/ 30
50

Trì giới là gốc

Tịnh độ là nơi quay về

Quán tâm là trọng yếu

Bạn lành là chốn nương tựa


SA-DI THẬP GIỚI OAI NGHI LỤC YẾU

Tập 23

Chủ giảng: Pháp sư Định Hoằng

Thời gian: 27/7/2016

Địa điểm: Chùa Giác Nguyên, Thành phố Sán Vĩ

Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu


Kính chào chư vị đại đức tỳ-kheo, chư vị sa-di, cư sĩ và các bậc thiện tri thức đang xem trực tiếp tôn kính! Chúc mọi người buổi chiều tốt lành!

Mời mở sách, mở đến môn thứ hai trong môn oai nghi là “hầu thầy”. Trong môn oai nghi thì nội dung chương này là dài nhất, tổng cộng có 30 điều. Vì sao đại sư Ngẫu Ích biên soạn nội dung môn này tường tận như vậy? Chương này giống với [một chương] trong Luật Tứ Phần Hành Sự Sao, bộ đầu tiên trong Nam Sơn Tam Đại Bộ của luật tổ Đạo Tuyên, có riêng một chương, trong 30 chương đặc biệt dùng độ dài của một chương, là “chương thứ chín: chương sư tư tương nhiếp”, cũng có dụng ý như vậy. Bởi vì Phật pháp là sư đạo, là giáo dục, trong giáo dục thầy trò, cũng tức là giữa thầy và trò nhiếp thọ lẫn nhau, đôi bên hòa hợp thành một thể, đây là mấu chốt để truyền thừa đạo pháp. Do đó, người làm đệ tử thật sự muốn thành tựu trong Phật pháp thì nhất định phải tôn sư trọng đạo, cho nên phải học tập làm sao để phụng sự sư trưởng. Bởi vì tôn sư trọng đạo không phải là một câu nói trên cửa miệng, mà cần phải áp dụng trong các hành vi thường ngày. Nếu chúng ta không biết hầu thầy thế nào thì không cách gì ngầm khế hợp với sư trưởng được, gọi là thầy trò hợp đạo. Không có sự ngầm khế hợp này thì đạo đó không cách gì truyền thừa được. Cho nên, đối với đệ tử học pháp mà nói thì nhất định phải chăm chỉ học môn hầu thầy này. Điều này không chỉ sa-di phải học, mà ngay đến tỳ-kheo cũng phải học, nếu không thì tại sao luật tổ Đạo Tuyên phải đặc biệt dùng nguyên cả một chương trong Hành Sự Sao để chuyên nói về “sư tư tương nhiếp”. Đây là một nội dung quan trọng của trì giới.


Bởi vì cái gọi là giới, trong kinh Phạm Võng nói rất rõ ràng: “hiếu gọi là giới”. Thế nào gọi là hiếu? Chính là hiếu thuận cha mẹ, sư tăng, tam bảo. Ở nhà có thể hiếu thuận cha mẹ, làm sao để tận hiếu? Bạn phải làm được Đệ Tử Quy mới gọi là tận hiếu, không phải nói bản thân tôi cảm thấy có tâm hiếu là được rồi, nhưng mỗi điều trong Đệ Tử Quy đều không làm thì đó là giả, hữu danh vô thực. Vào trong cửa Phật, đặc biệt xuất gia rồi thì phải hiếu dưỡng sư tăng, tam bảo. Sư tăng là chuyên chỉ hòa thượng, a-xà-lê truyền pháp, truyền giới cho chúng ta. Bởi vì phía sau nói đến tam bảo, trong tam bảo cũng có tăng bảo. Tăng bảo chính là nói đại sa-môn, chính là môn đầu tiên nói “kính đại sa-môn” trong môn oai nghi. Đây là hiếu dưỡng tam bảo. Hiếu dưỡng Phật bảo là đối với tượng Phật trụ trì, chúng ta phải hết mực cung kính, không được [có thái độ] tùy tiện ở trước Phật, ở trước tượng Phật phải giống như Phật thật ở trước mặt chúng ta vậy, đối với pháp bảo cũng phải cung kính. Nếu tay bẩn thì phải rửa sạch sẽ mới được sờ vào pháp bảo. Cung kính đối với tăng bảo chính là điều được nói trong môn “kính đại sa-môn” ở phía trước. Cho nên sư tăng, tam bảo, sư tăng này có khác với tăng bảo trong tam bảo, là chuyên chỉ thân giáo sư, thầy mô phạm dạy dỗ, truyền pháp, truyền giới cho chúng ta. Ở đây nói “hầu thầy” tức là đặc biệt nói cung kính, phụng sự đối với thân giáo sư, thầy mô phạm, thầy dạy dỗ chúng ta.

Đương nhiên những nội dung này thông với pháp thế xuất thế gian, phù hợp trong cửa Phật, mà cũng phù hợp với thế gian. Khi Phật pháp chưa truyền đến Trung Quốc, người thời xưa, như đệ tử Khổng môn cũng biết phụng sự sư trưởng như thế nào. Đệ Tử Quy bao gồm cả việc phụng sự sư trưởng, cho nên vì sao gọi là Đệ Tử Quy mà không gọi là “Nhân Tử Quy”, đệ tử chính là học trò, là nói đệ tử Khổng môn, đệ tử Khổng môn phải học hiếu thân tôn sư. “Nhập tắc hiếu, xuất tắc đễ”, đạo đễ chính là sự mở rộng của đạo hiếu, bao gồm cả tôn kính trưởng bối, tôn kính sư trưởng, dùng tâm hiếu thuận cha mẹ để hiếu thuận sư trưởng, đây gọi là hiếu đễ. Đương nhiên cũng bao gồm kính thuận với cả bậc đàn anh, đồng học lớn tuổi của chúng ta, “anh em thuận, hiếu trong đó”. Ở nhà anh em hòa thuận thì chính là hiếu kính đối với cha mẹ. Trong đạo tràng, đồng tu đạo hữu hòa thuận chính là hiếu kính đối với sư trưởng, bất hòa thì chính là bất hiếu, bạn không hòa hợp được với đoàn thể này, với người đều khởi mâu thuẫn, xung đột, đối lập, bạn nói bạn tận hiếu thì đó là giả. Cho nên, Đệ Tử Quy và môn oai nghi của sa-di cùng tham khảo lẫn nhau để học tập là điều vô cùng cần thiết. Đây là một nội dung quan trọng trong việc học tập giới luật của chúng ta. Tương lai sau này chúng tôi cũng sẽ giảng đến Tam Đại Bộ, giảng đến “chương thứ chín: chương sư tư tương nhiếp” trong Hành Sự Sao, cũng sẽ giảng đến. Đó là chuyên dành cho tỳ-kheo, tỳ-kheo phải phụng sự những sư trưởng như hòa thượng, a-xà-lê của họ như thế nào.

/ 30