PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH
Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân
Thời gian: 18/08/2021
Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa
Tập 93
Chư vị đồng tu tôn kính, xin chào mọi người, A-di-đà Phật!
Hôm nay tôi sẽ giảng tiếp nội dung của ngày hôm qua, nói về đạo dễ hành này. Niệm Phật là đạo dễ hành, nhưng cũng chẳng phải ai ai cũng đều có thể làm được. “Dễ đi mà không người đi”, đi rất dễ dàng nhưng không có người đi. Một là không chịu tin, hai là sau khi tin rồi chẳng để gián đoạn thì quả thật không dễ. Vậy nên Hạ Liên lão nói: “Hoa sen sanh trong lửa, chèo thuyền trên đất khô cằn”. Trong lửa đỏ nở ra hoa sen, đừng cho rằng việc này cứ thõng tay là làm được, nếu chẳng một phen xương buốt lạnh, hoa mai đâu dễ ngát hương thơm. Một việc đừng để cho gián đoạn này, cả đời này liệu có làm được hay không, khó hay dễ là ở chính mình. Đã có chánh tín, có chánh nguyện rồi, còn phải có chánh hạnh. Niệm Phật là công đức không thể nghĩ bàn, rốt ráo chứng đắc Vô thượng Bồ-đề, nhất định được thọ ký. Thọ ký chính là bạn nhất định sẽ thành Phật, bạn vẫn chưa thành Phật nên mới thọ ký cho bạn, chắc chắn thành Phật. Đến lúc mạng chung nhất định vãng sanh, sinh mạng đời này kết thúc rồi thì chắc chắn vãng sanh.
Có một vị là pháp sư Huệ Nhật, ngài vượt biển đến Ấn Độ. Vào trong núi nhìn thấy tượng đức Quán Âm, ngài dập đầu lạy trước tượng đức Quán Âm, không ăn cơm, muốn lạy cho đến khi mạng chung mới thôi. Qua bảy ngày bảy đêm, đột nhiên nhìn thấy đức Quán Âm thân tử kim, ngồi trên hoa sen báu, đưa tay ra xoa đảnh ngài rồi nói: “Ông muốn truyền pháp hòng tự lợi lợi tha, vậy hãy niệm A-di-đà Phật ở thế giới Tây Phương Cực Lạc”. Tất cả điều này đều chứng minh pháp môn niệm Phật vượt hơn các hạnh khác. Những kinh luận khác, như Vãng Sanh Luận của Đại sĩ Thiên Thân, Đại thừa Khởi Tín Luận của đại sư Mã Minh, Tịnh độ Thập Nghi Luận của đại sư Trí Giả, Đại Trí Độ Luận của Bồ-tát Long Thọ, còn có các đại đức: Vĩnh Minh, Thiên Như, Sở Thạch, Liên Trì, Ngẫu Ích, trước tác của các ngài đều ân cần tán thán, dẫn về Tây Phương. Ngàn kinh muôn luận đồng chỉ ra, chư Phật mười phương đồng tán thán.
Chúng ta sanh vào thời mạt pháp, pháp nhược ma cường, nếu dựa vào sức lực của chính mình mà tu hành thì khó tránh khỏi đi sai đường. Hiện nay rất nhiều người đều đang dối người, lừa người. Thế giới Cực Lạc chẳng hề giả, đều là chân thật, không có chuyện lừa đời dối người, nếu chúng ta vẫn còn lưỡng lự chuyện này, vẫn còn lưu luyến trần lao, yêu thích thế gian trần lao này, thì như thiêu thân lao đầu vào lửa, nhìn thì tựa như ánh sáng, lao vào rồi thì thiêu chết chính mình. Hiện nay chúng sanh này đều chạy về hướng mà bản thân họ cho là ánh sáng, kết quả là tự kết liễu sinh mạng của chính mình. Ví như cá bơi đến chỗ không có nước, không bao lâu thì sinh mạng không còn nữa. Về sau chịu khổ nạn lớn, chúng ta cần phải hết sức tỉnh ngộ, đừng cứ tìm cầu sự việc khác nữa.
Rất nhiều người tu hành vẫn đặt việc duyên trần ở vị trí hàng đầu, chuyện này không sáng suốt. “Có mỗi Phật pháp thôi” mà chúng ta còn không làm được. Tuy nhiên vẫn phải đem Phật pháp đặt ở hàng đầu, khi không thể làm được cả hai thì vẫn phải chọn lấy Phật pháp, buông bỏ duyên trần. Chẳng phải thấy Phật, thấy quang minh thì mới có tiến bộ, mà là duyên trần của chúng ta dần dần tan nhạt, hiểu rõ được đạo lý Phật pháp, tâm từ bi lớn lên. Người hiện nay đều là con một, đối với con một thì yêu thương chăm sóc bội phần, đây là tiểu từ bi. Đem tâm này mở rộng đến vô lượng vô biên chúng sanh thì chính là Bồ-tát. Giải hành tương ưng mà phát khởi tâm Bồ-đề.
“Phát tâm Bồ-đề, nhất hướng chuyên niệm”. Đương nhiên chẳng phải muốn sanh về biên địa. Sanh đến biên địa cũng chẳng dễ, cũng rất tốt rồi. Nhưng nếu chí hướng cao nhất của bạn chỉ là muốn sanh đến biên địa, ngộ nhỡ không đạt được thì mất trắng rồi. Phải nỗ lực hướng thượng nhìn lên, nếu không đạt được thì vẫn còn có biên địa. Thế nên nếu thật sự tin tưởng trí tuệ của Phật, và tin sâu trí tuệ của chính mình thì bạn sẽ y giáo phụng hành. Bằng không thì Phật nói mặc Phật, bạn cứ làm theo ý của chính bạn, vậy bạn không thật sự tin trí tuệ của Phật rồi, thật sự tin rất khó, chẳng phải là trống trơn, mà bản thân còn sanh ra rất nhiều tri kiến, các loại tâm khinh mạn. Nếu có thể tin tưởng kiên định thì sẽ không bị những tà thuyết, và những loại sách kém quan trọng hơn làm dao động. Trong tứ y pháp, đừng nương vào bất liễu nghĩa, nếu thật sự tin vào tự tâm thì có thể biện biệt được thứ nào là bất liễu nghĩa.