/ 100
213

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 19/08/2021

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 96


Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Phần sau cùng của tiết học trước, tôi đã giảng đến năm điều khó, năm điều khó này là: Điều khó thứ nhất, Như Lai xuất hiện ở đời khó gặp, khó thấy; điều khó thứ hai, kinh đạo của chư Phật khó được, khó được nghe; điều khó thứ ba, khó gặp được thiện tri thức; điều khó thứ tư, nghe pháp xong có thể tu hành, điều ấy cũng là khó; điều khó thứ năm, nếu nghe kinh này rồi tin ưa, thọ trì thì là việc khó nhất trong các việc khó.

Tiết học này, trước hết tôi nói trọng điểm về điều khó thứ ba: khó gặp được thiện tri thức.

Viên Giác Kinh Ðại Sớ nói: “Khéo hiểu chân, biết vọng”. Biết được chân, nhận thức được vọng, “biết bệnh rành thuốc” thì gọi là thiện tri thức. Có thể phân biệt rõ ràng chân-vọng, thông đạt chân tế, biết căn cơ của chúng sanh, bệnh nằm ở đâu, rồi cho họ thuốc thì gọi là thiện tri thức.

An Lạc Tập căn cứ vào lời trong kinh Pháp Cú nói: “Thiện tri thức có thể thuyết các pháp sâu xa”. Thiện tri thức có thể nói các pháp rất sâu, “đó là: không, vô tướng, vô nguyện, các pháp bình đẳng, vô nghiệp, vô báo, vô nhân, vô quả, rốt ráo như như, trụ trong thật tế”. Tất cả những điều này đều là bản thể, “nhưng trong ‘rốt ráo không’ lại rộn ràng lập ra hết thảy pháp thì gọi là thiện tri thức”. Định nghĩa này về “thiện tri thức” rất rõ ràng, như lửa mạnh hừng hực, rộn ràng nơi “rốt ráo không” mà lập ra hết thảy pháp.

Đại sư Vĩnh Minh nói: “Kiến lập đạo tràng trăng trong nước, làm Phật sự lớn ở trong mộng”. “Thiện tri thức là cha mẹ các ông, vì dưỡng dục thân Bồ-đề của các ông”, dưỡng dục các ông, bồi dưỡng thân Bồ-đề của các ông. “Thiện tri thức là tròng mắt của các ông”, là mắt của các ông, khiến các ông nhìn thấy tất cả các con đường thiện ác rõ ràng. “Thiện tri thức là thuyền lớn của các ông”, đưa các ông ra khỏi biển khổ sanh tử. “Thiện tri thức là dây cương của các ông”, có thể kéo các ông ra khỏi sanh tử.

Sau cùng kinh Pháp Cú còn nói: “Hết thảy chúng sanh muốn đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì nên thân cận thiện tri thức, thưa hỏi pháp yếu”. Đây là nói về tầm quan trọng của việc gặp được thiện tri thức.

Muốn chứng Bồ-đề thì nên cầu bạn lành, cầu như thế nào? Đoạn khai thị của kinh Viên Giác là hay nhất: “Chúng sanh đời Mạt toan phát đại tâm, cầu thiện tri thức, hòng tu hành thì nên cầu người có chánh tri kiến đối với hết thảy, tâm chẳng trụ tướng, chẳng đắm trong cảnh giới Thanh văn, Duyên giác, không chấp trước cảnh giới của Nhị thừa. Họ tuy hiện trong trần lao nhưng tâm hằng thanh tịnh; thị hiện có các lầm lỗi, nhưng khen ngợi phạm hạnh, chẳng khiến cho chúng sanh làm điều trái với luật nghi.” Họ không khiến cho chúng sanh phạm giới, người chủ trương phá giới thì không phải là thiện tri thức. Tuy họ có sai lầm, nhưng họ chủ trương chánh tri, chánh kiến. “Cầu người như vậy thì sẽ thành tựu đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.” Điều kiện này không hề thấp. Họ phải biết bạn có chánh tri chánh kiến hay không, trình độ của bạn ra sao, ít nhất họ phải biết thế nào là chánh tri chánh kiến, họ còn có thể phát hiện người này có khuyết điểm gì, đây là căn cơ đặc biệt.

Đại sư Khuê Phong nói trong Viên Giác Kinh Đại Sớ rằng: “Khéo thông đạt giác tánh, chẳng do tu mà sanh, quyết trạch vô nghi thì gọi là chánh tri kiến.” “Giác tánh” chính là tánh giác diệu minh, tánh giác chính là cái giác của bổn tánh, là diệu minh (quang minh vi diệu). Khéo thông đạt giác tánh mà bản thân vốn có. Đó là thứ bạn vốn có, chẳng đến từ bên ngoài. Đây là “chỗ tu hành chẳng đạt đến nổi”, tức là chỗ mà các kiểu tu hành chẳng thể đạt đến được. Nhưng sau khi đạt “vô tâm tam-muội” thì chợt sờ đến, chạm vào, chẳng phải là chỗ mà tu hành có thể trực tiếp đạt đến được, cho nên gọi là “chẳng do tu mà sanh”. Thế nhưng thật sự là cũng phải tu, tu đức có công thì tánh đức mới hiển lộ. Tuy chẳng phải do tu mà sanh ra, nhưng vẫn chẳng thể lìa khỏi sự tu hành. “Quyết trạch” là phân biệt các loại pháp, cái nào là lớn nhỏ, cái nào là chánh tà, cho nên họ “có thể khéo phân biệt các pháp tướng”. “Vô nghi” chính là “không dao động khỏi Đệ Nhất Nghĩa”, đây là hai câu của Hoa Nghiêm. Tuy chẳng dao động khỏi Đệ Nhất Nghĩa, nhưng vẫn có thể khéo phân biệt các pháp tướng, quyết trạch vô nghi, đây gọi là “chánh tri kiến”.

/ 100