/ 30
54

Trì giới là gốc

Tịnh độ là nơi quay về

Quán tâm là trọng yếu

Bạn lành là chốn nương tựa


SA-DI THẬP GIỚI OAI NGHI LỤC YẾU

Tập 22

Chủ giảng: Pháp sư Định Hoằng

Thời gian: 26/7/2016

Địa điểm: Chùa Giác Nguyên, Thành phố Sán Vĩ

Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu


Kính chào chư vị đại đức tỳ-kheo, chư vị sa-di, cư sĩ và các bậc thiện tri thức đang xem trực tiếp tôn kính! Chúc mọi người buổi chiều tốt lành!

Mời mở sách đến môn oai nghi thứ nhất “kính đại sa-môn”. Hôm qua, chúng tôi chỉ giảng được hai điều, hôm nay bắt đầu xem từ điều thứ ba:

“Không được tìm kiếm điểm tốt xấu của đại tỳ-kheo”.

Điều này nói rõ là sa-di, cũng bao gồm cư sĩ, những đệ tử Phật chưa thọ giới cụ túc, khi nhìn thấy tỳ-kheo, cũng bao gồm cả tỳ-kheo-ni, họ thuộc bậc trên trong bảy chúng, không được tìm kiếm điểm tốt và điểm xấu của họ. Điểm tốt xấu này cũng có thể giải thích là thiện ác, tốt xấu v.v.. Nói cách khác, chỉ nên chuyên nhìn điểm tốt của người, không nhìn điểm xấu, chỉ nhìn lỗi lầm của mình, thường xuyên hướng vào bên trong phản tỉnh sửa lỗi, như vậy mới là một người tu hành chân thật.

Đại sư Lục tổ Huệ Năng nói: “Nếu người thật tu đạo, không thấy lỗi thế gian”, chân thật là một người tu hành thì sẽ không nhìn thấy lỗi của người thế gian. Không phải là không nhìn thấy, mà nhìn thấy rồi cũng không để ở trong lòng. Đây gọi là không thấy, chỗ này nói chính là “không tìm kiếm”. Phải biết rằng ai cũng có lỗi lầm, “người không phải thánh hiền, ai mà chẳng có lỗi”, trước khi chưa thành Phật thì đều có lỗi, ngay đến Bồ-tát Đẳng giác vẫn còn một phần sanh tướng vô minh chưa đoạn, họ cũng có lỗi, càng huống hồ người thông thường. Dù đã thọ giới tỳ-kheo, cũng chưa hẳn thoáng chốc mà thành Phật được, cho nên khó tránh có lỗi lầm, nhưng chúng ta không được đi tìm kiếm, thấy lỗi của người liền để lỗi lầm của họ ở trong tâm, giống như lấy rác của người ta để vào trong tâm mình vậy, khiến cái tâm thuần tịnh của mình trở thành một cái thùng đựng rác. Bạn xem có phải bạn quá ngu si rồi không? Nếu bạn chỉ nhìn điểm tốt, sở trường của người, không nhìn điểm xấu, sở đoản của người, vậy thì tâm bạn vĩnh viễn đều là thuần thiện thuần tịnh, như vậy chỉ có bản thân bạn đạt được lợi ích. Nhìn điểm xấu của người chính là bản thân chịu thiệt.

Chẳng những nhà Phật dạy chúng ta như thế, kỳ thực nhà Nho chẳng phải cũng như vậy hay sao? Bạn xem, ngay đến Đệ Tử Quy cũng nói như vậy: “Thấy việc thiện, liền nghĩ bằng, dù cách xa, cũng dần đạt. Thấy việc ác, liền phản tỉnh, có thì sửa, không thì tránh”. Trước kia, trẻ nhỏ từ bé đã phải học Đệ Tử Quy rồi. Đây là căn bản để làm người, học tốt Đệ Tử Quy rồi thì xuất gia trì giới không khó chút nào. Đệ Tử Quy nói, nhìn thấy việc thiện của người, tức là điểm tốt, ưu điểm thì nên tư duy làm sao có thể noi theo, học tập, bắt chước. Dù cách họ rất xa, khoảng cách rất lớn cũng dần dần theo kịp, không được tự chê tự bỏ, mà phải cố gắng học tốt. Nhìn thấy việc xấu của người thì không nên cứ mãi nghĩ đến việc xấu ấy của họ, mà nên phản tỉnh, tự kiểm điểm mình xem có điểm xấu giống như vậy không, có thì sửa đổi, không có thì khích lệ hơn, cảnh giác hơn, tức là khuyến khích và cảnh tỉnh bản thân đừng phạm điểm xấu ấy.

Đại sư Ấn Quang dạy chúng ta: “Xem mọi người đều là Bồ-tát, chỉ mình ta chân thật là phàm phu”, đây chính là thật tu hành. Dù người khác có điểm xấu, có lỗi lầm thì trong tâm ta nghĩ thế nào? Họ là Bồ-tát thị hiện, thị hiện cho ta xem để ta cảnh giác, để ta biết nếu ta cũng phạm lỗi này thì tương lai cũng sẽ có quả báo. Hiện nay sẽ bị người coi thường, tương lai ắt đọa vào đường ác. Cho nên ta phải nâng cao cảnh giác, khích lệ cảnh giác, họ là Bồ-tát, dù họ đến làm tổn thương ta, thậm chí muốn giết hại ta thì ta đều cảm ơn, vì họ đến tiêu nghiệp chướng cho ta, vĩnh viễn giữ tâm cảm ơn, vĩnh viễn xem hết thảy chúng sanh chính là Bồ-tát, như vậy thì chúc mừng bạn, bạn chính là Bồ-tát, vì sao vậy? “Tất cả do tâm tạo”, tâm của bạn chính là tâm Bồ-tát, cho nên trong tâm Bồ-tát này của bạn biến hiện ra hết thảy chúng sanh đều là Bồ-tát, không hay không biết bạn đã làm Bồ-tát rồi. Nếu bạn thấy tất cả người là Phật thì càng tuyệt vời hơn, vậy bạn chính là Phật, cảnh giới của bạn giống như Thích-ca Mâu-ni Phật, ngài thấy tất cả chúng sanh đều có trí tuệ, đức tướng của Như Lai, đây là cảnh giới của Thích-ca Mâu-ni Phật. Cho nên ở trong tăng đoàn, trước tiên chúng ta phải kính thuận bậc tôn trưởng, đừng tìm kiếm chỗ tốt xấu, lỗi lầm của tôn trưởng, bắt đầu làm từ đây. Như ở nhà, con cái không tìm lỗi lầm của cha mẹ vậy, đây mới là tận hiếu. Tiếp theo điều thứ tư:

/ 30