PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân
Thời gian: 21/08/2021
Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa
Tập 99
Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!
“Hỡi những bậc học rộng trí cả, nên tin lời như thật của Ta”.
Từ trong hai câu kệ này, chúng ta liệu có lĩnh hội được rằng đức Phật đã buốt lòng rát miệng đến cùng cực. Viết đến đây, trước mắt đột nhiên xuất hiện một hình ảnh thế này: Một người mẹ cầm chén cơm đang đuổi theo đứa con để đút, đứa trẻ không nghe lời, chạy lòng vòng. Con chạy, mẹ đuổi, khó khăn lắm mới đuổi kịp được, người mẹ đút một thìa cơm vào miệng con, nhưng đứa trẻ phun một cái văng ra ngoài. Người mẹ bất lực đành lắc đầu, nói một câu: Ôi con ơi, cơm ngon như vậy sao con lại không ăn? Con trẻ chẳng hiểu lòng mẹ hiền.
Phật khuyên nhủ những người nghe rộng biết nhiều, những người có trí tuệ, “nên tin lời dạy của Ta”, tin lời giáo hóa của Ta là lời đúng như thật, Phật là bậc chân ngữ, thật ngữ, như ngữ.
Như thị diệu pháp hạnh thính văn.
Ưng thường niệm Phật nhi sanh hỷ.
Thọ trì quảng độ sanh tử lưu
Phật thuyết thử nhân chân thiện hữu.
Diệu pháp như thế may được nghe
Nên thường niệm Phật, sanh hoan hỷ.
Thọ trì rộng độ dòng sanh tử
Phật gọi người này thật bạn lành.
Đây là bài kệ thứ tám. Bốn câu này là câu kết thúc phẩm này, thật sự rất khó được. “Diệu pháp như thế” chính là chỉ cho bộ kinh Vô Lượng Thọ này. Hết thảy kinh mà Thích-ca Mâu-ni Phật đã nói trong 49 năm thì kinh Vô Lượng Thọ là vi diệu nhất. Diệu pháp thù thắng như vậy, bạn có thể nghe được, nghe thấy được, nghe được thì cạn một chút, nghe thấy được thì sâu một chút, nên thường niệm Phật mà sanh tâm hoan hỷ.
Bản thân tin nhận phụng trì, lại dùng kinh này mà khuyến hóa hết thảy chúng sanh, Phật nói người như vậy là bạn lành thật sự. Bạn lành chính là thiện tri thức, đây là thiện tri thức chân chánh, thiện tri thức chân thật, họ không những tự mình ra khỏi dòng sanh tử, mà còn đi độ thoát rộng khắp mọi người ở trong dòng sanh tử. Phật nói những người này là thiện tri thức chân chánh.
Mời xem khai thị của đại sư Ấn Quang.
“Chúng sanh thời Mạt, nếu muốn hiện đời liễu sanh thoát tử, mà không niệm Phật cầu sanh Tây Phương thì nhất định chẳng thể làm được. Vì sao vậy? Do không có sức để đoạn hoặc. Niệm Phật cầu sanh Tây Phương, nhờ từ lực của Phật nên người chưa đoạn hoặc cũng có thể vãng sanh. Đã vãng sanh rồi, ba thứ hoặc-nghiệp-khổ thảy đều tiêu diệt, ví như đặt mảnh tuyết vào trong lò luyện kim lớn, chưa vào đã tan. Vì Tây Phương là cảnh giới của Phật Bồ-tát, nên phàm phu đến đó, phàm niệm không mong đoạn mà tự đoạn”.
Tôi đã giảng xong phẩm kinh văn thứ 47, tiếp theo xin quy nạp trọng điểm một chút.
Trọng điểm của phẩm kinh văn thứ 47, phẩm kinh văn này có sáu trọng điểm.
Trọng điểm thứ nhất: Vì sao chúng ta ở trong thời loạn như thế này mà có thể nghe được đại pháp thù thắng như vậy? Đây chẳng phải là sự việc ngẫu nhiên. Thiện căn, phước đức trong đời quá khứ sâu dày, do đã từng cúng dường các Như Lai.
Trọng điểm thứ hai: Những người nào không phải là người đương cơ và người thọ trì kinh Vô Lượng Thọ? Người tạo tác ác nghiệp, người cống cao ngã mạn, người giải đãi lười biếng, người tà tri tà kiến.
Trọng điểm thứ ba: Thọ trì kinh Vô Lượng Thọ, vãng sanh thế giới Tây Phương Cực Lạc cần phải có những điều kiện gì? Trong đời quá khứ đã từng ở nơi vô lượng vô biên chư Phật Như Lai gieo trồng thiện căn; có tâm cứu đời, có hạnh cứu đời; phát tâm tiếp nối huệ mạng Phật, cứu độ chúng sanh khổ nạn; nên chư Phật hộ niệm, long thiên ủng hộ; lưu thông kinh Vô Lượng Thọ, hoằng dương pháp môn Tịnh độ niệm Phật; tán diễn, cúng dường kinh Vô Lượng Thọ; nhất tâm cầu cõi Tịnh, dù kiếp nạn hiện tiền vẫn không kinh không sợ.
Trọng điểm thứ tư: Vì sao nói “biển trí huệ Như Lai sâu rộng, chỉ Phật cùng Phật mới biết được”? Vì đây là pháp khó tin, cực kỳ khó tin; chúng ta không có trí tuệ; bộ kinh này là từ trong trí tuệ viên mãn của Phật mà lưu xuất ra, trí tuệ của Bồ-tát Đẳng giác không viên mãn, đều không hiểu rõ hoàn toàn. Vậy nên chỉ Phật cùng Phật mới biết được.