/ 100
95

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM,

THANH TỊNH, BÌNH ĐẲNG, GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 20/08/2021

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 97

 

Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Mời xem kinh văn kế tiếp:

Vị chư hữu tình trường dạ lợi ích, mạc linh chúng sanh luân đọa ngũ thú, bị thọ nguy khổ. Ưng cần tu hành, tùy thuận ngã giáo, đương hiếu ư Phật, thường niệm sư ân, đương linh thị pháp cửu trụ bất diệt, đương kiên trì chi, vô đắc hủy thất, vô đắc vi vọng, tăng giảm kinh pháp.

Làm lợi ích cho các hữu tình trong đêm dài, chẳng để cho chúng sanh chìm đắm đọa lạc trong năm đường, chịu đủ mọi nguy nan, khổ ách. Nên siêng tu hành, thuận theo giáo pháp của Ta, nên hiếu với Phật, thường nhớ ân thầy, khiến cho pháp này trụ lâu không diệt, hãy nên gìn giữ vững chắc, đừng để hủy hoại mất mát, không được làm quấy, tăng giảm kinh pháp.

Phật từ bi đến cùng cực, buốt lòng rát miệng dặn dò Bồ-tát hộ trì chánh pháp. Phật vì vô lượng vô biên chúng sanh được cứu độ, mà “làm lợi ích cho các hữu tình trong đêm dài”.

Hết thảy chúng sanh trong đêm dài đằng đẵng, trong sự mờ mịt đen tối không nhìn thấy ánh sáng, bạn chiếu sáng cho họ, chỉ dẫn cho họ, khiến họ được lợi ích, pháp môn Tịnh độ là lợi ích chân thật của tất cả chúng sanh. Điều Phật ban cho chúng sanh chính là lợi ích chân thật nhất. Sau khi chúng ta hiểu rõ chân tướng sự thật rồi, có thể không cảm động rơi lệ sao? Ai là người thân của chúng ta? Phật là người thân của chúng ta.

Phật “chẳng để cho chúng sanh chìm đắm, đọa lạc trong năm đường”. 

Bạch Cư Dị có câu “cùng là kẻ luân lạc dưới gầm trời”, nghĩa của “chìm đắm” chính là trầm luân, đắm chìm. Vậy nên, không được để chúng sanh chìm đắm, đọa lạc trong năm đường. Năm đường bao gồm trời, loại bỏ A-tu-la ra thì lục đạo biến thành năm đường. Quy A-tu-la cõi trời về cõi trời, quy A-tu-la cõi quỷ về cõi quỷ, quy A-tu-la cõi súc sanh về cõi súc sanh, quy A-tu-la cõi người về cõi người, vậy nên A-tu-la không chỉ riêng một đường nào cả. Kinh văn phần trước có câu “cắt ngang năm đường”, trong bộ kinh này đều dùng năm đường, cõi trời cũng vẫn trầm luân.

Đây là chỗ khác biệt so với các tôn giáo khác, như Cơ Đốc giáo, Hồi giáo v.v… họ cho rằng sanh lên trời là chỗ quay về sau cùng, nhưng Phật giáo xem việc sanh lên trời giống như chìm đắm, đọa lạc. Bởi vì sanh lên trời, tuy thọ mạng rất dài, phước rất lớn, nhưng thọ mạng đó là bong bóng xà-phòng, thời gian là cảm nhận sai lầm của con người. Pháp môn Tịnh độ là lợi ích của chúng sanh trong đêm dài, đừng để cho chúng sanh chìm đắm, đọa lạc trong năm đường.

“Chịu đủ mọi nguy nan, khổ ách”

Nỗi khổ của địa ngục được nói rất rõ ràng, rất tường tận trong kinh Địa Tạng. Một khi giác ngộ rồi thì địa ngục vốn là không; khi chưa giác ngộ thì giường đồng cột sắt, núi đao rừng kiếm đều là thật. Bạn chịu hết thảy khổ giống như nhục thân của bạn hiện nay đang chịu đựng. Vì thế phải tránh cho chúng sanh bị chìm đắm, đọa lạc.

Phật pháp đều là vì các hữu tình mà làm ra sự thủ hộ lớn lao. Làm lợi ích cho các hữu tình trong đêm dài, Phật giáo vĩ đại chính là ở chỗ này. Các ngài nghĩ đến người khác nên mới tu hành siêng năng khổ nhọc, không giải đãi. Sự cần mẫn khổ nhọc trong một đời này chỉ là thời gian một cái búng tay, là sự việc trong chốc lát.

“Nên siêng tu hành”, tiếp theo có ba câu rất chủ yếu:

“Thuận theo giáo pháp của Ta, nên hiếu với Phật, thường nhớ ân thầy”

Đây chẳng phải là thứ gì cũng quơ vào hết, có người khuyên bạn: “Phật giáo bạn cũng học, Đạo giáo bạn cũng học, cả hai bạn đều học, chẳng phải là tốt hơn sao?” Như vậy thì tín tâm của bạn đối với Phật giáo không đủ rồi. Phải thuận theo sự giáo hóa, dẫn dắt của Phật. Cho nên Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật, gọi là Bổn sư đó, chúng ta nên nghe lời của Bổn sư, nên hiếu với Phật. Phật còn quan trọng hơn cha mẹ chúng ta. Cha mẹ sinh ra sanh mạng nhục thân này của chúng ta, còn Phật là cha mẹ của huệ mạng chúng ta. Mạng của trí tuệ so với thân mạng quan trọng hơn không biết gấp bao nhiêu lần, cho nên ân của Phật sâu hơn ân của cha mẹ, khó báo đáp hơn ân của cha mẹ. Chúng ta phải hiếu thuận cha mẹ, càng nên hiếu với Phật. Hiếu thuận, sau chữ “hiếu” là “thuận”, nếu không thuận thì sao gọi là hiếu? Chỉ là sự rỗng tuếch. Phải có thể thuận theo tâm của cha mẹ, kỳ vọng của cha mẹ là gì thì hãy làm theo ý của họ, khiến cha mẹ hoan hỷ, đây mới là hiếu. Trong thiên hạ không có vị Phật bất hiếu, hiếu là thiện hạnh xuất thế gian. Quán Kinh có tam phước xuất thế gian, tam phước xuất thế gian cũng là hiếu. Nên hiếu với cha mẹ, nên hiếu với Phật. Hai cái hiếu này đều đề cập đến chữ “thuận”.

/ 100