/ 20
9

Trì giới là gốc

Tịnh độ là nơi quay về

Quán tâm là trọng yếu

Bạn lành là chốn nương tựa


SA-DI THẬP GIỚI OAI NGHI LỤC YẾU

Tập 20

Chủ giảng: Pháp sư Định Hoằng

Thời gian: 20/7/2016

Địa điểm: Chùa Giác Nguyên, Thành phố Sán Vĩ

Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu


Kính chào chư vị đại đức tỳ-kheo, chư vị sa-di, cư sĩ và các bậc thiện tri thức đang xem trực tiếp tôn kính, chúc mọi người buổi chiều tốt lành!

Chúng ta tiếp tục học tập giới thứ chín “không ăn phi thời” trong mười giới sa-di. Hôm qua, chúng tôi giảng đến ý nghĩa mà đức Phật chế định điều giới này, có trích dẫn “luận về mười lợi ích lớn của giới không ăn phi thời” của đại sư Ngẫu Ích. Bởi vì điều giới này không những tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni phải trì giữ, mà sa-di, thức-xoa-ma-na, sa-di-ni cũng phải trì giữ, thậm chí cư sĩ tại gia trong ngày trai thọ trì bát quan trai giới cũng cần phải trì giữ. Một đạo tràng được xác định là đạo tràng trì giới hay không, trong đó điều giới này có thể nói là một tiêu chí vô cùng quan trọng, nếu không thể trì điều giới này thì không thể gọi là đạo tràng trì giới được. Song đã gọi là đạo tràng thì đạo tràng nào cũng phải trì giới, nếu không trì giới thì không thể gọi là đạo tràng được. Cho nên nói đạo tràng giới luật, trên thực tế đây là một cách diễn tả trùng lặp, dư thừa mà thôi. Bởi vì nói đến đạo tràng thì nhất định phải có giới luật. Nói cách khác, người xuất gia ở trong đạo tràng thì nhất định phải trì giữ ít nhất là mười giới sa-di. Giới không ăn phi thời vô cùng quan trọng, cho nên đối với ý nghĩa chế giới này thì chúng tôi giảng tương đối nhiều, chủ yếu là để khích lệ mọi người xem trọng trì giữ điều giới này.

Ở đây cũng trích dẫn thêm kinh văn trong kinh Phật Thuyết Xứ Xứ, kinh văn nói: “Sau ngọ không ăn được năm phước: một là ít dâm, hai là ít ngủ, ba là được nhất tâm, bốn là ít xì hơi, năm là thân được an ổn, cũng không bị bệnh”. Đoạn này vừa được tìm thấy, cho nên trong giảng nghĩa của mọi người không có, mọi người chú ý nghe là được. Trong bộ kinh này, Phật nói sau ngọ không ăn, tức là sau quá ngọ mà không ăn gì nữa thì có thể được năm loại phước báo. Dù người không trì giới, nếu quá ngọ không ăn thì đều có thể được phước, càng huống hồ muốn trì giới, giới phước của trì giới càng thù thắng hơn. Năm phước này là gì? Thứ nhất ít dâm, người quá ngọ không ăn thì tâm dâm dục rất ít. “Luận về mười lợi ích lớn” của đại sư Ngẫu Ích ở phía trước cũng nói với chúng ta rằng ăn uống sẽ giúp tăng thêm hỏa khí, no ấm thường nghĩ chuyện dâm dục, cho nên người tu hành đừng ăn quá no, đặc biệt quá ngọ không ăn thì sẽ không tăng trưởng phiền não dâm dục. Điều này đối với người tu đạo chúng ta mà nói là vô cùng quan trọng, đặc biệt là người trẻ, khó đoạn nhất có thể nói chính là phiền não này. Vậy thì phải trừ bỏ đi trợ duyên của phiền não này, ăn uống chính là trợ duyên của dâm dục. Đương nhiên cũng bao gồm những điều giới ở phía trước, ví dụ “ca múa, biểu diễn nghệ thuật”, hoặc là “ngồi nằm giường cao rộng lớn”, hoặc là “bôi ướp dầu thơm lên thân, đeo tràng hoa trang nghiêm thân” v.v.., những thứ này đều là một loại trợ duyên, nhưng trong những trợ duyên này thì trợ duyên ăn uống là trực tiếp nhất. Ví dụ khi bụng đói thì đương nhiên bạn sẽ không có loại hỏa khí đó, tự nhiên tâm dâm dục sẽ không bị kích thích.

Phước thứ hai chính là ít ngủ, bạn sẽ giảm bớt ngủ nghỉ. Người ăn nhiều thì sẽ ngủ nhiều, đây là đạo lý chắc chắn, vì sao vậy? Bởi vì ăn nhiều thì dạ dày và ruột phải vận động, phải nhu động để tiêu hóa nên thân thể chúng ta sẽ tiêu hao rất nhiều năng lượng, máu huyết đều phải chảy về cung cấp cho dạ dày và ruột, cung cấp dưỡng khí, cung cấp năng lượng nên máu cung cấp cho não sẽ không đủ, do đó dễ bị hôn trầm, buồn ngủ.

Thứ ba là được nhất tâm. Điều này đối với người niệm Phật chúng ta mà nói là vô cùng quan trọng. Mọi người chúng ta đều hy vọng đời này vãng sanh Tịnh độ. Kinh Di-đà nói rất rõ ràng, chỉ cần bạn có thể nếu một ngày đến bảy ngày niệm Phật đến nhất tâm bất loạn thì nhất định có thể vãng sanh về thế giới Cực Lạc. Chúng ta muốn được nhất tâm thì mọi thứ phải chuẩn bị đầy đủ, bao gồm cả ăn ít, bởi vì ăn ít thì thân tâm của bạn sẽ dễ định lại, tương đối dễ đạt được nhất tâm. Không biết mọi người có phát hiện ra không, trong lúc ăn cơm vọng niệm tương đối nhiều, như hòa thượng Triệu Châu nói hai thời cơm cháo đều là chỗ dụng tâm tạp loạn, thật sự là như thế, ngược lại ăn ít thì tâm sẽ không tạp loạn.

/ 20