/ 30
45

Trì giới là gốc

Tịnh độ là nơi quay về

Quán tâm là trọng yếu

Bạn lành là chốn nương tựa


SA-DI THẬP GIỚI OAI NGHI LỤC YẾU

Tập 24

Chủ giảng: Pháp sư Định Hoằng

Thời gian: 02/08/2016

Địa điểm: Chùa Giác Nguyên, Thành phố Sán Vĩ

Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu


Kính chào chư vị đại đức tỳ-kheo, chư vị sa-di, cư sĩ và các bậc thiện tri thức đang xem trực tiếp tôn kính! Chúc mọi người buổi chiều tốt lành!

Mời mở sách, mở đến điều thứ 12 của môn thứ hai “hầu thầy” trong môn oai nghi:

“Hầu thầy không được đứng đối diện, không được đứng ở chỗ cao, không được đứng ở chỗ quá xa, mà phải đứng ở chỗ thầy nói nhỏ cũng nghe được, để thầy khỏi phí sức”.

Điều này nói sa-di là tiểu chúng, vừa xuất gia chưa lâu, muốn tu học đạo nghiệp thì phải thực hành tôn sư trọng đạo từ những chỗ nhỏ nhặt, bao gồm việc đứng thì phải đứng như thế nào. Những việc này đều phải để tâm, đều đang thể hiện bản thân tôn trọng sư trưởng. Phụng sự sư trưởng không được đứng đối diện với sư trưởng. Bởi vì đứng đối diện là thể hiện mình ngang bằng với sư trưởng, phải đứng ở bên cạnh. Dù nói chuyện với sư trưởng cũng nên hơi xoay người ra chứ không đối diện thẳng với sư trưởng, ở bên cạnh sư trưởng phải dùng thái độ rất khiêm tốn kính trọng. Không được “đứng ở chỗ cao” hơn sư trưởng, tức là chỗ bạn đứng cao hơn sư trưởng. Ví dụ sư trưởng đứng ở dưới bậc thềm, bạn đứng ở trên bậc thềm, bạn ở trên cao nhìn xuống mà nói chuyện với sư trưởng thì cũng không được.

“Không được đứng quá xa”, tức là đứng cách sư trưởng không được quá xa. Quá xa sẽ có cảm giác xa lạ. Điều này thường thì sa-di, đương nhiên cũng bao gồm tịnh nhân, ví dụ khi theo sư trưởng ra ngoài hoằng pháp lợi sanh, chúng ta cũng có thể làm những việc ví dụ như phục vụ cho sư trưởng. Nhìn thấy sư trưởng mang vác pháp bảo rất nặng, hoặc xách vali, cầm hành lý, vậy thì chắc chắn chúng ta cũng phải phát tâm cầm giúp sư trưởng, nhưng nếu chúng ta cách sư trưởng quá xa, như vậy khi sư trưởng có nhu cầu thì sẽ không thuận tiện.

Bản thân tôi có lúc cũng gặp phải tình huống khó xử như vậy. Ví dụ tôi cầm pháp bảo là giảng nghĩa để dùng khi lên giảng bài, có sa-di đi theo cầm giúp tôi. Kết quả chú đi đường của chú, bỏ lại tôi rất xa, sau đó nếu tôi có nhu cầu gì gọi thì chú cũng không nghe thấy, việc này sẽ dẫn đến khó xử. Còn nữa, có lúc gặp trường hợp càng khó xử hơn, tức là khi chúng tôi đến một nơi mới để hoằng pháp, đối phương đến đón tiếp đều rất nhiệt tình, khi gặp mặt thì tôi đều không quen biết họ, họ giành cầm hành lý giúp tôi, sau đó cũng không biết hành lý này đi đâu nữa, hỏi cũng không biết người đó là ai, kết quả có khi buổi tối phải ở lại, đi hỏi mãi, rất lâu mới tìm được hành lý, những điều này đều rất không nên. Dù chúng ta rất nhiệt tình giúp đỡ sư trưởng, nhưng phải nghĩ thay cho sư trưởng, không thể cứ làm theo ý mình được. Điều này cũng không phải cung kính.

Thông thường mà nói, người đi theo sư trưởng thông thường chính là thị giả, thị giả thì phải giúp sư trưởng cầm đồ. Thông thường đồ của sư trưởng không được tùy tiện chuyển giao cho người khác. Như trước đây tôi ra ngoài với lão hòa thượng, tôi đều đích thân cầm hành lý của lão hòa thượng. Đi đến đâu thì những người bên đối phương đều vô cùng nhiệt tình, giành cầm hành lý giúp tôi, nhưng tôi tuyệt đối không buông tay, không thể đưa cho họ được. Bởi vì nếu đưa hành lý cho họ mà không tìm lại được, vậy khi sư trưởng cần đến thì chúng ta không lấy ra được. Cho nên, thông thường hành lý của tôi có thể đưa cho họ, nhưng hành lý của sư trưởng thì tôi phải giữ cẩn thận. Bởi vì người khác chưa chắc đã có ý thức đó, vậy chúng ta phải theo sát sư trưởng.

Kỳ thực phía sau “đứng quá xa” này còn một ý nghĩa, là cảm thấy bạn có khoảng cách quá xa với sư trưởng, gọi là “ý không đồng, lời không hợp”. Nếu thật sự muốn phụng sự sư trưởng thì lúc nào chúng ta cũng phải quan sát nét mặt, cử chỉ của sư trưởng, xem sư trưởng có nhu cầu gì, đặc biệt ở nơi công cộng, có lúc sư trưởng có nhu cầu gì đó mà không tiện nói ra thì chúng ta phải tự hiểu ý. Ví dụ ra bên ngoài, có thể thời tiết quá nóng, sư trưởng đổ rất nhiều mồ hôi, lúc này bạn nhìn thấy thì nhanh chóng đưa khăn giấy cho sư trưởng lau mồ hôi. Lúc này đang ở nơi công cộng nên sư trưởng có thể sẽ không nói: “con lấy giúp thầy một chiếc khăn giấy”. Có thể sư trưởng không tiện nói như vậy, mà bản thân phải ngầm hiểu ý, nghĩa là thật sự có tâm chí thành cung kính sư trưởng thì có thể hiểu rõ tâm ý của sư trưởng, không cần nói ra mà chúng ta có thể ngầm hiểu ý, gọi là “thầy trò hợp đạo” thì phải đạt đến trình độ này. Trước đây, tôi cũng theo lão hòa thượng ra ngoài, mới đầu nhiều điều cũng không biết, tức là không để tâm. Sau đó có những đệ tử đi theo sư trưởng thời gian tương đối dài đã chia sẻ với tôi, sau đó tôi đã đặc biệt lưu ý lời nói, thần thái của sư trưởng. Bạn tỉ mỉ quan sát thì đại khái cũng biết được sư trưởng có biểu hiện gì là có nhu cầu gì, động tác gì là thể hiện nhu cầu gì, bản thân có thể ngầm hiểu được, tức là phải lưu tâm quan sát.

/ 30