/ 100
81

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM

THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH

Phúc giảng lần thứ hai: Cô Lưu Tố Vân

Thời gian: 17/08/2021

Địa điểm: Tiểu viện Lục Hòa

Tập 92

 

Chư vị đồng tu tôn kính, chào mọi người, A-di-đà Phật!

Tiếp theo mời xem đoạn kinh văn sau cùng của phẩm này:

Nhược dĩ vô tướng trí tuệ, thực chúng đức bổn, thân tâm thanh tịnh, viễn ly phân biệt, cầu sanh Tịnh sát, thú Phật Bồ-đề, đương sanh Phật sát, vĩnh đắc giải thoát.

Nếu dùng trí tuệ vô tướng mà trồng các gốc đức, thân tâm thanh tịnh, xa lìa phân biệt, cầu sanh về cõi Tịnh, hướng đến quả Bồ-đề của Phật, thì sẽ sanh về cõi Phật, vĩnh viễn được giải thoát.

“Nếu dùng trí tuệ vô tướng mà trồng các gốc đức”

Dùng trí tuệ vô tướng để vun trồng gốc rễ của các công đức, như vậy mà cầu sanh Tịnh độ thì có thể đạt được giải thoát. Gốc của các công đức chính là phát tâm Bồ-đề, nhất hướng chuyên niệm. Không có tướng của sắc, thọ, tưởng, hành, thức, năm trần này là năm tướng, còn có tướng nam, tướng nữ, sanh tướng, trụ tướng, hoại tướng, đây đều là những thứ nghiêm trọng nhất bên trong tướng. Không có những tướng này thì gọi là vô tướng. Kinh Niết-bàn nói: “Niết-bàn gọi là vô tướng.”

Diễn Mật Sao giải thích câu nói này là: “Ở nơi các pháp tịch diệt, tịch diệt nghĩa là vô tướng; nhưng [tịch diệt] chỉ do tâm tự chứng, không phải từ bên ngoài mà có được, cho nên không có các tướng”. Niết-bàn tịch diệt hoàn toàn là tự tâm tự chứng, không đến từ bên ngoài, cho nên nói “không có tất cả tướng”. Đạt được một nơi rồi, bèn xuất hiện tướng của nơi đó. Không được cầu pháp ngoài tâm, ngoài tâm không có pháp, vậy còn có tướng sao? Đều toàn là tâm thì còn có tướng gì chứ? Thế nên kinh Kim Cang nói: “Phàm tất cả tướng đều là hư vọng, nếu thấy các tướng chẳng phải là tướng, chính là thấy Như Lai.” “Phàm tất cả tướng đều là hư vọng”, phải đặc biệt chú ý câu nói này. Người ngu si chính là ở trong hư vọng mà cầu cái hư vọng này. Cũng chẳng phải là nói: rốt cuộc chẳng có tướng gì cả. Lúc nhìn thấy tướng mà chẳng phải tướng thì thấy Như Lai rồi, cũng chính là “lìa tất cả các tướng thì gọi là chư Phật”. Sự việc cực kỳ thẳng tắt này, lìa khỏi hết thảy tướng thì chính là hết thảy Phật, ở đây đã chỉ rõ cái trí tuệ vô tướng rồi.

“Thân tâm thanh tịnh, xa lìa phân biệt”

Đây chính là vạn pháp nhất như. Đã là nhất như thì còn có gì gọi là “nhiễm”, có gì gọi là “tịnh”, chúng đều là một, chẳng phải bình đẳng rồi sao, còn có gì để lấy, để bỏ đâu, cho nên thân tâm bèn thanh tịnh. Tất cả đều nhất như, thì lìa khỏi phân biệt.

Niệm Phật là “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối”, tự nhiên bèn xa lìa phân biệt. Hoặc có người hoài nghi rằng: Tịnh độ tông của bạn là chán lìa Ta-bà, cầu Cực Lạc, đây chẳng phải là có ghét có ưa sao? Đây chẳng phải là có phân biệt đó sao? Câu trả lời trong Diệu Tông Sao là: “Nếu lấy và bỏ đạt đến cùng cực (khi lấy và bỏ đạt đến cực điểm), thì so với không lấy chẳng bỏ cũng chẳng khác gì nhau”. Đây chính là chỗ vi diệu của Tịnh độ. Diệu ở chỗ này, đạt đến cực điểm thì cùng với không lấy chẳng bỏ chẳng phải là hai việc khác nhau. Xả bỏ rốt ráo rồi thì chúng ta gọi là “buông xuống vạn duyên, sáu căn tịch tĩnh”. Nắm lấy rốt ráo thì chỉ khởi một niệm này, chỉ còn lại một niệm này. Một niệm này đạt đến đỉnh điểm rồi, khi bạn có thể niệm Phật được như vậy thì cùng với niệm Phật không có lấy và bỏ, chẳng phải là như nhau sao?

Di-đà Yếu Giải nói: Chúng ta mong cầu cái trí tuệ lìa tướng, nhưng cần phải viên dung, không được chấp chặt vào câu từ. “Nếu không từ trên sự mà lấy và bỏ, chỉ chuộng việc không lấy chẳng bỏ”, thì đây lại là y theo văn tự mà giải nghĩa rồi. Nếu nói phải không còn lấy và bỏ nữa thì họ lại chấp vào không lấy chẳng bỏ rồi, đây là chấp lý bỏ sự, chấp trước vào lý, phế bỏ sự. Phế bỏ sự, lìa khỏi sự như vậy thì lý sẽ không viên mãn. Lý phải nhờ vào sự mà được tỏ rõ, nếu bạn hiểu rõ “toàn sự tức là lý”, nghĩa là tất cả sự chính là lý, vậy thì bạn nắm lấy cũng là lý, bạn xả bỏ cũng là lý. “Nắm lấy và xả bỏ thảy đều là pháp giới”. Thế nên, diệu đế của Tịnh độ tông chẳng phải là thứ mà tình kiến có thể thấu tỏ được. Đức Di-đà muốn chúng sanh cầu sanh về nước ấy, nắm lấy Tịnh độ, khuyên mọi người niệm Phật. Chúng ta cũng niệm Phật, cũng cầu sanh Cực Lạc, đây chính là đem một niệm tâm nguyện này của chúng ta nhập vào trong biển nguyện của đức Di-đà. Đây chính là nhiếp trọn biển nguyện Nhất thừa của đức Di-đà vào trong một niệm tâm nhỏ nhiệm này của chúng ta. Tâm nguyện này của ta nhập vào trong biển nguyện của đức Di-đà, trở thành một thể. Lại phải còn đem toàn bộ biển nguyện của đức Di-đà nhiếp trọn vào trong tâm của chính mình, ở đây tôi thấy chữ “nhiếp” này là dư, vì nó vốn ở trong tâm của chúng ta mà! Vậy nên mười niệm ắt được sanh, có nguyện ắt được mãn nguyện.

/ 100