/ 30
109

Trì giới là gốc

Tịnh độ là nơi quay về

Quán tâm là trọng yếu

Bạn lành là chốn nương tựa

 

SA-DI THẬP GIỚI OAI NGHI LỤC YẾU

Tập 13

Chủ giảng: Pháp sư Định Hoằng

Thời gian: 27/06/2016

Địa điểm: Chùa Giác Nguyên, Thành phố Sán Vĩ

Việt dịch: Ban biên dịch Pháp Âm Tuyên Lưu


Kính chào chư vị đại đức tỳ-kheo, chư vị sa-di, cư sĩ và các bậc thiện tri thức đang xem trực tiếp tôn kính! Chúc mọi người buổi chiều tốt lành!

Mời mở sách đến môn thứ tư “không vọng ngữ” trong thập giới môn. Bây giờ giảng “tùy văn thích nghĩa”, phần nghĩa lý đã giảng đến đoạn nhỏ “nói thêu dệt” rồi.

“Thứ hai, nói thêu dệt là lời nói không có nghĩa, không có lợi, từ ngữ thuận theo thế tục làm tăng trưởng tâm phóng dật, quên mất chánh niệm, cũng phải nhanh chóng sám hối thề không tái phạm. Nếu không sửa đổi thì hiện đời bị người khinh chê, chết đọa vào đường ác”.

Loại thứ hai trong khẩu nghiệp là nói thêu dệt. Loại thứ nhất ở phía trước là nói dối, tức là tiểu vọng ngữ, không thuộc vào đại vọng ngữ. Tội thứ hai của miệng là nói thêu dệt. Nói thêu dệt tức là chỉ “lời nói không có nghĩa, không có lợi”, những “từ ngữ thuận theo thế tục”. Trước tiên giải thích hai chữ “nghĩa” và “lợi”. Nghĩa là gì? Lợi là gì? Căn cứ theo sách Giải Thâm Mật Kinh Sớ, quyển thứ 3 trang 21 nói rằng: “Lợi ích ở đời này gọi là nghĩa, lợi ích ở đời sau gọi là lợi. Thế gian gọi là nghĩa, xuất thế gọi là lợi. Lìa ác gọi là nghĩa, nhiếp thiện gọi là lợi. Phước đức gọi là nghĩa, trí tuệ gọi là lợi. Nghĩa và lợi là phân biệt như vậy”. Ở đây phân biệt ý nghĩa của nghĩa và lợi rất hay.

“Lợi ích ở đời này gọi là nghĩa”, tức là lợi ích ở ngay đời này thì gọi là nghĩa, lợi ích ở đời sau gọi là lợi, đây là căn cứ theo sự khác nhau về thời gian mà phân biệt.

Tiếp theo nói: “thế gian gọi là nghĩa, xuất thế gọi là lợi”, đây là chỉ không gian, theo pháp thế gian mà nói thì đây gọi là nghĩa, nếu theo pháp xuất thế gian mà nói thì gọi là lợi. Pháp thế gian đương nhiên cũng chỉ cho thiện pháp. Ví dụ, nhà Nho đề xướng bát đức: hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ. Đây là thuộc về nghĩa, tuy là pháp thế gian, nhưng người xuất gia chúng ta cũng cần tu tập, tất cả đạo đức của thế gian thì chúng ta đều phải tuân thủ. Phật pháp ở thế gian không được hủy hoại pháp thế gian. Nếu đạo đức của người xuất gia chúng ta không bằng cả một người tại gia thông thường thì chẳng khác nào chúng ta đã làm bẽ mặt Thích-ca Mâu-ni Phật, vậy sẽ khiến người đời chê cười Phật pháp, mất đi lòng tin đối với Phật pháp, vậy thì trách nhiệm nhân quả của chúng ta sẽ rất nặng. Cho nên chúng ta học giới, giới luật này có nền tảng, nền tảng chính là những luân lý đạo đức của thế gian này. Bắt đầu học từ Đệ Tử Quy, bắt đầu học từ Thái Thượng Cảm Ứng Thiên, cũng nên xem những sách này như giới luật để học tập. Nếu hủy phạm, bị người thế gian chê cười, thì chúng ta cũng phạm tội ở chương thứ năm rồi. Tỳ-kheo thì nói ở chương thứ năm, sa-di phạm giống như vậy đều phải đối thú sám hối.

Chúng ta sám hối phải chân thành, không thể nói dù sao tội nhỏ này đối thú sám hối qua là được, phạm cũng không sao. Chỗ chúng ta đây có người như vậy đấy, quá ngọ mà còn ăn, người ta cho thầy ấy một chiếc kem, thầy liền ăn, họ còn hỏi như vậy có phạm giới không? Người ta nhắc nhở thầy là phạm giới, thầy ấy nói: “Đừng lo, ăn rồi đi sám hối là được”. Bạn xem, đây là khinh mạn đối với giới pháp, dùng tâm khinh mạn hủy phạm, ngay cả phạm giới ở chương thứ năm thì quả báo cũng là đọa địa ngục 9 triệu năm, đây là đời sau; còn đời này là ca-sa lìa thân, phải hoàn tục, phải rời khỏi tăng đoàn. Ví dụ này bày ra trước mắt chúng ta rồi. Đây là gì vậy? Thần hộ pháp không phục họ, nên phiền não của họ hiện tiền, nghiệp chướng hiện tiền, đây là gì? Nghĩa của thế gian, họ đều không có. Nghĩa của thế gian là gì? Tận bổn phận, đây chính là nghĩa, bạn có thân phận như thế nào thì bạn phải tận trách nhiệm như thế đó. Ví dụ, ở thế gian bạn là cha thì phải tận trách nhiệm của người cha. Là con thì phải tận trách nhiệm của người con. Cha từ con hiếu, anh thương em kính, quân nhân thần trung, chồng nghĩa vợ thuận, lớn ơn nhỏ thuận, ngũ luân thập nghĩa này chúng ta đều phải tuân thủ. Đây là nói người tại gia, luân lý của tại gia là nói ngũ luân, chính là năm mối quan hệ, gọi là vua tôi, cha con, vợ chồng, anh em, bạn bè, năm luân này nếu không tận bổn phận, không tận nghĩa vụ thì chính là bất nghĩa. Bất nghĩa sẽ mắc bệnh gì? Phổi, đại tràng sẽ bị bệnh, biểu hiện ở trên da sẽ không đẹp, bởi vì phổi biểu hiện thông qua da, phổi và da có quan hệ trong ngoài với nhau. Gốc của đức chính là nghĩa, ngũ tạng và ngũ thường có quan hệ tương thông, ngũ thường nhân, nghĩa, lễ, trí, tín này mà khiếm khuyết thì thân thể sẽ bị bệnh.

/ 30