì thân thể không được lười biếng dựa vào vách tường hoặc cạnh bàn. Chữ “dựa” này có nghĩa là dựa dẫm, thân thể không đứng thẳng. Đây là một loại tướng trạng cao ngạo, tướng trạng tùy tiện, đó chính là bất kính đối với sư trưởng, nên đứng như thế nào? “Thân phải ngay ngắn, chân đứng nghiêm cạnh thầy”. Phải đứng ngay ngắn, hơn nữa chân đứng nghiêm, tức là chân đừng dạng ra. Tư thế có thể giống như đứng nghiêm vậy, gót chân để sát vào nhau, mũi chân hơi tách ra, nhưng không phải là hai chân tách ra. Đứng cạnh là nói đứng ở bên cạnh sư trưởng, chứ không phải đứng đối diện với sư trưởng. Đương nhiên phải phụng sự sư trưởng nên cũng không thể đứng ở phía sau sư trưởng được, vậy bạn sẽ không nhìn thấy nét mặt và nhu cầu của sư trưởng, thế nên phải đứng ở bên cạnh. Đứng thẳng chính là ổn định, đứng như tùng, thẳng đứng giống như cây tùng vậy, đây là oai nghi cung kính. Cho nên, sa-di mặc dù vừa mới xuất gia, vẫn chưa thọ giới cụ túc, nhưng họ là cháu của pháp vương. Pháp vương là chỉ Phật, Bồ-tát là con của pháp vương, sa-di là cháu của pháp vương, là bậc thầy mô phạm của trời người trong tương lai, cho nên cần có hình tượng đoan trang, đôn hậu, thận trọng, khiến đại chúng nhìn thấy chúng ta cũng có thể sanh khởi tâm cung kính, như vậy mới có thể làm ruộng phước của trời người. Xem tiếp, câu tiếp theo:

“Muốn lễ lạy, nếu thầy ngăn lại thì thuận theo lệnh thầy không lạy”.

Đây là câu thứ 24, khi muốn lễ lạy sư trưởng, nếu sư trưởng ngăn chúng ta lại, ví dụ sư trưởng nói miễn lễ, hoặc nói không lễ, vậy thì chúng ta nên nghe theo mệnh lệnh của sư trưởng mà không lạy. Sư trưởng nói không lạy thì chúng ta không lạy, nghe lời đây chính là cung kính. Nếu chúng ta miễn cưỡng lạy thì trái lại là không thuận theo ý của sư trưởng, lạy như vậy chẳng bằng không lạy, cho nên cung kính tùy thuận mới là thật sự lạy thầy. Ở Tây Độ, chính là Ấn Độ, chỉ có pháp một lễ, tức là chỉ lạy sư trưởng một lạy, thông thường không lạy ba lạy, chúng ta đối với Phật mới lạy ba lạy, đối với sư trưởng hoặc thượng tọa khác chỉ dùng một lạy. Hiện nay, thông thường trong lễ tiết chúng ta nói cung kính sư trưởng như Phật, cho nên thông thường chúng ta sẽ nói “đảnh lễ sư phụ ba lạy”. Thông thường sư phụ đều hiểu đạo lý, hiểu quy củ, họ sẽ không tiếp nhận ba lạy của bạn, mà họ sẽ bảo bạn là một lạy, đây là lễ lớn nhất rồi, hoặc nói không lạy. Không lạy thì bạn xá chào, cảm ơn sư phụ từ bi, không muốn con lễ lạy vất vả như vậy. Đây là sư trưởng từ bi, cũng cần nói ra, như vậy cho thấy bạn rất hiểu lễ phép. Tiếp theo câu thứ 25:

“Thầy có việc sai bảo thì nên làm cho kịp thời, không được làm trái, lười biếng”.

Nếu sư trưởng bảo chúng ta làm việc gì, “sai bảo” tức là bảo chúng ta, ra lệnh cho chúng ta làm việc thì chúng ta nên làm cho kịp thời, nhanh chóng y giáo phụng hành, không được trì hoãn. “Vi mạn”, vi nghĩa là làm trái lời sư trưởng, mạn nghĩa là lười biếng. Cung kính sư trưởng quan trọng nhất là nhìn từ đây, mà sư trưởng lựa chọn đệ tử, lựa chọn truyền nhân cũng thường nhìn từ đây. Xem bạn đối với mệnh lệnh của sư trưởng có làm theo hay không, không bớt không giảm, có nhanh chóng làm không chút do dự hay không. Nếu bạn không làm được thì chính là không nghe lời, không nghe lời nghĩa là làm trái ý sư trưởng rồi. Mặc dù bề ngoài bạn tỏ thái độ rất lễ phép, ví dụ như phía trước nói bạn thấy sư trưởng có thể nói “đảnh lễ sư phụ ba lạy”, lễ nghi làm rất đầy đủ, nhưng sư trưởng bảo bạn làm thì bạn lại không động đậy, sư trưởng liền biết bạn chỉ tỏ vẻ bề ngoài thôi, thế thì sao? Sư trưởng sẽ không bảo bạn làm nữa. Đệ tử chân thật thật thà nghe lời hay không thì sư trưởng sẽ quan sát từ đây. Thông thường phải quan sát một khoảng thời gian mới biết họ là thật hay giả.

/ 30