PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân
Thời gian: 18/08/2021
Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa
Tập 94
Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!
Mời xem kinh văn tiếp theo:
Thị cố cáo nhữ thiên nhân thế gian A-tu-la đẳng, ưng đương ái nhạo tu tập, sanh hy hữu tâm, ư thử kinh trung, sanh đạo sư tưởng. Dục linh vô lượng chúng sanh, tốc tật an trụ, đắc bất thoái chuyển. Cập dục kiến bỉ, quảng đại trang nghiêm, nhiếp thọ thù thắng Phật sát, viên mãn công đức giả, đương khởi tinh tấn, thính thử pháp môn.
Vì thế, Ta bảo các ông: trời, người, thế gian, a-tu-la v.v. phải nên yêu thích tu tập, sanh tâm hy hữu, đối với kinh này tưởng như bậc đạo sư. Muốn khiến cho vô lượng chúng sanh mau chóng an trụ, đắc bất thoái chuyển, và muốn thấy cõi Phật ấy rộng lớn trang nghiêm, nhiếp thọ thù thắng, viên mãn công đức, thì hãy nên phát khởi tinh tấn, nghe pháp môn này.
Đại ý của đoạn kinh văn này là: Phật nói với các chúng sanh dự hội: trời, người, A-la-hán v.v. đều phải nên yêu thích tu hành, yêu thích pháp môn này, sanh tâm hy hữu. Pháp môn này là thứ hiếm có khó gặp. Người tin Phật rất nhiều, người thật sự có thể tin Tịnh độ không nhiều. Có người đã tin Tịnh độ, nhưng hữu danh vô thực, họ là mê tín, không đầy đủ tín nguyện.
Kinh này là bậc đạo sư, phải “sanh tâm hy hữu, đối với kinh này tưởng như bậc đạo sư”, phải y theo sự chỉ đạo của kinh này mà làm. Cho nên tất cả chúng sanh tham gia pháp hội đều phải nên yêu thích tu hành, phải hộ trì đối với bộ kinh khó gặp được này.
Phật còn tại thế thì có thể hỏi Phật, khi Phật không còn tại thế nhưng Phật đã nói với chúng ta rằng: kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ chính là vị đạo sư, phải y theo bộ kinh này. Đại sư Thiện Đạo nói: “Như Lai sở dĩ xuất hiện ở thế gian, chỉ để nói bổn nguyện hải của đức Di-đà”. Mười phương Phật sở dĩ muốn xuất thế, chính là vì muốn nói bổn nguyện rộng như biển của đức Di-đà. Bộ kinh này chính là nói về bổn nguyện hải của đức Di-đà, trong các kinh khác không có nói. Trong năm kinh Tịnh độ, duy chỉ có bộ kinh này nói ra 48 nguyện của Phật Di-đà, 48 nguyện thành tựu thế nào, nội dung của 48 nguyện này là gì. Vì vậy phải tưởng như bậc đạo sư.
“Muốn khiến cho vô lượng chúng sanh mau chóng an trụ, đắc bất thoái chuyển”
Rất nhanh bèn có thể an trụ, không dao động, không do dự, không phân vân. Thế giới này của chúng ta là tiến một bước mà lùi chín bước, tất cả chúng sanh hiện nay ưu bi khổ não, bi ai đau khổ muôn mối. Phật có tâm thế này: một là độ chúng sanh đắc bất thoái chuyển, hai là khiến chúng sanh thấy được sự rộng lớn trang nghiêm ở cõi ấy. “Cõi ấy” là thế giới Cực Lạc của A-di-đà Phật. Đây là hai điều: một là muốn độ chúng sanh; hai là muốn thấy Phật, viên mãn công đức của chính mình.
“Nên phát khởi tinh tấn, nghe pháp môn này”
Cần khởi tâm tinh tấn mà nghe pháp môn vi diệu này. Đây đều là nhân duyên của Thích-ca Mâu-ni Phật.
“Nhiếp thọ cõi Phật thù thắng”
Rất nhiều đồng tu đối với câu kinh văn này không hiểu sâu, chúng ta nên hiểu thế nào cho chính xác? Bạn phát một nguyện thì nguyện này của bạn liền nhập vào trong biển đại nguyện của A-di-đà Phật, đồng thời cũng đem biển đại nguyện vô lượng của A-di-đà Phật nhiếp thọ vào trong một niệm tâm nguyện của chính mình, phải lĩnh hội viên dung như vậy. Chứ chẳng phải là nói tôi muốn tìm một nơi khác để thành tựu một thế giới nào đó, đây cũng là cách suy nghĩ rất chấp trước của một số chúng sanh. Việc này chẳng dễ biểu đạt, đành nói thế này vậy: Cõi Phật mà chính mình nhiếp thọ cùng với cõi Phật mà A-di-đà Phật nhiếp thọ là không hai, không phải là hai thứ.
Tịnh Ảnh Sớ nói: Từ chữ “vì thế” trở đi là khuyên học kinh này, khuyên mọi người học kinh Đại Thừa Vô Lượng Thọ. Bởi vì trong kinh này nói rằng: Bạn có được kinh Vô Lượng Thọ thì bạn đạt được lợi ích rất lớn. Giả sử lửa lớn tràn đầy tam thiên đại thiên thế giới, đem tất cả mọi thứ của thế giới: nào là địa cầu, hệ mặt trời, hệ ngân hà đều thiêu rụi, ta cũng phải băng qua trận lửa để đi nghe bộ kinh này, huống hồ là nạn nhỏ.
Hiện nay có người học Phật được một chút thì nói: Vì sao tôi vẫn gặp phải một số chuyện xui rủi, việc này không thuận lợi, việc kia không thuận lợi, chuyện này nói lên điều gì? Phát tâm đó của bạn không đúng đắn. Bạn chính là cầu bình an, cầu phước, nên một chút xíu khảo nghiệm, một chút xíu khổ não, một chút xíu khó khăn đã than vãn rồi. Còn ở đây lửa lớn đến như vậy [người ta] đều vượt qua, sao có thể nói học Phật rồi, tu pháp rồi, gặp một số chuyện khó khăn thì than van được. Điều này chứng minh rằng sự phát tâm này, tín nguyện này cần phải đánh một dấu hỏi rất lớn? Vậy nên người thật sự phát tâm rất khó.