PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân
Thời gian: 20/08/2021
Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa
Tập 98
Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!
Tiết học trước, chúng tôi đã cùng chia sẻ một bài kệ của Hạ Liên lão, liên quan đến việc niệm Phật như thế nào, cảnh giới của bài kệ đó cao sâu, phàm phu thông thường chẳng thể khế nhập. Vì sao tôi lại chia sẻ với mọi người vậy? Bởi vì từ trong chia sẻ trên mạng, tôi vui mừng phát hiện ra rằng: có đồng tu đã đạt được cảnh giới tu hành đến một độ cao nhất định, tuy số lượng chẳng phải rất nhiều, nhưng không phải là không có. Đây chính là chúng sanh căn cơ chín muồi mà chúng ta thường nói, hoặc đó là sự thị hiện cứu khổ cứu nạn của Bồ-tát.
Năm 1944, Hạ Liên lão tại đạo tràng niệm Phật ở am Cực Lạc làm bốn bài kệ, được lưu truyền rộng rãi. Rất nhiều đồng tu đều biết bốn bài kệ này. Hôm nay, chúng tôi một lần nữa xin chia sẻ lại bốn bài kệ của Hạ Liên lão. Một là bày tỏ sự tưởng nhớ đến ngài, hai là có thể thưởng thức ý vị từ lời của bậc thánh.
Bài thứ nhất:
Niệm Phật tối kỵ
Tinh thần tán loạn
Câu chữ mơ hồ
Trước nhanh sau chậm
Đã không âm nhịp
Lại chẳng nối liền
Tâm không hợp miệng
Thanh không nhiếp niệm
Qua loa dưỡng thức
Người xưa than rằng
Cách niệm như vậy
Mãi khó thành phiến.
Bài thứ hai:
Tiếng hòa nhịp đều
Chữ ngay âm rõ
Khẩn thiết, khắn khít
Điềm đạm an nhàn
Thanh hợp với tâm
Tâm ứng với thanh
Thanh tâm nối liền
Vọng niệm tự dứt
Bài thứ ba:
Phật hiệu như châu
Ý như sợi dây
Chia thì tách rời
Hiệp thì thành chuỗi
Tâm không rời Phật
Miệng không rời niệm
Như dây xỏ châu
Liên tục chẳng dứt.
Bài thứ tư:
Chưa được nhất tâm
Trước cầu chuyên niệm
Chưa được bất loạn
Trước học thành phiến
Thật chuyên, thật cần
Tự thấy hiệu quả
Không cần hỏi người
Xin hãy tự nghiệm.
Về bốn bài kệ này, Hoàng Niệm lão có sự giải thích khá tường tận, mời các đồng tu tham khảo phần Liên Tông Diệu Đế và Tịnh Ngữ Tam Tắc trong tác phẩm Tâm Thanh Lục của Hoàng Niệm lão.
Tiếp theo tôi tiếp tục giảng phần sau cùng của phẩm kinh văn này. “Mười phương chư Phật, chỉ một đường vào cửa Niết-bàn.” Tuy Niết-bàn là một con đường, nhưng do phương tiện nên có nhiều cửa. Vì có một số phương tiện ban đầu, chỗ hạ thủ ban đầu, cho nên có Thiền, có Mật, có Giáo, có Quán. Tám vạn bốn ngàn loại pháp môn, pháp môn nào cũng đều được cả. Tám vạn bốn ngàn pháp môn là phương tiện mà nói, không những chỉ có tám vạn bốn ngàn pháp môn, mà là vô lượng pháp môn, nhưng trở về nguồn thì chỉ có một, “một đường vào cửa Niết-bàn”.
Ba đức của Niết-bàn là bát-nhã, giải thoát, pháp thân. Trong nhiều môn phương tiện thì phương tiện rốt ráo là ở đâu? Kinh này lấy đại bi làm căn, lấy Bồ-đề làm nhân, dùng phương pháp phương tiện nhất để độ sanh thì mới gọi là rốt ráo. Phương tiện rốt ráo chính là ở việc vãng sanh. Bạn ở trong thế giới này, tu đến mức đoạn hết kiến hoặc, phá sạch vô minh, thì việc này mười phần gian khó. Rất nhiều việc cần phải đến cõi Tịnh độ mà làm, có rất nhiều phương tiện. Tu pháp môn khác, đời này muốn ra khỏi Tam giới thì là đạo khó hành. Nên bất luận là tọa Thiền hay tu Mật thì đều phải cầu vãng sanh thế giới Cực Lạc. Tinh xá Liên Hoa lấy việc cầu sanh Cực Lạc làm nguyện chung, nơi này vượt hơn rất nhiều đoàn thể tu theo Mật giáo khác, bởi vì họ cầu sanh cõi Tịnh, cho nên là đạo dễ hành. Chí tâm tin ưa, nguyện vãng sanh thì mười niệm được sanh.
Chánh tu của Tịnh độ tông chính là trì danh, nhưng bạn tu pháp khác mà có thể phát nguyện cầu sanh Tịnh độ thì vẫn được đức Di-đà nhiếp thọ. Đại sư U Khê khi giảng Sanh Vô Sanh Luận thì thiên nhạc đầy trời, đại sư viết Viên Trung Sao, Sanh Vô Sanh Luận, đã niệm 100.000 biến chú Vãng Sanh mà vãng sanh. Cho nên chỉ cần chí tâm hồi hướng thì đều có thể vãng sanh. Ví dụ thi đại học, tốt nghiệp cấp ba rồi thi Đại học, người có học lực tương đương thì cũng có thể thi, nhưng vẫn là người tốt nghiệp cấp ba thì thi đậu nhiều. Theo chánh tông thì niệm Phật vẫn là tốt nhất, nếu chẳng phải chánh tông thì cũng được. Có người tham Thiền hỏi đại sư Ngẫu Ích rằng: “Con không tham Thiền nữa, con niệm Phật đây!” Đại sư nói: “Không cần, đem công đức tham Thiền hồi hướng là được rồi”. Cần phải viên dung, nếu không thì sẽ sanh ra rất nhiều phân biệt, chấp trước.