/ 30
105

Trì giới là gốc

Tịnh độ là nơi quay về

Quán tâm là trọng yếu

Bạn lành là chốn nương tựa

 

SA-DI THẬP GIỚI OAI NGHI LỤC YẾU

Tập 14

Chủ giảng: Pháp sư Định Hoằng

Thời gian: 28/06/2016

Địa điểm: Chùa Giác Nguyên, Thành phố Sán Vĩ

Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu


Kính chào chư vị đại đức tỳ-kheo, chư vị sa-di, cư sĩ và các bậc thiện tri thức đang xem trực tiếp tôn kính. Chúc mọi người buổi chiều tốt lành!

Mời mở sách đến môn thứ tư “không nói dối” trong thập giới môn. Chúng tôi đã giảng đến nói thô ác. Mời xem đoạn văn “nói thô ác” này:

“Nói thô ác là chửi mắng nguyền rủa khiến người không chịu được, cũng là tánh tội phải nhanh chóng sám hối để đoạn trừ. Nếu phạm tội này thì hiện đời bị người căm giận, chết đọa ba đường ác”.

Đoạn này nói đến lỗi của miệng là “nói thô ác”, thế nào gọi là nói thô ác? Tức là chỉ tội lỗi “chửi mắng nguyền rủa”, chỉ trích lỗi lầm của người ta ngay trước mặt, khiến đối phương không chịu đựng được, đây gọi là “chửi mắng”. Ở bên cạnh chê cười, gièm pha, đây gọi là “chửi xéo”, hoặc ở bên cạnh vạch trần việc riêng tư của người khác, chỉ trích điểm yếu của người ta, việc này cũng thuộc về chửi xéo. “Nguyền rủa” tức là chửi bới, hoặc mời quỷ thần đến để làm hại đối phương. Những hành vi này đều xuất phát từ tâm ác, không phải xuất phát từ tâm thiện. Sự khác biệt giữa dùng tâm thiện để khuyên bảo và nói thô ác ở chỗ: nói thô ác là dùng tâm ác, không phải làm lợi ích cho đối phương, mà thường xuất phát từ tâm sân giận.

Đức Phật khai thị cho chúng ta rằng: khi chúng ta nghe thấy người khác nói lỗi lầm của chúng ta, giả sử chúng ta muốn phân trần hoặc thanh minh, nhưng lại không biết dùng từ gì thì nhất định đừng tùy tiện mắng chửi nguyền rủa, mà phải dùng từ gì? Phật dạy chúng ta là: từ nay về sau nghe thấy những chuyện này thì nói “nam-mô Phật”. Nếu mình có chuyện này thì nói “nam-mô Phật”, giả sử bạn có chuyện này thì nói “nam-mô Phật”, đừng nói thô ác, nói “nam-mô Phật” là tốt, đối phương nghe thấy một tiếng Phật hiệu là đã gieo được hạt giống kim cang rồi, cho nên dù khi bạn sân giận thì cũng niệm Phật. Chúng ta cầu sanh thế giới Cực Lạc thì niệm A-di-đà Phật, để phân trần thì cũng có thể xưng nam-mô A-di-đà Phật hoặc nói A-di-đà Phật. Nếu có việc này thì nói A-di-đà Phật, vậy là tốt, đừng phạm nghiệp nói thô ác. Trong kinh Pháp Hoa nói: “Vừa xưng nam-mô Phật thì đều thành Phật đạo”. Bạn xem, dù bạn sanh phiền não thì cũng đều giúp chúng sanh thành Phật đạo, điều này thật tốt, phiền não tức Bồ-đề. Cho nên phải dưỡng thành thói quen này, không được dùng tâm sân giận để chửi mắng người khác, nói kiểu như: “Ngươi sẽ không được chết yên lành đâu”, những lời này không phải là lời nói của người xuất gia, xưng “nam-mô Phật” là tốt nhất, cũng không khiến họ cảm thấy không chịu đựng được. “Bất kham” tức là không thể chịu đựng được. Bởi vì nói thô ác tổn thương người sẽ khơi dậy tâm sân giận cực lớn của đối phương. Tâm sân giận này có thể cả đời cũng không cách gì xóa bỏ được, thậm chí mang theo đến những đời sau nữa, đã kết ác duyên này với người ta. Cho nên, chúng ta nhất định phải giữ gìn tốt khẩu nghiệp.

“Đây cũng là tánh tội, phải mau chóng sám hối để đoạn trừ”. Nghiệp nói thô ác này cũng là tội tánh nghiệp, bản thân nó là có tội rồi, bất luận bạn thọ giới hay không thọ giới. Nếu đã thọ giới rồi thì ngoài tánh tội ra còn phải cộng thêm già tội nữa, tức là tội phạm giới, nhất định phải khẩn thiết sám hối. Sám hối tội nghiệp này thông thường chính là đối thú sám, đối trước một vị pháp sư. Sa-di thì có thể đối trước sa-di, tỳ-kheo đối trước tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni đối trước tỳ-kheo-ni, v.v..Cư sĩ tại gia phạm thì phải đối trước một chúng xuất gia, sám hối như pháp như vậy, về sau không tạo nữa. Nếu không thể đoạn trừ những ác nghiệp này, mà còn không ngừng tái phạm, vậy thì như phía sau nói: “Nếu phạm phải thì đời này bị người căm giận, chết đọa vào ba đường ác”. Bởi vì nói thô ác dễ kết oán nhất, khiến đối phương tức giận không thể dằn nổi, bản thân cũng do nghiệp này nên sau khi chết sẽ đọa vào ba đường ác chịu khổ.

/ 30